Trẻ nhỏ có chất lượng giấc ngủ kém lâu dần sẽ tạo ra một số ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, bố mẹ cần lưu ý nhằm điều chỉnh kịp thời.
Giấc ngủ là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của trẻ. Tuy nhiên, nhiều trẻ thường xuyên bị thiếu ngủ kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau mà bố mẹ chưa thật sự phát hiện ra tác hại của nó.
Trẻ nhỏ có chất lượng giấc ngủ kém lâu dần sẽ tạo ra một số ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, bố mẹ cần lưu ý nhằm có phương pháp điều chỉnh kịp thời.
Trẻ ngủ không ngon giấc, dễ tạo ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe
Cản trở thời kỳ tăng trưởng chiều cao
Từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn quan trọng để trẻ phát triển chiều cao và tăng trí thông minh. Chiều cao của trẻ có mối quan hệ quan trọng với việc tiết hormone tăng trưởng. Nó là một loại protein giúp thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của xương, cơ, mô liên kết và các cơ quan nội tạng.
Trẻ sẽ tiết ra hormone tăng trưởng giúp thúc đẩy tăng trưởng chiều cao khi ngủ, nồng độ hormone tăng trưởng đóng vai trò quyết định đến chiều cao của trẻ, chỉ trong trạng thái ngủ sâu thì hormone tăng trưởng mới tiết ra đỉnh điểm, và có thể nhiều gấp 5 lần ban ngày.
Hormone tăng trưởng sẽ tiết ra mạnh sau một giờ ngủ sâu, từ 10 đêm đến 1h sáng là thời kỳ tiết hormone cao điểm. Đối với trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, nếu ngủ không đủ giấc sẽ dễ gây rối loạn đồng hồ sinh học, từ đó dẫn đến mất cân bằng bài tiết hormone tăng trưởng, chậm phát triển thể chất, trẻ có thể sẽ thấp hơn đáng kể so với những bạn cùng trang lứa.
Giấc ngủ là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Trí nhớ suy giảm, phản ứng chậm
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc thiếu ngủ, thức khuya trong thời gian dài và các vấn đề về giấc ngủ khác đều gây hại cho trí nhớ của trẻ.
Não bộ là bộ phận tiêu thụ và vận hành nhiều năng lượng nhất của cơ thể con người, ngủ đủ giấc có thể bảo vệ não bộ và phục hồi năng lượng.
Trẻ càng nhỏ càng cần ngủ nhiều, ngủ không đủ giấc sẽ khiến trẻ mất tập trung trong quá trình học, chậm phát triển khả năng nhận thức, dễ tổn thương vùng đồi thị của não, nơi chịu trách nhiệm về khả năng học tập và trí nhớ.
Ngủ đủ giấc giúp trẻ dễ dàng thức dậy vào buổi sáng, với trí não hoạt động, tràn đầy năng lượng và vui vẻ khi học tập. Ngược lại, trẻ ngủ không đủ giấc sẽ thường tỏ ra cáu kỉnh, lờ đờ, mất tập trung và giảm trí nhớ vào ngày hôm sau. Về lâu dài, rất có hại cho việc hình thành khả năng tập trung của trẻ.
Giảm khả năng miễn dịch và dễ ốm
Ngủ thực chất là thời gian “sạc pin” trong ngày, là giai đoạn tổng hợp và sửa chữa protein, có thể đạt được tác dụng phục hồi thể lực.
Ngủ không đủ giấc dẫn đến các cơ quan và tế bào của cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ, làm giảm chức năng của các tế bào miễn dịch và làm suy yếu sức đề kháng với thế giới bên ngoài, từ đó dẫn đến các bệnh khác nhau như suy nhược thần kinh, chán ăn, ốm vặt...
Trẻ ngủ không đủ giấc làm giảm khả năng miễn dịch và dễ ốm.
Tăng khả năng béo phì
Một nghiên cứu trên Tạp chí Y khoa Anh cho thấy trẻ ngủ đủ giấc thì càng tránh nguy cơ béo phì. Nghiên cứu ghi lại cân nặng, chiều cao và hàm lượng chất béo của những đứa trẻ được khảo sát sáu tháng một lần, cùng với thói quen ngủ và mức độ hoạt động thể chất của trẻ từ 3, 4 và 5 tuổi.
Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng nguyên nhân có thể là do thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến các hormone liên quan đến cảm giác thèm ăn và no bụng ở trẻ, khiến trẻ tăng cảm giác thèm ăn và dẫn đến ăn nhiều hơn, ham muốn thức ăn nhiều calo hơn, khiến trẻ dần thay đổi theo thời gian.
Một nghiên cứu mới cho thấy những thanh thiếu niên ngủ ít hơn 8 tiếng mỗi đêm có xu hướng ăn nhiều thức ăn giàu chất béo và đồ ăn nhẹ hơn những người ngủ nhiều hơn 8 tiếng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ngủ quá ít có thể dẫn đến thay đổi chế độ ăn uống làm tăng nguy cơ béo phì, đặc biệt là ở các bé gái. Thực phẩm giàu chất béo có xu hướng chứa nhiều calo, vì vậy ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo có thể dẫn đến tăng lượng calo trong ngày, và tăng cân theo thời gian.
Tính tình cáu gắt, dễ mất bình tĩnh
Thiếu ngủ lâu dài có thể dẫn đến tinh thần cáu kỉnh, lo lắng, dễ xúc động ở trẻ. Trẻ em bị thiếu ngủ kinh niên cũng có thể dễ dàng nổi cơn thịnh nộ.
Vì thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến chức năng nội tiết của cơ thể con người, đồng thời sự thay đổi hormone trong cơ thể sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của trẻ, nên trẻ ngủ không đủ giấc dễ nổi cáu, bốc đồng, thậm chí gây gổ, phá hoại mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau.
Thiếu ngủ lâu dài có thể dẫn đến tinh thần cáu kỉnh, lo lắng, dễ xúc động ở trẻ.
Thị lực giảm, da sần sùi
Trẻ em thức khuya trong thời gian dài sẽ bị suy giảm thị lực do mắt không được nghỉ ngơi, hơn nữa thức khuya trong thời gian dài cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến làn da, dẫn đến da sần sùi, vàng da, đặc biệt nếu thường xuyên ngồi trước máy tính thì làn da dễ khô và kém sức sống.
Đối với người lớn, giấc ngủ chủ yếu là để phục hồi sự mệt mỏi, phục hồi thể lực, để duy trì trí nhớ tốt, khả năng phán đoán và trạng thái tinh thần tốt khi thức.
Đối với trẻ em, giấc ngủ càng quan trọng hơn, bởi chất lượng giấc ngủ liên quan trực tiếp đến sự tăng trưởng và phát triển cả thể chất và trí tuệ.
Những mẹo hay giúp trẻ dễ dàng có giấc ngủ ngon
Các chuyên gia gợi ý rằng, bố mẹ có thể thực hiện được 4 điểm sau đây để giúp con mình có một giấc ngủ chất lượng hơn.
Cho trẻ vận động nhiều vào ban ngày và đi ngủ sớm vào ban đêm
Ngủ là quá trình nghỉ ngơi của thể chất và tinh thần, nếu trẻ vận động đủ để tiêu hao năng lượng thì ban đêm sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ và ngủ sâu giấc hơn. Tập thể dục không chỉ giúp trẻ khỏe mạnh về thể chất và tinh thần mà còn mang đến cho trẻ giấc ngủ chất lượng.
Bố mẹ cũng nên chú ý nếu cho trẻ ngủ quá giờ ban đêm trẻ thường sẽ khó đi vào giấc ngủ, đây là một hiện tượng tự nhiên của cơ thể con người, bởi qua giai đoạn mệt mỏi, trẻ sẽ khó ổn định và dễ chìm vào giấc ngủ trở lại.
Vì vậy, tốt nhất là nên cho trẻ đi ngủ vào một giờ cố định vào buổi tối, hoặc đi ngủ sớm hơn.
Tạo môi trường ngủ thoải mái
Bố mẹ nên sắp xếp một phòng ngủ có thể tạo cảm giác thoải mái và ấm áp cho trẻ, và nhiệt độ nên được điều chỉnh ở mức phù hợp khoảng 25-27 độ. Đồng thời, cần đặc biệt chú ý đến ánh sáng trong phòng.
Nếu trẻ vận động đủ vào ban ngày để tiêu hao năng lượng thì ban đêm sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ và ngủ sâu giấc hơn.
Thư giãn trước khi đi ngủ
Thư giãn trước khi ngủ là cách để trẻ đi vào giấc ngủ sớm nhất có thể. Tắm nước nóng, nghe nhạc nhẹ, thay bộ đồ ngủ thoải mái, uống một ly sữa nóng, đọc sách hoặc thậm chí là nhắm mắt lại là những cách phổ biến để thư giãn trước khi đi ngủ.
Bố mẹ có thể cùng trẻ thực hiện một số nghi thức đơn giản, nhẹ nhàng và yên tĩnh có thể giúp trẻ phát triển tâm trạng thích ngủ.
Lưu ý, không nên cho trẻ xem phim kinh dị, ly kỳ trước khi đi ngủ, sẽ dễ khiến trẻ mất ngủ hoặc gặp ác mộng.
Bố mẹ làm gương và có ý thức nghỉ ngơi đúng giờ
Bố mẹ nên làm gương và quy định rằng cả gia đình không chơi điện thoại di động hoặc trò chơi điện tử trên giường và ó ý thức nghỉ giải lao đúng giờ. Hai mươi phút trước khi trẻ đi ngủ, hãy tắt TV, giữ yên lặng và giảm dần lượng ánh sáng trong nhà để thúc đẩy quá trình bài tiết melatonin của trẻ.
Trước khi đi ngủ, trẻ có khả năng bị thu hút bởi một món đồ chơi, một bộ phim hoạt hình vui nhộn và nài nỉ được đi ngủ muộn hơn. Bố mẹ dù khó đến mấy cũng phải từ chối, để giúp trẻ phát triển tốt hơn.
Bố mẹ nên sắp xếp một phòng ngủ có thể tạo cảm giác thoải mái và ấm áp cho trẻ, và nhiệt độ nên được điều chỉnh ở mức phù hợp.