Rau này nấu lên hơi nhớt nhưng rất mát và bổ, thích hợp cho mùa hè, không biết ăn thì quá phí.
Một trong những loại rau mùa hè được chuyên gia dinh dưỡng khuyên ăn thường xuyên đó là rau đay. Loại này rất giàu các dưỡng chất có lợi cho sức khỏe.
Một nghiên cứu đã chỉ ra, cứ 100g rau đay sẽ cung cấp khoảng 306mg leucine, 3140 mg sắt, 51mg methionine, 33 mg vitamin C cùng các loại vitamin K, B6, A và nguyên tố vi lượng khác.
Ngoài ra, trong rau đay còn có chứa một lượng chất nhớt không hề nhỏ. Đây là nguyên nhân khiến canh rau này nhớt, nhiều người không dám ăn. Nhìn không quá bắt mắt nhưng chất nhớt này lại là vị cứu tinh của đường ruột. Việc ăn canh rau đay thường xuyên sẽ giúp nhuận tràng, ngừa táo bón và khắc phục được các chứng bệnh liên quan tới hệ tiêu hóa.
Mặc dù nhiều công dụng với sức khỏe, được ví bổ như nhân sâm thế nhưng không phải ai cũng thích rau đay.
Loại rau này có thể nấu được nhiều món ngon như: Canh rau đay mồng tơi nấu cua, canh rau đay nấu tôm… Những món nấu từ loại rau quê này rất ngon, hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc, mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.
Dưới đây là một cách nấu canh rau đay rất dễ lại không bị nhớt mà vẫn đảm bảo hương vị thơm ngon, các chị em hãy tham khảo nhé.
Nguyên liệu
- Rau đay: ½ mớ
- Mồng tơi: ½ mớ
- Mướp hương: 1 quả
- Cua đồng: 350g
- Hành khô
- Dầu ăn
- Muối trắng
- Hạt nêm
- Bột canh
- Mì chính
Cách nấu canh cua rau đay ngon
1. Sơ chế cua đồng
- Cua đồng mua về bạn rửa qua cho sạch bùn đất rồi ngâm trong nước có pha 1 chút rượu gạo khoảng 30 phút. Rượu sẽ khiến cua “say” và nhả ra toàn bộ chất bẩn. Sau khi ngâm xong bạn rửa cua thêm 2 - 3 lần cho sạch hoàn toàn rồi đem đi chế biến.
- Dùng tay tách nhẹ phần mai và thân cua. Khéo léo khêu phần gạch cua ra bát để nấu canh.
- Đối với thân cua, bạn rửa sạch, để ráo rồi bỏ vào cối xay. Nhớ thêm 1 chút muối trắng để khi nấu thịt cua đóng tảng trông đẹp mắt hơn. Nếu có điều kiện hãy giã cua bằng tay sẽ ngon hơn là xay máy.
2. Sơ chế rau đay
Rau đay, mồng tơi bạn rửa sạch, thái nhỏ. Mướp hương gọt vỏ, thái miếng dày để khi nấu lên không bị teo nhỏ.
3. Nấu canh cua rau đay
- Đổ phần thịt cua đã xay qua rây để lọc hết phần vỏ cứng, tránh khi nấu canh bị sạn. Lưu ý, vì vỏ cua được xay nhuyễn nên kích thước rất nhỏ, bạn cần phải lọc nhiều lần để thu lại phần nước cua ngon nhất.
- Cho nước thịt cua đã lọc vào nồi và đặt lên bếp đun sôi. Dùng thìa khuấy nước cua theo 1 chiều, khi thịt cua nổi lên trên bề mặt là được. Không khuấy canh quá mạnh dễ khiến thịt cua bị vỡ. Ngoài ra, việc khuấy nước cua cũng tránh tình trạng thịt cua bị lắng cặn gây cháy khét đáy nồi.
- Đun nóng dầu ăn, phi thơm hành khô rồi cho gạch cua vào xào thơm. Trút phần gạch đã xào vào nồi canh đang đun. Khi canh sôi, dùng thìa hớt toàn bộ gạch và thịt ra bát để riêng, rồi bỏ rau đay, mồng tơi, mướp hương vào.
- Bật bếp đun nhỏ lửa chờ rau chín thì nêm 1 chút muối, mì chính cho vừa miệng.
- Cuối cùng, bạn cho phần gạch và thịt cua đã chín vào. Cách làm này sẽ giúp cho gạch cua còn nguyên cả tảng, không bị nát.
4. Hoàn thành
Múc canh cua rau đay ra bát và thưởng thức. Mâm cơm gia đình có bát canh cua rau đay thanh mát ăn cùng cà pháo muối giòn, đĩa thịt rang cháy cạnh thì quả là chuẩn bài.
Một số lưu ý giúp canh cua rau đay ngon, không bị nhớt
Để có bát canh ngon như ý khi chế biến bạn cần lưu ý:
- Hãy ưu tiên chọn rau đay thân trắng. Theo kinh nghiệm của các chị em nội trợ lâu năm, những cây rau đay thân trắng độ nhớt sẽ thấp hơn so với loại rau thân đỏ.
- Với rau này, bạn chỉ lấy phần lá và ngọn non sau đó rửa sạch cùng nước, để ráo và thái miếng nhỏ.
- Nếu trong nhà có mắm tôm hoặc nước cua ngâm bạn nên cho vào nấu cùng canh sẽ đậm đà và thơm ngon hơn.
- Canh cua rau đay chỉ ăn 1 bữa, không nên nấu lại 2 lần vừa giảm hương vị thơm ngon lại ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Tránh ăn canh nguội, dễ bị tanh, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.