Giá điện tăng lên một lần trong năm 2015 nhưng đây lại là năm người dân bức xúc nhiều nhất về giá điện.
Giá điện tăng có đúng với ngành điện?
Ngày 16.3.2015, giá điện bình quân đã tăng 7,5%, tương ứng với giá 1.622,05 đồng/kWh. Giá điện tăng cùng với một biểu giá điện mới diễn ra ngay trước thời điểm nắng nóng kỷ lục cộng với nhu cầu dùng điện tăng cao đột biến đã khiến hóa đơn tiền điện của người dân suốt từ hè sang thu (từ tháng 4 đến tháng 7, tháng 8) tăng vọt từ 1,5-3 lần.
Một phép tính thử đối với một hộ dân thời điểm đó là, nếu sử dụng 200 kWh/tháng sẽ phải chi trả 362.395 đồng đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (1.786 đồng/kWh). Cũng là hộ dân đó nhưng sử dụng 300 kWh/tháng, chi phí bỏ ra tăng thêm 1,7 lần, tức là 609.000 đồng. Nếu sử dụng tăng lên đến 400 kWh/tháng, số tiền đã vọt lên đến 1.453.000 đồng đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (tăng hơn 2,4 lần). Bức xúc của người dân đã khiến Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng lúc ấy phải lên tiếng rằng, việc tiền điện của các hộ dân hàng tháng chỉ dao động từ 200.000 - 300.000 đồng nhưng tăng vọt lên hơn 1 triệu đồng/tháng thì chắc hẳn là “có vấn đề”. Ông Hoàng đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải thay đổi biểu giá và cách chia nhiều bậc thang nhỏ như đang áp dụng, đưa biểu giá điện về chỉ còn 1 bậc thang duy nhất. Trước mắt chưa thể xây dựng được mức 1 bậc thang thì phải rút xuống chỉ còn khoảng 3 bậc.
Giá điện tăng và hóa đơn điện của người dân tăng vọt còn “hâm nóng” cả nghị trường Quốc hội hồi tháng 6.2015. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương khi ấy đã đặt câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: "Tăng giá, tăng giá và tăng giá. Tăng rồi tăng tiếp. Đó là điệp khúc kéo dài từ thuở khai sinh ra ngành điện nước nhà đến nay. Về mặt lý thuyết, khi có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, bán điện thì chi phí hạ, người dân sẽ được hưởng mức giá cạnh tranh nhất. Nói vậy quá đúng nhưng lý thuyết ấy tại sao không đúng với ngành điện?". Bộ trưởng Hoàng trả lời rằng: "Thực tế là đến năm 2014, giá điện mới bắt đầu có mức bán cao hơn giá thành. Lâu nay chúng ta vẫn duy trì cơ chế bao cấp. Tuy nhiên, mức giá điện của năm 2015 vẫn chưa phải giá thị trường".
Người dân sẽ lại chịu cảnh giá còn tăng
“Chưa phải giá thị trường” nên năm 2016, giá điện đang được các bộ ban ngành dự báo sẽ lại tiếp tục tăng lên. Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cuối năm nhận định, nhiều khả năng, giá điện sẽ được Chính phủ cân nhắc, tính toán để điều chỉnh tăng trong năm 2016.
Một biểu giá điện mới theo yêu cầu của Bộ trưởng Hoàng như thế nào đến nay người dân còn chưa nắm rõ nhưng giá điện đã lại ngấp nghé tăng tiếp. Lãnh đạo ngành Công Thương cũng nhìn nhận: Giá điện đã không tăng tiếp trong cuối năm 2015 nhưng áp lực tăng giá điện năm 2016 dự báo là có. Bộ Công Thương cho hay, lãi khoản vay 7.000 tỷ đồng của EVN tại PVN (Tập đoàn dầu khí Việt Nam) sẽ được hạch toán vào giá điện hàng năm. Điều này cũng có nghĩa người tiêu dùng phải “gánh” lãi vay của EVN vào giá điện.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam lo lắng, với các khoản lãi vay được tính vào giá điện này cùng với các khoản lỗ do tỷ giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng mà các tập đoàn điện, than, khí kêu lỗ và kiến nghị tính vào giá điện, có thể người dân sẽ phải chịu cảnh giá điện tăng lên đáng kể năm 2016.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá điện đến nay đang phải gánh chịu quá nhiều chi phí bất hợp lý, từ khâu sản xuất đến các khâu trung gian. PGS. Nguyễn Minh Duệ - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết, “với cấu trúc hệ thống điện, đặc biệt nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, thì ở Việt Nam giá bán điện bình quân (kể cả VAT) - 1.784,25 đồng/kWh, tương đương 8,3 UScent/kWh không phải là thấp”. Điều gây bức xúc cho người dân, theo ông Duệ là “giá điện điều chỉnh tăng liên tục qua các năm song chỉ có tăng, chưa hề giảm (cho dù có thời điểm chi phí đầu vào giảm đáng kể, như mùa nước của thủy điện, việc đưa vào vận hành nhà máy thuỷ điện Sơn La…)”.
TS Ngô Đức Lâm - Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam cũng cho rằng, một yếu tố nữa là tổn thất truyền tải hệ thống điện, chi phí này đang ảnh hưởng không nhỏ đến giá điện. “Tổn thất truyền tải hệ thống nếu thêm 1%, ngành điện sẽ mất đi 1,1 tỷ kWh. Chi phí cho truyền tải năm 2013 là 79,9 đồng/kWh, năm 2015 đã được tính là 104 đồng/kWh, mà nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí chính là tăng tổn thất truyền tải này” - ông Lâm dẫn chứng.
Từ năm 2009 đến nay giá điện đã điều chỉnh tăng 8 lần, năm nào cũng tăng ít nhất 1 lần, riêng năm 2011 và năm 2012 điều chỉnh tăng 2 lần; mức tăng mỗi lần là 5%. Riêng ngày 1.3.2011 tăng 15,28% so với năm 2010. Và theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ (ngày 16.3.2015) giá điện bình quân tăng 7,5%, lên 1.622,05 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).