Chỉ cần nhớ những điều này đảm bảo món lạc rang muối luôn giòn thơm, để lâu không ỉu.
Khỏi phải nói, lạc rang muối là món đơn giản, rẻ tiền nhưng lại rất được nhiều người yêu thích vì có vị đậm đà, bùi bùi, dễ ăn. Bạn có thể sử dụng lạc rang muối để ăn kèm cơm hoặc làm món nhậu nhâm nhi cũng rất hấp dẫn. Nhiều người thích kết hợp lạc rang muối ăn kèm dưa cải muối chua, hay cà muối càng tăng độ bùi của lạc, vô cùng kích thích vị giác.
Bên cạnh đó, lạc rất giàu giá trị dinh dưỡng. Lạc chứa choline và lecithin, rất hiếm trong các loại ngũ cốc nói chung, có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, tăng cường trí nhớ, cải thiện trí tuệ, chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ...
Tuy lạc rang muối quen thuộc như thế nhưng vẫn có nhiều người làm không đạt tiêu chuẩn, khiến lạc không giòn, nhanh ỉu, không thơm. Đầu bếp cho rằng, làm lạc rang muối rất đơn giản nhưng phải đúng kỹ thuận, nắm vững các bí quyết. Đặc biệt nhiều người sau khi rang lạc xong lại cho muối vào luôn, điều này là sai lầm mà cần phải thực hiện thêm bước bữa.
Vậy đó là bước gì, các bạn hãy cùng tham khảo cách làm cụ thể dưới đây của đầu bếp nhé:
Chuẩn bị: Lạc (chọn hạt già, đều nhau, chắc mẩy), rượu trắng, muối, dầu ăn
Thực hiện:
Trước tiên, lạc nên tráng qua nước cho sạch bụi bẩn, rồi đem ngâm trong nước khoảng 5 phút. Không nên ngâm quá lâu khiến lạc bị hút nhiều nước vào trong.
Vớt lạc ra thấm khô nước bằng khăn giấy.
Lúc này, cho lạc vào chảo, bật lửa nhỏ, rang cho lạc bốc hết hơi ẩm ngấm bên trong, với cách này lạc cũng giòn hơn. Khi hạt lạc đã thực sự khô thì cho dầu ăn vào. Nhiều người thích làm nóng dầu rồi mới cho lạc vào, như vậy làm hạt lạc chín không đều, bên ngoài chín trước còn bên trong vẫn sống. Khi ăn lạc rất sượng, không giòn.
Sau khi cho nhiều dầu vào, rang từ từ ở lửa nhỏ, dùng đũa đảo nhẹ nhàng trong quá trình rang để đảm bảo từng hạt lạc được làm nóng đều.
Khi hạt lạc bắt đầu nứt lớp vỏ lụa thì tắt bếp. Không nên đợt hạt lạc có vẻ hơi cháy mớt tắt bếp. Làm như vậy lạc sẽ nhanh bị cháy vì dầu trong chảo vẫn còn rất nóng dù bạn đã tắt bếp rồi.
Sau khi tắt bếp, lúc này bạn đừng vớt lạc ra rồi rắc muối ngay. Nếu làm vậy lạc sẽ không giòn lâu, hơn nữa lạc vẫn còn rất nóng, cho muối vào sớm muối sẽ nhanh bị chảy nước.
Trước khi cho muối, bạn cho 1 thìa rượu trắng vào đảo nhanh tay cho đến khi rượu bay hơi hết và không còn mùi rượu là được. Vì rượu có tác dụng bay hơi tốt, có thể lấy đi một phần nước thừa, để lạc không những giòn hơn mà ăn cũng thơm hơn, bảo quản được lâu hơn, để được khoảng 10 ngày không ỉu.
Sau khi đảo cho rượu bay hơi xong thì ra ngay. Lúc này tận dụng độ nóng còn lại của lạc, rắc chút muối tùy theo sở thích, trộn đều, để nguội rồi thưởng thức.
Bạn có thể ăn kèm cơm, nhâm nhi với cà muối, dưa muối hoặc cốc bia đều hấp dẫn!
Như vậy khi làm lạc rang muối các bạn cần nhớ:
Trước khi rang lạc cần rửa qua lạc cho sạch, rồi ngâm một chút, khoảng 5 phút, không nên để đậu phộng ngấm quá nhiều nước, nếu không khi rang vỏ lụa dễ nhăn, khó giòn.
Khi rang lạc, bạn nhớ dùng dầu lạnh, rang ở lửa nhỏ, rang từ từ để lạc chín vàng đều và giòn.
Không cho muối ngay khi vừa cho lạc ra khỏi chảo mà trước đó cần thêm một ít rượu trắng có tác dụng lấy đi lượng nước còn sót lại trong lạc, giúp lạc giòn hơn, mùi vị thơm hơn, bảo quản được lâu hơn, không dễ lấy lại độ ẩm.
Chúc các bạn thành công!