Cách 'khử' thuốc trừ sâu trên rau ngót

Ngày 12/07/2013 05:05 AM (GMT+7)

Chị em nên rửa sạch rau ngót bằng nước nhiều lần và nấu chín kỹ, nhiều hoạt chất trong thuốc trừ sâu sẽ bị phân hủy bớt.

Đây là lời khuyên của ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục Trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT đối với người tiêu dùng trước thông tin rau ngót vừa bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Tẩy chay rau ngót

Thông tin 7/25 mẫu (chiếm tỷ lệ hơn ¼ số mẫu thử) rau ngót cho kết quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép khiến nhiều chị em lo lắng trong những ngày qua và không dám mua loại rau này.

Chị Hoàng Minh Anh, trú tại Đống Đa, Hà Nội cho hay, từ hôm nghe thông tin phát hiện nhiều mẫu rau ngót có nhiễm thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép, chị chưa dám mua lại loại rau này.

Theo chị Minh Anh, rau ngót là loại rau được cả gia đình chị ưa thích trong mùa hè bởi rau ngót dễ ăn và nó còn có thể kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác thành nhiều loại canh rất ngon và hợp thời tiết nóng. Nhưng từ khi nghe thông tin tới giờ, chị chưa dám mua lại. “Tôi cứ nghĩ loại này này khá an toàn, chỉ nghĩ rau cải là nhóm nguy cơ, ai dè rau ngót lại có nguy cơ cao hơn, tỷ lệ mẫu lại cao quá”, chị Minh Anh nói.

Tương tự, chị Hoa nhà ở Ba Đình, Hà Nội cũng cho hay, đã tạm dừng món rau này. “Khi nghe thông tin tôi lo quá, nhà còn mớ rau ngót chưa ăn trong tủ tôi cũng bỏ luôn. Từ hôm đó đến nay, ra chợ người bán rau cứ mời mua ra ngót, giờ chỉ còn 1.500 đồng/mớ và bảo đảm là rau nhà trồng nhưng tôi cũng không tin nên không dám mua nữa”, chị Hoa nói.

Chưa ảnh hưởng đến sức khỏe

Trước những lo lắng của người tiêu dùng, giải thích rõ hơn về kết quả kiểm tra trên, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục Trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT cho hay, kết quả kiểm tra rau ngót là 7/25 mẫu nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép có nghĩa là loại rau này có tỷ lệ chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao chứ không phải là mất an toàn.

Theo ông Hồng, mức dư lượng tối đa cho phép là một chỉ tiêu dùng trong thương mại đảm bảo cho người sản xuất thực hành nông nghiệp tốt để tạo ra sản phẩm tốt với người tiêu dùng. Việc này tương tự như xử lý vi phạm Luật lệ giao thông không đồng nghĩa với việc người vi phạm giao thông đó sẽ gây ra tai nạn. “Còn xa mới ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Hồng nói.

Theo đó, việc phân tích các mẫu rau ngót trên là phân tích nguy cơ để các cơ quan quản lý Nhà nước, người tiêu dùng biết về nguy cơ an toàn khi sử dụng. Vượt mức dư lượng tối đa cho phép ở đây không có nghĩa là đã mất an toàn.

Ông Hồng lấy ví dụ, đối với một loại thuốc trừ sâu thông thường thì 1người 1 ngày phải ăn  7.000 quả cà chua ở mức dư lượng tối đa cho phép hoặc một cậu bé 18kg phải ăn 534 quả táo/ngày, cô bé ăn 3.000 củ cà rốt thì mới bị mất an toàn.

Do đó, giá trị vượt mức tối đa cho phép cũng vẫn là chỉ số rất an toàn. Thậm chí vượt rất nhiều lần cũng không đồng nghĩa là mất an toàn mà chỉ là nguy cơ mất an toàn và kết quả đối với rau ngót lần này cũng vậy, ông Hồng khẳng định.

Rửa sạch nhiều lần và nấu kỹ

Cách khử thuốc trừ sâu trên rau ngót - 1

Người tiêu dùng chọn mua rau ở nơi uy tín

Như vậy, kết luận chung thì lần kiểm tra vừa qua đã cho thấy nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên rau ngót là cao hơn các loại rau khác. Kết quả kiểm tra này cũng là cơ sở để cơ quan chức năng hướng dẫn người nông dân sản xuất đúng cách và hướng dẫn người tiêu dùng cách để tiêu dùng an toàn hơn.

Hướng dẫn người tiêu dùng đối với rau ngót lần này, ông Hồng cho hay, chị em nên lựa chọn mua rau ở các cửa hàng bán rau an toàn hoặc những địa chỉ bán rau uy tín. Những cửa hàng này, nguồn rau sẽ được lấy từ các nơi đăng ký sản xuất an toàn và được kiểm tra kiểm soát nhiều hơn.

Trước khi nấu, chị em vẫn phải thực hiện các biện pháp để nhằm loại bỏ bớt dư lượng thuốc trừ sâu trên rau nếu có như: rửa sạch qua nhiều lần nước, đun chín. “Trong quá trình nấu chín, nhiều hoạt chất còn trên rau ngót sẽ được phân hủy và giảm bớt”, ông Hồng nói.

Bí xanh, bí đỏ an toàn nhất

Kết quả giám sát về tình hình tồn dư hóa chất trên rau, quả từ năm 2008 đến nay do Bộ NN-PTNT tiến hành thì nhóm rau ăn lá có nguy cơ mất an toàn thực phẩm hơn rau ăn quả.

Trong đó, các loại rau có nguy cơ cao là rau muống, rau ngót, cải xanh, đậu đỗ. Loại rau, củ có ít nguy cơ nhất là bí xanh, bí đỏ.

Đối với nhóm hoa quả tươi thì nho tươi là loại quả có nguy cơ cao nhất. Kế tiếp nho là dưa lê, chuối. Nhóm có nguy cơ thấp nhất lại là cam và xoài.

Các vùng sản xuất, kinh doanh rau quả của các tỉnh phía Bắc có nguy cơ mất an toàn cao hơn khu vực miền Trung, các tỉnh phía Nam là khu vực có nguy cơ thấp nhất.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh hoàng thực phẩm bẩn