Cổ phiếu “đại gia” là nguyên nhân khiến VN-Index tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần.
Sàn thành phố Hồ Chí Minh
Cuối tuần trước, thị trường chứng khoán đón nhận 3 thông tin quan trọng. Đó là Ngân hàng Nhà nước siết vốn từ ngân hàng vào chứng khoán và giảm giá xăng, CPI giảm. Thông tin bị siết vốn xuất hiện trước khiến VN-Index giảm mạnh vài phiên liên tiếp.
Vì vậy, nhà đầu tư kỳ vọng thông tin giảm giá xăng và CPI sẽ hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, ngược lại với kỳ vọng của nhà đầu tư, chào tuần mới, áp lực bán ra vẫn xuất hiện ngay từ giờ mở cửa. Đa số các mã đều đi xuống khiến sắc đỏ bao trùm toàn thị trường.
Các cổ phiếu lớn, nhỏ đều đi xuống khiến nhà đầu tư sớm dự báo được diễn biên giao dịch ngày hôm nay. Kết phiên, VN-Index giảm 5,5 điểm, tương ứng 0,94% và đóng cửa ở mức 582,53 điểm. Thanh khoản trên sàn thành phố Hồ Chí Minh giảm khá mạnh.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 115.957.190 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 2.021,38 tỷ đồng, giảm hơn 25% so với cuối tuần trước. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 3.645.880 cổ phiếu, tương ứng 125,24 tỷ đồng, tăng mạnh và đứng ở mức trung bình. Toàn sàn ghi nhận 48 mã tăng giá, 58 mã đứng giá và 178 mã giảm giá.
VN30-Index có tốc độ giảm mạnh hơn VN-Index. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/11, VN30-Index giảm 7,35 điểm, tương ứng 1,18% dừng ở mức 616,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch của nhóm VN30 đạt 50.464.120 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 942,24 tỷ đồng, giảm mạnh so với cuối tuần trước. Nhóm VN30-Index có 0 mã tăng giá, 6 mã đứng giá và 24 mã giảm giá.
Blue-chip hôm nay giảm mạnh cả về số lượng mã và điểm số. Cổ phiếu “đại gia” đóng góp một phần lớn khiến VN-Index đi lùi. Trong 30 mã của nhóm VN30, có tới 24 mã đi xuống mà không có bất cứ blue-chip nào dừng trong sắc xanh.
MSN giảm mạnh nhất khi mất 2.500 đồng/CP và đóng cửa ở mức 79.500 đồng/CP. PVD giảm 1.500 đồng/CP xuống 85.500 đồng/CP. VNM giảm 1.000 đồng/CP xuống 100.000 đồng/CP. KDC giảm 1.000 đồng/CP xuống 51.000 đồng/CP. CSM giảm 700 đồng/CP xuống 44.100 đồng/CP. FLC giảm 500 đồng/CP xuống 12.300 đồng/CP.
Thị trường giảm sâu nhưng vẫn có một số mã tăng trần. KAC tăng 900 đồng/CP lên 14.200 đồng/CP. Nếu không tính phiên ngày 18/11, KAC đã có 10 phiên tăng trần liên tiếp. LGC tăng 1.600 đồng/CP lên 24.900 đồng/CP. LHG tăng 600 đồng/CP lên 10.400 đồng/CP. SBC tăng 1.500 đồng/CP lên 24.300 đồng/CP. TCR tăng 300 đồng/CP lên 5.700 đồng/CP.
VN-Index tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần (Ảnh minh họa)
Sàn Hà Nội
Sàn Hà Nội tiếp tục có tốc độ đi xuống mạnh hơn sàn thành phố Hồ Chí Minh. Chốt phiên giao dịch 24/11, HNX-Index giảm 1,12 điểm, tương ứng 1,26% và đóng cửa ở mức 88,02 điểm. Thanh khoản trên sàn Hà Nội cũng đi lùi.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 56.081.918 cổ phiếu, tương ứng 823,17 tỷ đồng, giảm mạnh so với cuối tuần trước và không duy trì được mốc 1.000 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 4.319.619 cổ phiếu, tương ứng 77,05 tỷ đồng, đứng ở mức rất thấp. Toàn sàn ghi nhận 85 mã tăng giá, 53 mã đứng giá và 138 mã giảm giá.
HNX30-Index giảm mạnh HNX-Index một chút và là chỉ số “rơi” sâu nhất trên cả 2 sàn. Chốt phiên ngày 24/11, HNX30-Index giảm 3,36 điểm, tương ứng 1,86% và đóng cửa ở mức 176,92 điểm. Khối lượng giao dịch trong nhóm HNX30-Index đạt 32.542.200 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 546,5 tỷ đồng, giảm mạnh nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao trên sàn Hà Nội. Trong nhóm ghi nhận 3 mã tăng giá, 4 mã đứng giá và 23 mã giảm giá.
Sàn Hà Nội “lao dốc” nhưng vẫn có tới 3 blue-chip đi lên. HUT tăng 300 đồng/CP lên 13.900 đồng/CP. AAA tăng 200 đồng/CP lên 16.500 đồng/CP. HLD tăng 100 đồng/CP lên 16.900 đồng/CP. Trong suốt phiên giao dịch, cả 3 mã này đều có thời điểm đi xuống.
Ở chiều ngược lại, rất nhiều blue-chip chốt phiên trong sắc đỏ. PLC giảm 1.700 đồng/CP xuống 32.700 đồng/CP. PVS giảm 1.000 đồng/CP xuống 37.700 đồng/CP. KLF giảm 1.000 đồng/CP xuống 14.000 đồng/CP. BVS giảm 400 đồng/CP xuống 14.300 đồng/CP. FIT giảm 600 đồng/CP xuống 30.300 đồng/CP.