7/25 mẫu rau ngót, 2/25 mẫu mướp đắng vừa bị phát hiện nhiễm thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép.
Thông tin được Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN-PTNT công bố ngày 8/7 trong cuộc họp giao ban về chất lượng vật tư nông nghiệp. Thông tin gây lo lắng rất nhiều cho người dân trong bối cảnh gần đây rất nhiều loại nông sản được tiêu thụ ở thị trường trong nước (bao gồm cả nhập khẩu) có nhiễm chất độc hại như khoai tây, gừng, cá tầm…
Phát hiện tại Hà Nội và TP.HCM
Trong 25 mẫu rau ngót được lấy kiểm tra tại các chợ đầu mối lớn ở Hà Nội và TP.HCM thì phát hiện 7 mẫu có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
Còn lại 8/25 mẫu bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng dưới ngưỡng cho phép.
Nhận định về kết quả kiểm tra này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN-PTNT cho hay, đây là loại rau được người dân trong nước sử dụng hàng ngày nhưng lại có nguy cơ rất cao về mất an toàn thực phẩm.
Ngoài rau ngót, lần kiểm tra này cũng phát hiện mướp đắng được bày bán tại Hà Nội và TP.HCM nhiễm thuốc trừ sâu.
Tỷ lệ rau ngót bị nhiễm thuốc trừ sâu khá cao (Ảnh: VNN)
Cụ thể, 2/25 mẫu mướp đắng được kiểm tra có phát hiện thuốc trừ sâu vượt mức tối đa cho phép, 8/25 mẫu có phát hiện nhưng nằm trong ngưỡng cho phép.
Nhìn nhận vấn đề, ông Nguyễn Đồng Quảng, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho hay, nguyên nhân dẫn đến việc nhiễm thuốc trừ sâu trên rau ngót, mướp đắng nói riêng và nhiều loại rau quả trong thời gian qua là do việc áp dụng quy trình, sự kiểm tra, giám sát của khuyến nông chưa sâu sát đến hoạt động sản xuất của nông dân. Người nông dân có thói quen dù không có sâu bệnh cũng phun thuốc. “Rất nhiều nơi, chưa đến ngưỡng phải phun nhưng dân vẫn cứ phun, vừa làm tăng chi phí, vừa nguy cơ với chất lượng nông sản”, ông Quảng nói.
Người dân lo lắng
Thông tin mới công bố khiến cho nhiều người dân thấy rất lo lắng bởi rau ngót là một trong những loại rau hay được sử dụng trong bữa cơm hàng ngày. Hơn nữa, tỷ lệ mẫu rau ngót phát hiện nhiễm thuốc trừ sâu lại khá cao, chiếm tới hơn ¼ tổng số mẫu xét nghiệm.
Chị Hoàng Tú Anh, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, mùa hè nhà chị rất thích ăn rau ngót và hay ăn vì nó thích hợp để nấu nhiều món canh và nấu kèm với canh miến, canh bánh đa rất dễ ăn. Nhất là trong những ngày trời nóng, có tuần, chị nấu tới ba bữa canh rau ngót và đều được cả nhà ưa thích. Vì vậy, trước thông tin trên, chị Tú Anh tỏ ra rất lo lắng. Chị Tú Anh nói: “Tạm thời tôi sẽ tránh ăn loại rau này, mua rau cải ăn thay. Nhưng từ trước đến nay, các loại rau cải cũng là nhóm có nhiều thuốc trừ sâu nhất nên cũng không thấy yên tâm. Tôi cảm thấy hoang mang quá”
Chị Nguyễn Thị Lan, nhà ở quận Ba Đình, Hà Nội cũng bày tỏ sự lo lắng của mình: “Từ trước đến nay tôi cứ nghĩ rau ngót và mướp đắng khá an toàn, ai dè cũng lại phát hiện ra thuốc sâu. Thời buổi này, thật không còn biết ăn gì để yên tâm nữa”.
Rau ăn lá là nhóm nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu cao
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, kết quả giám sát về tình hình tồn dư hóa chất trên rau, quả từ năm 2008 đến nay thì nhóm rau ăn lá có nguy cơ mất an toàn thực phẩm hơn rau ăn quả.
Trong đó, các loại rau có nguy cơ cao là rau muống, rau ngót, cải xanh, đậu đỗ. Loại rau, củ có ít nguy cơ nhất là bí xanh, bí đỏ.
Đối với nhóm hoa quả tươi thì nho tươi là loại quả có nguy cơ cao nhất. Kế tiếp nho là dưa lê, chuối. Nhóm có nguy cơ thấp nhất lại là cam và xoài.
Ngoài ra, điều đáng lưu ý là nếu tính theo vùng địa lý thì các vùng sản xuất, kinh doanh rau quả của các tỉnh phía Bắc có nguy cơ cao hơn khu vực miền Trung, các tỉnh phía Nam là khu vực có nguy cơ thấp nhất.