Những ông bố bà mẹ lần đầu có em bé, đừng vội bỏ qua 4 lưu ý để có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của con.
Ngày đầu tiên trong đời của trẻ sơ sinh có thể vừa thú vị, vừa hồi hộp cho cả gia đình. Ngoại trừ người mẹ vừa sinh xong cần nằm trên giường nghỉ ngơi, những người khác đều không thể không tập trung vào đứa trẻ sơ sinh.
Giây phút được gặp bé là giây phút mà cả bố mẹ và những người thân trong gia đình đã mong chờ từ rất lâu. Nhưng bên cạnh niềm vui vỡ òa, những bà mẹ cũng đừng quên thực hiện 4 điều sau, rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh khi mới vừa được đưa ra khỏi bụng mẹ.
Giữ ấm cơ thể
Sau khi trẻ sơ sinh chào đời, việc đầu tiên vô cùng quan trọng là giữ ấm. Điều này là do trung tâm điều hòa thân nhiệt của trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ, và lớp mỡ dưới da tương đối mỏng. Trong vòng 1 giờ sau khi sinh, nhiệt độ cơ thể trẻ sẽ giảm dần. Nếu không chú ý giữ ấm cho trẻ, thì việc trẻ sơ sinh tự sinh nhiệt là không đủ, có khả năng gây ra phù nề do lạnh quá mức.
Vì vậy, bố mẹ đừng để bé bị cảm lạnh, nhưng cũng đừng đắp chăn, hoặc mặc quần áo quá dày cho bé. Nếu trời quá nóng, em bé dễ bị kích ứng da, dẫn đến viêm nhiễm khi tuyến mồ hôi tiết ra nhiều, nhưng không được “giải phóng” ra bên ngoài.
Đây sẽ là một bài kiểm tra sự cẩn thận và kiên nhẫn của bố mẹ. Thường xuyên sờ tay, chân và lưng của bé, kịp thời thêm hoặc bớt quần áo, chăn mền cho bé để đảm bảo thân nhiệt của trẻ sơ sinh ổn định khi vừa được sinh ra.
Thân nhiệt cơ thể em bé khi vừa mới chào đời thường không ổn định, bởi vì chưa kịp thích nghi với môi trường bên ngoài, vậy nên mẹ cần giữ ấm cho trẻ.
Đặt bé nằm nghiêng để bé có thể nhổ nước ối ra ngoài
Sau khi trẻ sơ sinh được đưa ra khỏi cơ thể mẹ, các nhân viên y tế sẽ gấp rút làm thông đường thở cho bé. Họ sẽ dùng phương pháp bóp hoặc dùng ống hút để loại bỏ dịch nhầy và nước ối ra khỏi miệng, mũi và cổ họng của em bé.
Thông thường, hầu hết các em bé đều sẽ được các bác sĩ, y tá làm sạch cơ thể ngay khi được lấy ra khỏi bụng mẹ. Nhưng cũng không loại trừ, một số ít bé vẫn sẽ còn đọng lại dịch nhầy hoặc nước ối, vào thời gian đầu sẽ thường tiết ra một lượng nhỏ.
Lúc này, nếu là người có trách nhiệm chăm sóc bé, các mẹ nên để bé nằm ngủ quay đầu sang một bên. Điều này sẽ giúp nước ối chảy ra càng sớm càng tốt. Khi nước ối chảy ra từ khóe miệng trẻ, mẹ nên kịp thời dùng khăn giấy hoặc gạc lau sạch để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho bé.
Một số em bé chưa tiết chất nhầy và nước ối hoàn toàn ra khỏi cơ thể, để trẻ nằm nghiêng có thể giúp nước ối chảy ra nhanh hơn.
Chú ý đến thời điểm bé đi tiêu và tè lần đầu tiên
Trong trường hợp bình thường, trẻ sơ sinh sẽ đi ngoài phân đen hoặc xanh đậm trong vòng 24 giờ sau khi sinh, đồng thời phân cũng sẽ có độ kết dính cao. Đây được gọi là phân su và có thể được thải ra trong khoảng 2 hoặc 3 ngày. Phân su chính là dấu hiệu nhận biết hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh hoạt động tốt, chưa có vấn đề khác phát sinh.
Ngoài việc đi tiêu, trẻ sơ sinh thường tè lần đầu tiên trong vòng 48 giờ. Nếu quá 36 giờ mà trẻ không đi ngoài và không tè trong 48 giờ thì bố mẹ cần cảnh giác.
Mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ, để loại trừ những bất thường ở hệ tiết niệu, hệ tiêu hóa và các bộ phận khác. Sự can thiệp và xử lý kịp thời của bác sĩ sẽ giúp trẻ sơ sinh hấp thụ tốt, tăng trưởng nhanh hơn trong những giai đoạn đầu đời vô cùng quan trọng này.
Để kiểm tra hệ tiêu hóa và hệ tiết niệu của trẻ có hoạt động tốt hay không, lần đi ị và tè đầu tiên của bé sẽ cho mẹ biết kết quả.
Phối hợp với nhân viên y tế tiêm phòng cho bé
Hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa được hoàn thiện, còn yếu nên sẽ rất dễ bị vi khuẩn tấn công. Tiêm vắc xin là biện pháp được Bộ Y tế khuyến cáo, để hàng rào bảo vệ cơ thể trẻ được xây dựng chắc chắn hơn. Từ đó, giúp trẻ tránh được các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài mà trẻ tiếp xúc.
Trong vòng 24 giờ sau khi trẻ chào đời, mỗi ông bố bà mẹ cần phải tiêm vắc xin BCG và viêm gan B cho trẻ. BCG được sử dụng để ngăn ngừa bệnh lao.
Những mũi tiêm thường được thực hiện trên cánh tay trái của em bé. Sau khi tiêm phòng, hầu hết các bé sẽ có các triệu chứng như mẩn đỏ và sưng tại chỗ tiêm. Các mẹ đừng quá lo lắng, vì đây là điều hết sức bình thường.
Vì hệ miễn dịch trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, dễ bị vi khuẩn tấn công. Để bảo vệ sức khỏe cho con, tiêm phòng là biện pháp rất cần thiết.