Hiện nay, tỷ lệ trẻ dậy thì sớm ngày càng tăng cao, nguyên nhân xuất phát phần lớn từ thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ.
Một đoạn video phóng sự của đài Hồ Nam (Trung Quốc), nhân vật chính là bé gái 7 tuổi mắc bệnh ám ảnh tâm lý. Nguyên nhân là do cô bé này dậy thì sớm, tuyến ngực phát triển mạnh mẽ khiến các bạn cùng lớp hay chọc ghẹo em. Nhiều phụ huynh sau khi xem xong đoạn video đã thắc mắc, tại sao bé gái có thân hình khá nhỏ nhắn, không béo phì lại dậy thì sớm?
Cũng trong đoạn clip này, cha mẹ bé gái đã đưa em tới bệnh viện kiểm tra. Khi được hỏi ra, bác sĩ mới biết cô bé này mắc hội chứng sợ bóng tối từ hồi nhỏ và khi ngủ luôn có thói quen bật đèn sáng khắp phòng. Bác sĩ cũng nhanh chóng đưa ra kết luận, thói quen này đã gây ra tình trạng dậy thì sớm ở bé gái.
Bé gái 7 tuổi dậy thì sớm, nguyên nhân từ thói quen bật đèn khi ngủ. (Ảnh minh họa)
Cơ thể khi tiếp xúc với ánh sáng quá nhiều sẽ ức chế hoạt động bình thường của cơ quan nội tiết là tuyến tùng, dẫn đến giảm tiết melatonin và tăng tốc độ phát triển tuyến sinh dục. Trong chương trình CCTV "Healthy Road" (Trung Quốc) cũng đã đề cập đến việc bật đèn ngủ khi ngủ sẽ làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ em, đặc biệt là các bé gái.
Không chỉ riêng về thói quen bật đèn sáng khi ngủ, nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn tới tình trạng dậy thì sớm ở trẻ em. Đặc biệt, một số thói quen trong số lại là những thói quen sinh hoạt thường ngày nhưng nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm.
Dậy thì sớm ở trẻ có nguy hiểm hay không?
Khi dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai, nó được coi là dậy thì sớm. Tuổi dậy thì bao gồm sự phát triển nhanh chóng của xương và cơ bắp, thay đổi hình dạng và kích thước cơ thể và phát triển khả năng sinh sản của cơ thể.
Một số biểu hiện cụ thể ở bé trai và bé gái:
Bé gái: Ngực phát triển, có kinh nguyệt sớm, mọc lông ở nách và vùng kín…
Bé trai: Tinh hoàn và dương vật to ra, lông trên cơ thể mọc nhiều, vỡ giọng…
Đồng thời, chiều cao của trẻ cũng có thể cao lên nhanh chóng, tuy nhiên giai đoạn này sẽ sớm kết thúc và trẻ sẽ thấp hơn bạn bè ở giai đoạn trưởng thành. Đừng coi thường những nguy hại của dậy thì sớm ở trẻ, nó có thể ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần của trẻ.
Tác hại của dậy thì sớm ở trẻ em có thể kể đến như: Điều đầu tiên phải gánh chịu là trẻ sẽ không cao thêm do ngừng phát triển chiều cao đột ngột. Khi dậy thì sớm lớn lên, trẻ thường thấp hơn những trẻ bình thường khác từ 5-10cm. Đó là do quá nhiều hormone sinh dục được tiết ra sớm sẽ khiến xương của trẻ bị phát triển sớm, đến tuổi dậy thì không thể cao thêm.
Thứ hai, dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Sự phát triển thể chất quá sớm sẽ mang lại gánh nặng tâm lý nghiêm trọng cho những đứa trẻ chưa trưởng thành về trí tuệ, khiến trẻ trở nên vô cùng nhạy cảm.
Dậy thì sớm có thể khiến trẻ ngưng phát triển chiều cao sớm. (Ảnh minh họa)
Những thay đổi trên cơ thể của trẻ dậy thì sớm có thể làm bé thấy ngại ngùng, xấu hổ vì cảm thấy khác biệt so với bạn bè, bị bạn bè trêu chọc. Điều này có thể khiến bé tự ti, trầm cảm và thậm chí để lại di chứng tâm lý cho đến khi trưởng thành. Giai đoạn dậy thì sớm cũng sẽ khiến trẻ khó chịu, không thể tập trung vào học tập.
Điều đáng sợ nhất là dậy thì sớm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của đứa trẻ. Một số trẻ dậy thì sớm do các bệnh lý cụ thể như u nội sọ, u buồng trứng, u tinh hoàn… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của trẻ.
Với mức sống không ngừng được nâng cao của mọi người, nhiều trẻ em đang có dấu hiệu dậy thì sớm. Số liệu cho thấy có khoảng 0,43% trẻ em có triệu chứng dậy thì sớm.
Trong đó, tỷ lệ ở trẻ em gái gấp 10 lần trẻ em trai. Điều đáng lo ngại hơn nữa là tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng nhưng số trường hợp được tư vấn sức khỏe kịp thời lại không cao, chỉ khoảng 30%.
Nguyên nhân nào gây ra dậy thì sớm ở trẻ nhỏ?
Có rất nhiều yếu tố gây dậy thì sớm ở trẻ, và một trong những nguyên nhân quan trọng là do vấn đề ăn uống. Một số sai lầm cha mẹ thường áp dụng trong chế độ ăn uống hằng ngày của trẻ khiến trẻ gặp phải tình trạng dậy thì sớm:
Thực phẩm chiên, rán, đồ ăn nhanh
Những trẻ em thường xuyên ăn đồ chiên rán có nguy cơ dậy thì sớm cao gấp 2,5 lần so với trẻ bình thường. Lượng calo cực cao từ các món ăn này có thể chuyển hóa thành mỡ thừa trong cơ thể trẻ, gây rối loạn nội tiết, dẫn đến béo phì. Trẻ béo phì, thừa cân thường dậy thì sớm hơn trẻ bình thường.
Bố mẹ nên xây dựng một chế độ ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu rau củ quả, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích,..hay những thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao.
Lưu ý chọn các thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua thực phẩm trôi nổi không uy tín, thực phẩm chứa hormone tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tới sinh lý của trẻ.
Trẻ ăn thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh quá nhiều có thể gây ra hội chứng dậy thì sớm. (Ảnh minh họa)
Bổ sung thực phẩm chức năng không đúng cách cho trẻ
Thuốc tăng chiều cao, sản phẩm tăng cân, thuốc bổ… nếu cho trẻ uống không có sự kê đơn của bác sĩ có thể dẫn đến tình trạng thay đổi hormone ở trẻ em, làm tăng tốc độ phát triển của tuổi xương, thực chất là nguyên nhân làm cho trẻ ngừng phát triển chiều cao đột ngột, dậy thì sớm.
Ngoài ra, các chất bổ sung như nước yến, thức uống chức năng, đông trùng hạ thảo, nhân sâm… đều không phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Trẻ sử dụng thuốc chứa hormone sinh dục (thuốc tránh thai)
Tờ Yangtze Evening News (Trung Quốc) từng đưa tin một trường hợp một bé gái 6 tuổi được bác sĩ chẩn đoán là dậy thì sớm vì lỡ uống phải thuốc tránh thai của bố mẹ khiến ngực phát triển sớm.
Nếu cha mẹ có sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hãy giữ xa tầm tay trẻ em để tránh gây hậu quả nguy hại về sau.
Trẻ sử dụng mỹ phẩm quá sớm
Mẹ của mẫu nhí nổi tiếng Hàn Quốc Lee Eun Chae là một blogger làm đẹp, bà đã trang điểm cho con gái mình từ năm sáu tuổi và yêu cầu cô bé đóng các quảng cáo.
Lee Eun Chae nhanh chóng trở thành sao nhí hot với vẻ ngoài cực phẩm, nhan sắc đình đám một thời. Tuy nhiên, bác sĩ chẩn đoán cô bé ngừng phát triển chiều cao khi mới chỉ 8 tuổi, nguyên nhân là do dậy thì sớm khiến xương ngừng phát triển đột ngột.
Không nên lạm dụng mỹ phẩm cho trẻ. (Ảnh minh họa)
Lý do dẫn đến điều này là do mẹ Lee Eun Chae sử dụng nhiều loại mỹ phẩm cho cô bé hàng ngày, điều này khiến cho lượng estrogen trong cơ thể tăng cao, khiến em dậy thì sớm.
Trẻ em tuyệt đối không nên sử dụng mỹ phẩm, làn da của trẻ mỏng manh, hàng rào bảo vệ chức năng còn yếu, các thành phần hóa học trong mỹ phẩm rất dễ xâm nhập vào cơ thể và gây ngộ độc kim loại nặng, hoặc dẫn đến phát triển sớm ở trẻ.
Đồ chơi nhựa của trẻ không đảm bảo
Cục giám sát thị trường Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên để giám sát chất lượng đồ chơi và kết quả cho thấy 5 lô đồ chơi không đạt chất lượng: Tất cả chúng đều có một đặc điểm chung - chất hóa dẻo vượt quá tiêu chuẩn.
Chất hóa dẻo có thể làm mềm nhựa và thường được sử dụng để thêm vào quá trình chế biến nhựa, trong đó phthalate là loại chất hóa dẻo chính. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hít phải hoặc tiếp xúc lâu dài với chất hóa dẻo phthalate có thể gây mất cân bằng nội tiết tố, có thể dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ em và ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hít phải hoặc tiếp xúc lâu dài với đồ chơi nhựa chất hóa dẻo phthalate có thể gây mất cân bằng nội tiết tố, có thể dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ em và ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản.
Ngoài ra, một số sản phẩm nhựa cũng chứa bisphenol A. Đây là nguyên liệu dùng để sản xuất nhựa chống vỡ, EU cho rằng bình sữa trẻ em có chứa BPA sẽ khiến trẻ dậy thì sớm. Từ ngày 2/3/2011, việc sản xuất bình sữa trẻ em có chứa hóa chất BPA bị cấm.
Yếu tố di truyền
Chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng tình trạng dậy thì sớm ở trẻ em có thể do di truyền từ bố mẹ. Dù là bố hay mẹ, chỉ cần một trong hai người có triệu chứng phát triển sớm thì khả năng trẻ dậy thì sớm sẽ tăng cao.
Cha mẹ cần đặc biệt quan sát tốc độ phát triển của trẻ, đưa con thăm khám kịp thời nếu có dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ.
Bác sĩ Lê Ngọc Hồng Hạnh, bệnh viện Nhi Đồng 2.
Thưa bác sĩ, những dấu hiệu nào cho thấy trẻ dậy thì sớm? Dậy thì sớm có khiến trẻ ngừng phát triển chiều cao từ sớm và thấp hơn bình thường khi trưởng thành hay không?
Dậy thì sớm là tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục sớm hơn bình thường (ở bé gái là trước 8 tuổi, có kinh trước 9 tuổi; ở bé trai là trước 9 tuổi). Dậy thì sớm ở bé gái có biểu hiện đặc trưng là ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt.
Dậy thì sớm ở bé trai có các dấu hiệu như tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, nổi mụn trứng cá, giọng trầm đi. Chiều cao, cân nặng tăng nhanh là biểu hiện dậy thì sớm ở trẻ được ghi nhận ở cả hai giới.
Trong suốt thời kỳ dậy thì, xương trẻ liên tục trưởng thành. Ở trẻ dậy thì sớm, giai đoạn trẻ cao lên nhanh sẽ bắt đầu sớm và kết thúc sớm hơn bình thường. Đầu tiên, trẻ sẽ lớn vọt lên so với bạn bè cùng lứa nhưng sau vài năm, trẻ sẽ ngừng phát triển chiều cao và thường không thể đạt được chiều cao tối đa của người trưởng thành.
Một khi tuyến sinh dục bị đóng lại thì không gian dành cho chiều cao về cơ bản biến mất. Do đó, chu kỳ tăng trưởng của trẻ dậy thì sớm sẽ bị rút ngắn đáng kể, và khi trưởng thành, các bé sẽ thuộc nhóm 5% có chiều cao thấp nhất so với các bạn cùng lứa tuổi.
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình dậy thì sớm ở trẻ?
Phần lớn các trường hợp dậy thì sớm ở trẻ hiện nay không có nguyên nhân cụ thể mà chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gây ra biến đổi này, đó là:
Trẻ mắc bệnh u não, u nang buồng trứng, u tinh hoàn, các bệnh tuyến giáp, dậy thì sớm phổ biến ở bé gái hơn bé trai, lượng estrogen đưa vào cơ thể trẻ quá nhiều qua thực phẩm, đồ nhựa,... nguyên nhân huyết thống, do thuốc....
Đối với chế độ dinh dưỡng, các bậc phụ huynh nên tránh cho trẻ gặp phải tình trạng thừa cân béo phì vì tình trạng này có liên quan mật thiết đến việc trẻ bị dậy thì sớm.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm? Có phương pháp nào cải thiện chiều cao ở trẻ dậy thì sớm không?
Dậy thì sớm ở trẻ gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn như giới hạn sự phát triển chiều cao, gây rối loạn tâm lý cho trẻ,... Vì vậy, nếu nghi ngờ trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, các bậc phụ huynh nên cho con đi thăm khám, chẩn đoán và can thiệp sớm để đưa tốc độ tăng trưởng của trẻ về mức bình thường.
Để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này, bố mẹ cần trò chuyện, giải thích cho bé hoặc thậm chí có thể cho bé gặp chuyên gia tư vấn tâm lý
Khi nghi ngờ tình trạng dậy thì của bé do các nguyên nhân bất thường, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để xác định các bệnh lý tiềm ẩn: Xét nghiệm máu và nước tiểu để phát hiện hàm lượng hormon bất thường.
Chụp cắt lớp, cộng hưởng từ và siêu âm giúp phát hiện các khối u. Chụp Xquang cổ tay để xác định tốc độ trưởng thành của xương. Nếu xương già nhanh so với tuổi thực thì nhiều nguy cơ trẻ không thể đạt chiều cao tối đa khi trưởng thành.
Bổ sung dinh dưỡng thế nào cho trẻ là phù hợp, tránh tình trạng trẻ dậy thì sớm?
Để ngăn ngừa dậy thì sớm, nên cho trẻ ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối cả về thịt, mỡ, tăng rau xanh. Hạn chế cho trẻ ăn các món ăn nhanh như gà rán, đồ chiên rán, ăn nhiều đồ ngọt.... và các sản phẩm đóng gói, đóng hộp trong túi nilon, hộp nhựa…
Khi ngủ, không nên bật đèn vì khi trẻ ngủ đêm liên quan tới tiết hooc môn melatonin - đây là hooc môn giúp giảm quá trình dậy thì sớm. Nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Các môn thể thao như bơi lội, cầu lông, nhảy dây, đá bóng, đá cầu… không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn ích lợi cho việc trau dồi kỹ năng sống của trẻ.
Cha mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormon sinh dục như mỹ phẩm, thuốc...
Xin cảm ơn bác sĩ!