Ngày 3.6, ông Lê Mạnh Hùng (Cục An tòan thực phẩm- Bộ Y tế) cho biết, không tìm thấy chất độc hại trong trà sữa trân châu.
Cụ thể, sau khi nhận được tin cảnh báo từ Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc Đài Loan và Cơ quan lương thực thực phẩm và thú y Singapore (AVA) liên quan đến việc sử dụng acid maleic (chất không được phép sử dụng trong thực phẩm), Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tiến hành lấy mẫu sản phẩm hạt trân châu và trà sữa trân châu trên địa bàn Hà Nội.
Trà sữa trân châu Đài Loan hiệu Sunright bị thu hồi tại Đài Loan, Singapore vì cảnh báo gây tổn thương thận
Kết quả, đối với hạt trân châu: đã giám sát được 6 mẫu, kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 6/6 mẫu hạt trân châu không phát hiện có acid maleic. Đối với trà sữa trân châu: 13/13 mẫu kiểm nghiệm không tìm thấy acid maleic. 13/13 mẫu này có hàm lượng acid benzoic (từ 30,6-199,6 mg/kg sản phẩm) dưới mức giới hạn quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30.11.2012 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm (1000mg/kg sản phẩm).
Như vậy, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa phát hiện hạt trân châu và trà sữa trân châu có các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường trà sữa trân châu vẫn tiềm ẩn nhiều mối lo về an tòan thực phẩm.
Hiện nay, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua nguyên liệu trà sữa trân châu ở nhiều phố lớn tại Hà Nội như Hàng Giầy, Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân… Giá nguyên liệu rất rẻ, 18.000 đồng/kg hạt trân châu, 60.000 đồng/gói trà sữa, hương 40.000 một can 2 lít xi rô trái cây các loại (cam, táo, dâu, nho… ) để tạo mùi. Rất nhiều loại bột trà khồng hề có nguồn gốc, xuất xứ, hoặc nhãn mác tòan tiếng Trung Quốc. Hầu hết các quán trà sữa đều mua các nguyên liệu có sẵn này về để pha chế, bán cho người tiêu dùng – phần lớn là thanh thiếu niên với mức lãi “một vốn bốn lời”.
Trước đó, Cơ quan chế biến thực phẩm và thú ý Singapore (AVA) đã tuyên bố phát hiện ra chất axit maleic (một loại phụ gia bị cấm sử dụng) trong một số loại thực phẩm sản xuất ở Đài Loan. Theo cảnh báo, nếu người tiêu dùng hấp thụ lượng axit maleic ở mức cao về lâu dài có thể gây tổn thương thận.
Ông Hùng cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục mở rộng giám sát, lấy mẫu hạt trân châu và trà sữa trân châu đang lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm phát hiện hóa chất độc hại và tiếp tục cập nhật thông tin cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng.