Thời gian qua, thông tin trên thị trường xuất hiện tôm bơm tạp chất, mực ướp ô-xy già... khiến người tiêu dùng hoang mang. Tìm hiểu thực tế và xác thực thông tin từ cơ quan chức năng mới thấy cả một sự hãi hùng!
TQ: Kinh hoàng KFC, McDonald's dùng thịt thối
Trầm cảm, người phụ nữ chỉ ăn thịt thối, rau héo
Thanh Hóa: Phát hiện, tiêu hủy hơn nửa tấn thịt thối
Biến mực thối, tôm ươn thành... tươi rói
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Minh Khoán, Đội phó Đội 17, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết: “Mới đây, lực lượng chức năng của Chi cục đã bất ngờ kiểm tra và phát hiện một cơ sở kinh doanh hải sản ở Đông Anh đang tiến hành bơm tạp chất làm tươi những con tôm chết để bán ra thị trường. Tại cơ sở này đã thu giữ được 150kg tôm bơm tạp chất, phạt 104 triệu đồng”.
Cũng theo ông Khoán thì sau khi bơm tạp chất - mà cụ thể là loại hoá chất làm thạch - vào tôm thối với thân mình bèo nhèo, thì tôm thối sẽ cứng chắc trở lại và không bị bong đầu ngay cả khi đun nấu. Người tiêu dùng chỉ có thể phát hiện khi bóc vỏ tôm, tinh ý sẽ thấy nhiều bột trắng kết dính khá chắc trong nõn tôm.
Còn ông Nguyễn Văn Phác, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội cũng cho biết: “Lực lượng Công an môi trường mới phát hiện một cơ sở ở ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ, đang “chế biến” một lượng lớn mực bốc mùi hôi thối, được các công nhân đổ ra nền xi măng sơ chế, bóc lớp vỏ đen xám”.
Người tiêu dùng cần trang bị kiến thức để mua được thực phẩm tươi ngon. Ảnh: Chí Cường
“Lực lượng cảnh sát cũng phát hiện nhiều thùng phuy ngâm cá mực. Chủ cơ sở này đã khai nhận rằng, để “phù phép” mực hỏng thành mực tươi chỉ cần hòa 300ml ô-xy già loại công nghiệp vào thùng phuy nước rồi đổ mực vào ngâm khoảng 30 phút, dùng gậy sắt đảo đều cho tới khi mực trắng, hết mùi thối thì đem ra chợ bán”, ông Phác cho hay.
Mới đây, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) cũng phát hiện tại khu vực buôn bán thủy sản khu vực chợ Long Biên, phường Phúc Xá, có nhân viên của một ki-ốt đang đổ hàng chục kilogram mực ôi, bốc mùi vào các thùng phuy cỡ lớn có chứa hóa chất công nghiệp. Kiểm tra kho, Công an phát hiện có 750kg mực ống đã bốc mùi đang được lưu trữ, trong đó 150kg đang được ngâm tẩm hóa chất.
Ở thành phố lớn là vậy, còn tại các vùng thôn quê, đặc biệt là vùng đánh bắt hải sản thì sao? Chị Nguyễn Thị Thành, ngư dân đánh bắt hải sản tại xã Hải Hoà, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá) tiết lộ: “Cách giữ tươi mực an toàn nhất mà ngư dân ở đây thường làm là ngâm mực tươi trong nước. Với cách này, người tiêu dùng không lo bị độc hại nhưng lại bị ăn gian về số lượng. Vì mực sau khi được ngâm trong nước khoảng 4-5 tiếng đồng hồ có thể nở to gấp đôi và tất nhiên số cân nặng cũng tăng lên tương tự. Theo đó, người tiêu dùng trả tiền cho 1kg mực đó nhưng thực chất chỉ nhận được 0,5 kg mực tươi”.
Hỏng người vì các loại hóa chất
Ông Nguyễn Như Tiệp, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Việc đưa thạch rau câu vào tôm chưa phải phổ biến, nhưng đã có nhiều chủ kinh doanh sử dụng. Việc bơm thạch vào tôm chẳng khác nào đưa ký sinh trùng, vi sinh vật độc hại vào con tôm. Nó làm thịt tôm bị dập nát, giảm chất lượng".
Theo ông Tiệp để ngăn chặn tình trạng này, cần nâng cao mức phạt đối với các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm mới đủ sức răng đe các tiểu thương, doanh nghiệp kinh doanh gian dối. Mức phạt đó phải cao gấp nhiều lần lợi nhuận mà họ thu được.
Một số chuyên gia lĩnh vực thực phẩm khi được hỏi cũng cho rằng, hiện tại chưa chứng minh được độ độc hại của việc bơm thạch vào tôm ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe người tiêu dùng, nhưng chắc chắn sẽ cóảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của những người chẳng may ăn phải loại tôm này.
Theo ThS Trần Trọng Vũ, giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm (ĐH Công nghệ Sài Gòn), ô-xy già (hydro peroxide – H2O2) là hoá chất có tính ô-xy hoá rất mạnh, có khả năng tẩy trắng và sát khuẩn. Trong danh mục phụ gia cho phép sử dụng của Bộ Y tế (Quyết định 3742/2001/QÐ-BYT) thì ô-xy già không được phép sử dụng trong thực phẩm.
“Ô-xy già hoà tan rất tốt trong nước, dễ bị rửa trôi. Nhưng nếu tồn dư lượng lớn chất này trong thực phẩm, ăn phải sẽ tác động đến hệ thần kinh, gây buồn nôn. Ngoài ra, nó tác động đến niêm mạc đường ruột, làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng”, ThS Trần Trọng Vũ khuyến cáo.
Ðiều đáng nói là quy trình tẩy trắng hải sản bằng hoá chất ngày càng tinh vi, người tiêu dùng không dễ nhận biết nên dễ gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, khi chọn mua hải sản, tốt nhất người tiêu dùng nên chọn mua loại thực phẩm tươi sống này tại những địa chỉ rõ ràng, tin cậy.
Nhận diện mực, tôm tươi - Đối với mực: Nên chọn con thịt chắc nhưng sờ lên thân vẫn mềm tay, thân không bị nát, lớp màng màu nâu phải bao quanh đều toàn thân. Da mực màu sáng hơi hồng, đầu vẫn dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ. Mực ôi thường có màu hơi xanh ngà, thịt nhão, đầu không dính chặt với thân, mùi rất tanh, túi mực bị vỡ. - Đối với tôm: Nên quan sát phần đuôi, tôm bơm tạp chất thường xòe đuôi, trong khi tôm sạch thường cúp đuôi xuống. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng và chắc bất thường. Thân tôm bơm tạp chất thường nhợt nhạt, thân căng đến mức lộ rõ các đốt trên thân gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Tôm bị bơm thường có mang cứng, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng và hơi lỏng. |