Để trữ đông thực phẩm không bị dính tảng vào nhau cũng cần biết cách.
Cuộc sống ngày càng bận bịu nên nhiều chị em lựa chọn trữ đông thực phẩm để sau mỗi giờ làm, về chỉ việc chế biến thành các món ăn ngon và hấp dẫn cho cả nhà. Tuy nhiên, khi trữ đông, nếu không biết cách, thực phẩm dễ bị dính vào nhau, lúc lấy ra nấu rất khó. Vì thế, chị Anh Thy (30 tuổi, Biên Hòa) đã mách cách trữ đông vô cùng hiệu quả, không dính tảng khiến nhiều chị em thích thú vô cùng.
Chị Anh Thy
Chị Anh Thy chia sẻ, mình làm ngân hàng nên về rất muộn nên chồng chị là người nấu ăn thường xuyên trong gia đình. Tuy nhiên, những công việc như sơ chế thức ăn, trữ đông thực phẩm chị vẫn thực hiện để giảm bớt sự vất vả cho chồng.
Việc trữ đông thực phẩm được chị thực hiện từ khi cho con ăn dặm. Chị muốn mua được các thực phẩm ngon, sạch nhưng vì công việc bận bịu không thể thường xuyên đi chợ được. Thói quen trữ đông của chị đã được 3 năm.
Nữ nhân viên ngân hàng chia sẻ, trữ đông ngay từ khi thực phẩm còn tươi mới sẽ giữ được gần như toàn vẹn chất dinh dưỡng (trong điều kiện trữ đông đúng cách). Việc này giúp mọi người đi làm vẫn đảm bảo được bữa ăn ngon cho gia đình mà không phải lo lắng đi chợ mỗi ngày. Chiều về mới đi chợ thì vừa mất thời gian, thực phẩm vừa không còn tươi ngon nữa.
Những kinh nghiệm trữ đông thực phẩm không bị dính tảng được chị Anh Thy tham khảo trên các trang nấu ăn và từ nhiều người khác.
Dưới đây là cách trữ đông không dính tảng do chị Anh Thuy chia sẻ, các bạn có thể tham khảo:
Nguyên nhân
Nguyên nhân của việc đông thành tảng là do nước của 3 yếu tố sau gộp thành: nước bên ngoài thức ăn (do rửa), nước bên trong thức ăn (lúc nào cũng có) và hơi nước trong không khí.
Giải pháp
- Yếu tố nước bên ngoài thức ăn thì để thật ráo và thấm khô/quay khô nước, nên thực phẩm như tôm có lớp giáp xác nên vỏ tôm mà ráo thì tháo rất dễ. Cá viên, tôm viên, há cảo, dạng tròn diện tích tiếp xúc nhau ít và thường có dầu nên cũng đông rời rạc.
- Còn yếu tố nước trong nội tại thực phẩm như thịt (rất nhiều nước) thì dù có thấm thật ráo nhưng 2 miếng thịt để sát nhau khi đông lại thì nước trong 2 miếng thịt sẽ đông lại với nhau làm 2 miếng thịt dính lại nhau và khó tách.
- Cuối cùng thì khi dùng hộp kín có thể bỏ qua được yếu tố nước trong không khí, do hơi ẩm không lọt qua được hộp.
Cách làm thực tế
Khi mua thực phẩm về sẽ làm từng bước như sau, đa phần là rã đông ăn cuốn chiếu nên tất cả đồ tươi sống được trữ đông ngay từ đầu, mua được đồ ngon sạch thì cần bảo quản tốt sẽ giữ được đầy đủ dinh dưỡng.
- Phân loại thực phẩm:
Chị sẽ phân loại dựa trên thực phẩm có khả năng tự tách ra khi đông hay là không, cụ thể:
Thực phẩm dễ tách khi đông vì có lớp vỏ không có nước như tôm, cua có lớp vỏ giáp xác thì rửa xong thấm qua giấy cho khô, còn há cảo, cá viên có dầu sẵn, như vậy cho vào trữ đông.
Thực phẩm tự thân nhiều nước như thịt, cá, thì khi trữ đông được chị làm 1 trong 3 cách:
- Cách thứ nhất: Chừa các khoảng cách, không để sát nhau. Cách này sẽ khá tốn thể tích, trữ đông 1 ngày thực phẩm đã se mặt chị sẽ lấy ra lắc cho rời ra và dồn lại vào 1 hộp nhỏ hơn cho tiết kiệm thể tích.
- Cách thứ hai: Sử dụng lá chuối, lá dứa để quấn quanh/chia ngăn giúp trữ tách biệt và lấy ra rất dễ dàng khi đông, ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu.
- Cách thứ ba: trữ vừa vặn một khẩu phần ăn, rã đông là nấu ăn luôn, không rã đông rồi tái cấp đông rất phản khoa học.
Chị Anh Thy theo xu hướng "sống xanh" nên chị rất hạn chế sử dụng màng bọc thực phẩm để chia nhỏ thực phẩm nên mình thực hiện chia như trên.
Tương tự với các loại thực phẩm khác cần trữ đông, ví dụ như các loại trái cây, rau xanh để xay sinh tố chị cũng thấm thật ráo mới trữ đông.
"Một mẹo nhỏ của nhà mình là hay trữ thịt xay chia viên sẵn, rất tiện để nấu canh nhanh hoặc chiên trứng, làm xíu mại... Thịt miếng mua về tự xay cho ngon và đảm bảo. Thịt xay xong, ướp với hành tỏi xay, tiêu, bột nêm, chia viên và trữ đông như 1 trong 2 cách trên", chị Anh Thy nói.
Khi trữ đông thực phẩm, nên để ngăn đá tủ lạnh trong mức -18ºC. Nhiệt độ này sẽ ức chế sự phát triển của đa số các vi sinh vật và vi khuẩn, làm chậm quá trình phân rã thức ăn, hạn chế sự giảm mùi theo thời gian của thực phẩm. Bằng cách này, thực phẩm có thể bảo quản trong khoảng 6 tháng.
Sau khi trữ đông, nhìn màu sắc vẫn hồng hào tươi ngon là trữ đông chuẩn, không bị nhiễm khuẩn, tủ không có mùi tanh hôi cũng là một tiêu chí cần xem tới.