Thêm chút nguyên liệu này, miếng thịt không bị khô mà chúng còn mềm, đậm đà vị hơn.
Bún chả thịt nướng kiểu Hà Nội luôn là món ăn hấp dẫn của nhiều người. Tuy nhiên, bạn có để ý rằng đôi khi thịt nướng của mình bị khô, trông kém phần hấp dẫn đi hơn rất nhiều. Các chuyên gia ẩm thực đã có cách rất hay để chị em có thể làm miếng thịt nướng thơm, mềm, ngậy, đậm đà hơn rất nhiều. Đó chính là sử dụng sữa đặc có đường để ướp cùng thịt.
Sữa đặc có đường giúp thịt nướng mềm thơm
Đây là một trong những cách ít người biết đến. Ướp với sữa đặc không chỉ làm miếng thịt không bị khô mà chúng còn mềm thịt, đậm đà vị hơn. Tuy nhiên, khi ướp với sữa đặc thì bạn hạn chế, tinh giảm các gia vị có độ ngọt như đường, mật ong… để tránh cho thịt sau khi nướng quá ngọt.
Cách làm bún chả Hà Nội
Thịt ba chỉ để ướp thịt miếng
Nguyên liệu:
Thịt ba chỉ: 700 gram; thịt nạc vai xay hoặc băm nhỏ: 500 gram; cà rốt; đu đủ xanh; hành tím, tỏi, ớt, tiêu; hạt nêm, muối, đường, nước mắm, dầu hào, dầu ăn, mật ong, giấm, sữa đặc có đường; rau sống...
Thịt vai để làm thịt viên
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
Hành tím, tỏi bóc vỏ, rửa sạch, đập dập và cắt nhỏ. Ớt rửa sạch, cắt nhỏ. Chanh rửa sạch, cắt miếng nhỏ, bỏ hạt vắt lấy nước cốt chanh.
Rau sống (xà lách búp, húng lủi, tía tô, kinh giới, rau thơm) nhặt sạch, rửa sạch và ngâm với nước muối pha loãng khoảng 5 phút, vớt ra vẩy khô nước và để ráo.
Cà rốt, đu đủ xanh gọt vỏ, rửa sạch và thái lát mỏng vừa ăn.
Ướp thịt miếng, thịt viên với sữa đặc nhớ lưu ý các gia vị khác cho vừa miệng
Bước 2: Ướp thịt
Cho 3 muỗng đường lên chảo nóng trên bếp có độ lửa vừa, đảo đều cho đến khi đường tan và có màu nâu cánh gián thì thêm 1 chén nước vào, khuấy đều cho tan. Khi nước đường hơi sánh lại thì tắt bếp. Trút nước màu ra chén, để nguội.
Thịt ba chỉ làm sạch và rửa sạch. Sau đó, cắt lát mỏng vừa ăn. Ướp thịt với 1 thìa hạt nêm, 1/2 thìa cafe muối, 1 thìa đường, 1 thìa hành tỏi băm nhỏ, 1 thìa dầu hào, 1 thìa mật ong, 1 thìa sữa đặc, 1 thìa nước màu và trộn đều. Ướp thịt trong khoảng 1 tiếng là được.
Thịt nạc vai xay nhỏ ướp với gia vị theo tỉ lệ giống với cách ướp thịt ba chỉ ở trên là được.
Lưu ý khi cho sữa đặc thì các gia vị khác như mật ong, đường có thể giảm bớt tùy theo khẩu vị của gia đình.
Bước 3: Pha nước chấm
Trong khi chờ thịt ướp ngấm thì làm nước chấm.
Cà rốt và đu đủ đã được thái lát mỏng vừa ăn cho vào thau, bóp đều tất cả với 1 thìa muối. Để cà rốt và đu đủ seo lại, sau đó bóp ráo nước. Vắt ráo cà rốt và đu đủ rồi cho vào tô, trộn với một chút giấm ăn, đường, tỏi ớt băm nhỏ, để cho ngấm. Có thể thay thế đu đủ bằng su hào hoặc dưa chuột đều được.
Lấy 2 bát nước sôi để nguội cho vào tô, cho thêm 1 thìa đường, 1 thìa cafe hạt nêm, 3 thìa nước mắm, 2 thìa nước cốt chanh, 2 muỗng hành tỏi ớt băm nhỏ, trộn đều cho đến khi đường và hạt nêm tan hoàn toàn. Hoặc bạn có thể nêm nếm sao cho vừa ý, hợp khẩu vị của gia đình bạn là được. Trút hết nước chấm vào cùng với cà rốt và đu đủ ngâm, trộn đều là bạn đã hoàn thành phần pha nước chấm.
Nướng thịt bằng nồi chiên không dầu
Bước 4: Nướng chả bằng nồi chiên không dầu
Bún chả ngon nhất vẫn là than hoa. Nhưng giờ vì tiện lợi, sạch sẽ nên nhiều chị em đã chọn cách nướng bằng nồi chiên.
Để 10 phút nhiệt độ 160 độ F cho thịt chín dần, mở ra trở mặt thêm 5 phút ở 160 độ.
Sau đó lật lại để thêm mỗi mặt khoảng 3 phút ở nhiệt 200 độ cho thịt xém vàng thơm.
Khi chả chín vàng, dọn ra đĩa. Món này ăn kèm với bún và rau sống.
Bún chả Hà Nội là một món ăn ngon và dễ ăn, dễ hợp với khẩu vị của nhiều vùng miền. Cách làm bún chả Hà Nội cũng rất dễ, không hề cầu kì. Vì vậy, bún chả cũng có thể làm bữa ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối đều phù hợp.