Tổng hợp công thức 9 món lẩu bò ngon nức tiếng khắp các vùng miền, từ lẩu bò Ba Toa Đà Lạt, bò nhúng dấm Hà Nội cho tới món lẩu chua cay ở Hàn Quốc xa xôi.
Lẩu bò là một món lẩu ngon thường có trong thực đơn của nhiều quán nhà hàng, nó ngon bởi có một mùi vị rất đặc trưng từ các nguyên liệu đơn giản như hoa hồi, sả, quế,...
Những ngày trời mưa hay thời tiết se lạnh lúc giao mùa Thu sang Đông mà được ngồi bên gia đình thưởng thức nồi lẩu bò nghi ngút, thơm ngon thì còn gì bằng. Hãy cùng mình học cách nấu lẩu bò đơn giản ngay tại nhà mà thơm ngon ngỡ như ở quán nhé!
Cách chọn mua thịt bò ăn lẩu
Kinh nghiệm cho thấy, để món lẩu bò tròn vị, bạn nên chọn 1 trong 3 loại thịt sau:
- Thịt ba chỉ: Ba chỉ bò luôn là lựa chọn hàng đầu cho các món lẩu. Thịt này có cả nạc cả mỡ nên khi ăn sẽ thơm mềm, béo ngậy không bị quá khô.
- Bắp bò: Thịt bắp bò cũng là gợi ý không tồi dành cho bạn. Phần thịt bắp có gân và thịt nạc xen lẫn nhau trông rất đẹp mắt. Chưa dừng lại ở đó, thịt bắp dẻo thơm, khi ăn cảm nhận được độ giòn nhất định.
- Lõi vai: Phần thịt lõi vai này rất thích hợp cho những người muốn ăn thịt bò mềm ngậy nhưng không quá mỡ như thịt ba chỉ. Lõi vai có vị ngọt thơm đặc trưng, vị hơi béo của phần thịt này nhúng lẩu thì hết sảy.
Hướng dẫn chọn mua thịt bò ăn lẩu tươi, ngon
Thịt bò ngon sẽ có màu đỏ tươi, phần gân ở miếng thịt màu trắng, mỡ thì vàng tươi chứ không bị nhợt nhạt. Dùng ngón tay chạm nhẹ vào bề mặt của thịt bò. Những miếng thịt bò tươi ngon sẽ có độ đàn hồi tốt và cực kỳ săn chắc.
Ngoài ra, khi chạm vào miếng thịt, bạn sẽ cảm nhận được độ ráo, không có cảm giác dính nhớp trên ngón tay. Ưu tiên lựa chọn những thớ thịt mềm, nhỏ và đừng quá mịn nhé.
Cách khử mùi hôi của thịt bò
Khác với các loại thịt thông thường, thịt bò có mùi hôi khá đặc trưng. Để nhúng lẩu bò ngon, bạn đừng quên áp dụng các mẹo để loại bỏ mùi hôi trên thịt nhé.
Khử hôi bằng gừng
Rất nhiều người thích ướp thịt bò trước khi nhúng lẩu. Việc ướp thịt với các gia vị sẽ giúp thịt đậm đà và ngon hơn. Đặc biệt nếu bạn sử dụng gừng đập dập để ướp cùng thì thịt sẽ không còn mùi hôi nữa.
Khử hôi bằng rượu gạo
Hãy pha rượu gạo cùng với 1 chút nước rồi cho thịt bò vào ngâm khoảng 15 - 20 phút. Đây là khoảng thời gian tốt nhất giúp lấy đi mùi hôi có phần hơi gây gây của thịt bò.
Đừng lo thịt bị ám mùi rượu bởi chỉ cần rửa sạch với nước là thịt bò sẽ không còn bất cứ mùi gì nữa.
Khử hôi bằng chanh/giấm
Nếu bạn bị dị ứng với rượu gạo hoặc trong nhà không sẵn loại đồ uống này thì có thể dùng chanh hoặc giấm để thay thế.
Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần cho chanh/giấm vào phần thịt bò rồi trộn đều lên. Để thịt khoảng 5 phút thì đem rửa sạch lại với nước, miếng thịt trở nên thơm và mềm hơn hẳn đấy.
Khử hôi bằng muối
Lấy muối hột chà xát lên bề mặt của thịt bò cũng là một cách hay khử sạch mùi hôi trên loại thịt này trước khi thái ra để nhúng lẩu bò.
Sau khi ướp thịt cùng với muối, bạn đem rửa sạch phần thịt bò với nước lã để lấy đi lớp muối mặn bám trên bề mặt thịt.
1. Cách nấu lẩu bò thập cẩm
Lẩu bò thập cẩm ngon, dễ nấu, ai cũng có thể tự làm tại nhà.
Nguyên liệu làm lẩu bò:
- Thịt bò phi lê 300g
- Thịt nạm 300g
- Gân bò 300g
- Xương ống heo/bò: 500gr
- Ngao, đậu phụ (tùy thích)
- Hành tây, tỏi băm, gừng, ớt tươi, hoa hồi, quế
- Cà chua 3 quả, ngô, sả 4-5 cây
- Gia vị bò kho 1 muỗng canh
- Rau ăn kèm: hoa bí, rau cải, cà tím, rau muống, nấm kim chi hoặc nấm rơm
- Dầu ăn, mắm, hạt nêm, bột ngọt, đường, tiêu, sa tế tôm
Hướng dẫn nấu lẩu bò thập cẩm tại nhà
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Thịt bò phi lê cắt lát mỏng rồi bày ra đĩa.
- Bò nạm các bạn cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn sau đó ướp với hành tím băm, tỏi băm, hạt nêm, bột bò kho, sa tế tôm mỗi loại 1 muỗng cafe và 1 chút hạt tiêu. Để ướp khoảng 20 đến 30 phút.
- Gân bò rửa sạch rồi cho vào luộc khoảng 5 phút, vớt ra để nguội và thái thành miếng vừa ăn rồi bày ra đĩa.
- Nấm cắt chân, rửa sạch rồi ngâm nước muối khoảng 5 phút sau đó vớt ra để ráo nước.
- Ớt, gừng rửa sạch đập dập và băm nhỏ, cà chua, hành tây bỏ vỏ, thái múi cau, ngô rửa sạch cắt khúc khoảng 3-4cm.
- Rau ăn lẩu cần nhặt sạch, loại bỏ lá úa, sau đó ngâm nước muối và vớt ra để ráo nước.
Bước 2: Nấu nước lẩu
- Xương ống heo/bò thực hiện chặt nhỏ, luộc trần qua và ninh với nước mới, trong quá trình ninh vớt hết bọt để nước xương được trong hơn.
- Hầm xương khoảng 2 tiếng sau đó cho hoa hồi, quế vào và tiếp tục hầm thêm từ 1 đến 1,5 tiếng ở mức lửa nhỏ.
- Cho hành, tỏi đã đập dập, băm nhỏ vào phi thơm sau đó cho nạm bò vào xào. Sau đó cho cà chua thái múi cau vào xào cùng đến khi chín vừa ăn thì đổ nước xương hầm vừa làm vào đun sôi là được.
Bước 3: Làm nước chấm lẩu bò
- Cho 4 thìa xì dầu, nửa thìa đường, ¼ thìa mì chính thêm vào là tỏi, ớt đập dập thái nhỏ và cho thêm hạt tiêu, khuấy đều để các gia vị hòa quyện vào nhau là được.
Bước 4: Thưởng thức
- Thịt bò khi nhúng không nên nhúng quá lâu, chỉ cần nhúng tái khi thịt bò chuyển màu xám là được. Khi ăn thịt bò tái chín thì sẽ cảm nhận được độ ngọt, mềm của thịt bò.
- Tuyệt đối không nên nhúng lâu sẽ khiến thịt bò mất vị và dai.
- Rau ăn kèm có thể chọn rau muống và cải thảo. Thêm 1 chút vị chua từ kim chi nữa thì tuyệt vời.
2. Lẩu bò Ba Toa Đà Lạt
Trót yêu món lẩu bò Ba Toa mà không thể ghé đến Đà Lạt thì hãy thử ngay công thức nấu lẩu siêu chuẩn vị dưới đây nhé.
Nguyên liệu
- Xương bò làm nước lẩu: 500g
- Thịt nạm bò: 1kg
- Dầu ăn
- Củ cải: 1 củ
- Hành tây: 3 củ
- Đường phèn: 1 thìa
- Rau ăn kèm (tùy sở thích)
- Mì trứng, đậu phụ
Cách nấu lẩu bò Ba Toa ngon
Bước 1: Làm nước dùng xương bò
- Xương bò rất hôi vì thế bạn phải làm thật kỹ trước khi cho vào ninh xương. Đầu tiên, bạn rửa sạch xương bò sau đó phết dầu ăn lên bề mặt xương rồi đem nướng khoảng 200 độ C trong thời gian 10 phút.
Trường hợp không có lò nướng thì bạn có thể nướng trên bếp than cũng được.
- Sau khi nướng xong, bạn cho xương rửa sạch với nước rồi cho vào nồi. Thêm nước lạnh ngập mặt xương, thịt nạm bò rồi bật bếp đun sôi.
- Thịt luộc trong khoảng 90 phút thì vớt ra. Phần nước xương thì ninh thêm 3 - 4 tiếng nữa là được. Chú ý, để lửa nhỏ liu riu và vớt bọt thường xuyên như thế nước dùng mới trong và ngọt thơm.
Trường hợp nước lẩu cạn, bạn có thể thêm nước nóng vào nhé.
Bước 2: Hoàn thành lẩu bò Ba Toa
- Khi ninh xương đủ thời gian, bạn vớt xương ra rồi gạn lấy phần nước dùng trong. Chú ý, xương bò sẽ có 1 phần tủy cực kỳ béo ngậy, bạn lấy lấy tủy dầm ra rồi cho vào nồi nước lẩu để đảm bảo vị thơm ngon.
- Cho nước ninh xương vào nồi nấu lẩu chuyên dụng. Thái thịt nạm bò thành từng miếng vừa ăn rồi cho vào nồi nước dùng. Sắp thêm mỳ trứng, rau đã rửa sạch rồi chờ nước lẩu sôi là có thể thưởng thức rồi.
- Lẩu bò Ba Toa phải chấm với chao cùng ớt chưng. Bát nước chấm thơm, béo ngậy khiến món ăn thêm tròn vị.
Cách làm lẩu bò Ba Toa đơn giản, dễ thực hiện. Tuy hơi tốn thời gian ninh xương bò nhưng đổi lại bạn sẽ có một món lẩu vừa ngon, bổ dưỡng lại lạ miệng.
Lẩu bò Ba Toa ngon chuẩn có nước dùng trong vắt, ngọt thơm từ xương bò, béo ngậy từ tủy bò và thịt nạm mềm. Khi ăn bạn nhúng thêm các loại rau ăn kèm. Miếng thịt bò chấm ngập trong bát chao béo ngậy, cay cay của ớt chưng khiến bạn người ăn gắp mãi không ngừng đũa.
3. Lẩu bò nhúng giấm
Đến Hà Nội nhất định phải thưởng thức món lẩu bò nhúng giấm thơm ngon, lạ miệng. Nước lẩu chua chua thanh thanh vị giấm, đậm đà của các loại gia vị khác.
Thịt bò sau khi nhúng chín mềm ăn trực tiếp hoặc đem cuốn cùng rau và bánh tráng cực kỳ ngon. Thêm một bát nước chấm mắm nêm đậm vị nữa thì quả thực điểm 10 cho chất lượng.
>> Xem chi tiết cách làm lẩu bò nhúng giấm nóng hổi, thơm ngon
4. Cách nấu lẩu bò nấm
Có rất nhiều cách nấu lẩu bò nấm. Một số người thích chế biến theo kiểu của Hàn Quốc, số khác lại yêu thích cách dùng gia vị của Việt Nam. Bài viết này, Bếp Eva sẽ hướng dẫn bạn nấu lẩu bò nấm chuẩn hương vị của người Việt.
Nguyên liệu
- Thịt bò: 1kg (nên chọn phần nạm bò, bạn có thể tùy chọn phần thịt bò mà mình yêu thích).
- Nấm rơm: 800g
- Tỏi, sả, ớt hiểm
- Me chua: 30g
- Rau muống: 200g
- Cải bẹ: 300g
- Rau mùi tàu, rau muống: Mỗi loại 1 bó
- Nước dừa tươi: 2 lít
- Dầu ăn, nước mắm, đường, mì chính, muối, hạt nêm
Bí quyết làm lẩu bò nấm
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu làm lẩu bò
- Thịt bò mua về rửa với muối cho hết mùi hôi rồi thái miếng mỏng vừa ăn.
- Cho thịt bò vào trong bát rồi nêm thêm: 1 thìa muối, ½ thìa mì chính, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa nhỏ đường, 2 thìa nước mắm, 1 thìa sa tế cùng vài quả ớt hiểm trộn đều lên.
- Nấm rơm cùng các loại rau rửa sạch, để ráo nước.
- Sả, tỏi rửa sạch băm nhỏ. Ớt hiểm rửa sạch thái miếng vừa ăn.
Bước 2: Làm nước lẩu
- Bắc chảo sạch lên bếp rồi thêm vào đây 1 thìa dầu ăn. Trút tỏi băm vào phi vàng rồi cho nấm rơm đã rửa sạch vào xào chín. Nêm nếm gia vị để nấm đậm đà hơn.
- Trút nấm rơm ra bát, thêm dầu ăn rồi cho sả cùng phần tỏi băm còn lại vào phi thơm. Khi tỏi, sả đã vàng, bạn cho thêm chừng 2 lít nước dừa tươi vào đun.
- Cho me chín vào rây rồi đặt vào trong nồi nước dừa. Dùng thìa dầm để lấy phần nước cốt me.
- Chảo nước dừa sôi thì bạn cho nấm rơm đã xào trước đó vào. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng và trút thịt bò đã ướp vào.
- Thịt chín, rắc ớt hiểm và mùi tàu lên bên trên là hoàn thành.
Bước 3: Thưởng thức
- Bắc chảo lẩu bò lên trên bếp ăn lẩu rồi đun sôi. Nhúng rau muống, cải bẹ xanh vào và thưởng thức.
Nếu muốn ăn bò nhúng thì bạn có thể không cho bò ngay ở bước thứ 2 mà để ngoài. Khi ăn chỉ cần nhúng sơ là thưởng thức.
Món lẩu bò nấm kiểu Việt Nam này có hương vị cực kỳ thơm ngon. Nước dùng đậm đà mùi thơm đặc trưng của nước dừa. Nấm rơm chín tới rất ngọt thơm. Thịt bò mềm, đậm vị ăn mãi không chán.
Bạn có thể chuẩn bị thêm bún tươi ăn kèm cũng rất tuyệt.
5. Lẩu bò kim chi
Vị chua chua cay cay của lẩu bò kim chi thơm ngon khó lòng cưỡng lại.
Nguyên liệu nấu lẩu bò kim chi:
- Thịt bắp bò: 500g
- Nước xương: 1 lít
- Đậu phụ: 3 miếng
- Nấm hương: 300g
- Sả, tỏi, hành boa rô, hành tây
- Kim chi: 1 hộp 500g
- Nước mắm, nước tương, dầu ăn, sa tế, đường, muối, bột nêm
Chi tiết cách làm lẩu bò
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
- Thịt bắp bò mua về bạn rửa sạch với giấm hoặc rượu gạo để khử mùi hôi. Rửa sạch lại với nước và thái thịt thành từng lát mỏng cho dễ ăn.
- Sả rửa sạch đập dập, tỏi bóc vỏ rồi băm nhỏ. Hành tây bỏ vỏ, thái múi cau hoặc miếng vuông tùy sở thích. Hành boa rô cắt khúc.
- Đậu phụ thái miếng vuông.
- Nấm hương ngâm nở rồi thái miếng vừa ăn.
Bước 2: Chế biến
- Bắc nồi lên bếp rồi thêm dầu ăn vào. Dầu nóng, bạn thêm tỏi, hành, sả vào phi thơm.
- Đổ 1 lít nước xương đã chuẩn bị vào rồi nêm nếm: 1 thìa ớt bột, 1 thìa nước mắm, 1 thìa nước tương, 1 thìa đường, ¼ thìa muối, 1 thìa sa tế và kim chi.
- Khi nồi nước dùng sôi lại thì bạn cho đậu phụ cắt miếng vuông, bắp bò vào đun chừng 5 phút là hoàn thành.
Bước 3: Thành phẩm
Nồi lẩu bò kim chi có màu sắc vô cùng đẹp mắt. Khi ăn, bạn cảm nhận được rõ vị chua chua cay cay, nước dùng đậm đà vừa miệng. Vị chua của kim chi, thơm của sả, tỏi, ngọt của thịt bò, thanh mát của đậu phụ. Tất cả hòa quyện tạo nên một nồi lẩu bò ngon khó cưỡng.
6. Lẩu bò khoai môn
Thơm ngon vị lẩu bò khoai môn dễ nấu lại giàu dinh dưỡng.
Nguyên liệu:
- Thịt bò: 800g
- Sườn bò: 1kg
- Khoai môn: 400g
- Đậu phụ: 2 miếng
- Tàu hũ ky: 30g
- Gói gia vị nấu lẩu bò: 1 gói
- Sả: 4 cây
- Hành tây: 1 củ
- Hành tím, đầu hành lá, gừng
- Dầu ăn, giấm
- Rau ăn lẩu, mì
- Muối
Hướng dẫn cách nấu lẩu bò khoai môn
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
- Sườn bò cùng thịt bò đem rửa sạch với giấm ăn để khử mùi hôi. Thái thịt bò thành từng miếng mỏng, sườn bò chặt khúc rồi chần qua nước sôi.
- Khoai môn gọt vỏ, thái miếng vừa ăn.
- Đậu phụ xắt miếng vuông.
- Sả đập dập, hành tím và đầu hành băm nhỏ. Hành tây thái múi cau, gừng cắt lát.
- Rau ăn kèm lẩu rửa sạch.
Bước 2: Nấu lẩu
- Bắc nồi lên bếp rồi thêm vào đây khoảng 1 - 2 thìa dầu ăn. Dầu nóng, bạn cho các loại củ gia vị như sả, hành tím, đầu hành và gừng vào phi thơm.
- Khi thấy gia vị thơm vàng thì đổ vào đây 1.5 lít nước rồi bật lửa to đun thật sôi.
- Nước dùng sôi, bạn cho phần sườn bò đã sơ chế ở bước 1 vào hầm chín. Đừng quên cho thêm 1 túi gia vị lẩu bò, hành tây vào nhé.
- Hầm từ 30 phút - 1 tiếng thì thịt sườn đã chín mềm. Lúc này, bạn vớt các phần gia vị như: Gói lẩu bò, hành, sả… ra bên ngoài và chắt nước dùng cùng sườn ra nồi lẩu chuyên dụng.
Bước 3: Rán khoai môn và tàu hũ ky
Phần khoai môn và tàu hũ ky, bạn đem rán vàng đều 2 mặt rồi thả vào nồi nước lẩu.
Bước 4: Thưởng thức
- Bắc nồi nước lẩu lên bếp đun sôi khoảng 3 phút là có thể thưởng thức rồi.
- Nhúng thịt bò, rau ăn kèm chấm cùng nước mắm ớt.
Lẩu bò khoai môn hấp dẫn bởi nước lẩu rất thơm, đậm đà, đặc biệt không có mùi bò. Phần thịt nhúng mềm, khoai môn bùi bùi béo ngậy, rau ăn kèm thanh mát đảm bảo bạn sẽ mê ngay từ lần đầu tiên thưởng thức.
7. Lẩu bò riêu cua
Yêu thích vị lẩu hơi chua chua cay cay nhưng không quá đậm đà như lẩu Thái thì lẩu bò riêu cua là lựa chọn không tồi dành cho các bạn.
Món lẩu bò riêu của này có mùi thơm rất hấp dẫn. Nước lẩu ngọt thơm, chua chua dịu nhẹ của giấm bỗng, cà chua, mùi hương đặc trưng của riêu cua khiến người ăn mê mẩn.
Khi nước lẩu sôi, nhúng phần bắp bò được thái mỏng vào. Thịt bò chín tới thì gắp ra chấm với nước mắm ớt rất ngon. Bạn cũng có thể nhúng thêm các loại rau ăn kèm đặc trưng như rau muống chẻ, bi chuối thái sợi hoặc thêm vài miếng đậu rán là tuyệt phẩm đấy.
>> Chi tiết cách nấu lẩu riêu cua bắp bò sườn sụn
8. Lẩu bò nhúng mắm me
Lẩu bò nhúng mắm me mới nghe thôi đã “ứa nước miếng” rồi. Phần nước nhúng lẩu có vị thơm, chua dịu nhẹ của me, đậm đà của các loại gia vị. Khi nhúng thịt bò vào đây, miếng thịt chín tới ăn rất mềm và ngon.
Chấm thịt bò nhúng cùng rau vào bát nước mắm me thì ngon hết ý. Ai đã từng được ăn món lẩu bò này thì hẳn sẽ nhớ mãi không quên.
>>Xem thêm cách nấu lẩu bò nhúng mắm me
9. Lẩu bò kiểu Hàn
Không dùng quá nhiều gia vị cay như người Thái, lẩu bò của người Hàn có nước dùng đậm vị thanh ngọt của các loại rau củ, rong biển. Thịt bò chín mềm thơm đậm đà và đặc biệt là nồi lẩu có màu sắc cực kỳ đẹp mắt khiến bạn chẳng lỡ ăn.
Bạn có thể chuẩn bị thêm 1 chút miến dùng kèm cũng cực kỳ tuyệt đấy.
>> Cách làm lẩu bò kiểu Hàn nóng hổi vừa ăn vừa thổi
Vừa rồi là tổng hợp 9 cách làm lẩu bò ngon, tròn vị mà chị em nào cũng nên biết. Lựa chọn cho mình 1 công thức nấu lẩu ngon để chiêu đã cả gia đình trong những dịp sum họp nhé.