Nhiều bố mẹ tỏ ra bối rối và lo lắng khi nhìn thấy trẻ ngủ với tư thế "đầu hàng".
Trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian để ngủ, nhiều trẻ có những biểu hiện đặc biệt khi ngủ như: vừa ngủ vừa khóc, vừa ngủ vừa cười hay ngủ với hai cánh tay đưa lên cao như đang đầu hàng vậy. Điều này làm nhiều bố mẹ bối rối, lo lắng.
Nhiều trẻ sơ sinh có xu hướng giơ hai tay lên khi ngủ, cả hai cánh tay đều đưa ra ngoài. Dù nhiều lần được mẹ giúp hạ cánh tay xuống, nhưng chỉ một lúc là các bé lại duỗi tay ra và đưa lên đầu.
Có thể nói rằng đó chính là tư thế phổ biến của mọi trẻ sơ sinh. Với những ai lần đầu làm bố mẹ chắc chắn sẽ trải qua nhiều khoảnh khắc ngỡ ngàng, bối rối khi thấy trẻ ngủ với tư thế đặc biệt. Vậy vì sao trẻ sơ sinh lại đưa hai tay lên khỏi đầu trong lúc ngủ?
Vì sao trẻ giơ hai tay lên đầu khi ngủ?
Ở trẻ sơ sinh, lý do khiến bé hay đưa tay lên khỏi đầu trong lúc ngủ chỉ có thể giải thích như sau:
Trẻ cảm thấy thoải mái và dễ chịu nhất
Nếu chịu khó quan sát mẹ sẽ dễ dàng nhận thấy khi ngủ, hai tay của trẻ sẽ tự nhiên đặt ở hai bên đầu trông rất tự nhiên. Trên thực tế, cơ thể con người rất thư thái khi ngủ, lúc này não bộ sẽ gửi tín hiệu để cơ thể ngủ với tư thế tự nhiên và thoải mái nhất.
Việc trẻ giơ tay “đầu hàng” khi ngủ một phần vì trẻ cảm thấy thoáng mát. Có thể ngay lúc ấy bé cảm thấy nóng nực, hoặc có thể chiếc chăn mẹ đắp khá dày khiến bé cảm thấy ngột ngạt và khó cử động.
Phản ứng theo bản năng
Bên cạnh đó, có thể đây là thói quen đã có sẵn từ trong bụng mẹ. Bé thích giơ tay khi ngủ, cũng giống như nhiều người vẫn hay thích nằm nghiêng.
Tùy mỗi người mà mỗi tư thế khác nhau sẽ mang lại cảm giác thoải mái cho giấc ngủ. Vì là thói quen có sẵn, sau khi chào đời, trẻ tiếp tục giữ tiếp tư thế này và cảm thấy an toàn khi say giấc.
Việc trẻ giơ tay “đầu hàng” khi ngủ một phần vì trẻ cảm thấy thoáng mát.
Giữ thăng bằng
Khi trẻ còn nhỏ, sự phối hợp của cơ thể chưa được tốt. Vậy nên trẻ “giơ tay” lên để kiểm soát thăng bằng của mình. Mẹ quan sát thấy nếu con thích ngủ với tư thế chống tay lên cũng chứng tỏ chỉ số IQ của bé khá tốt, điều này cho thấy rằng bé đang tràn đầy năng lượng.
Bố mẹ đừng quá lo lắng vì tư thế ngủ này sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của bé, cũng như không phải một biểu hiện gì bất thường. Có thể lớn hơn một chút, trẻ sẽ dần thay đổi tư thế ngủ cho phù hợp.
Vậy mẹ nên làm gì khi con ngủ “đầu hàng"?
Các bậc cha mẹ thường liên tục cố sửa lại tư thế ngủ của con vì sợ con quen tư thế này, về lâu dài sẽ bị lạnh. Trong thực tế là không cần thiết, vì hiện sự phát triển thần kinh trẻ sơ sinh vẫn đang được cải thiện. Khi con lớn lên, theo thời gian, hệ thần kinh phát triển thì bé sẽ dần dần thay đổi tư thế ngủ.
Mặc đồ ngủ dày hơn cho bé
Thay vì sợ trẻ lạnh và đắp chăn dày cho trẻ, mẹ có thể thay bằng những bộ quần áo ấm hơn. Cách này vừa khiến mẹ an tâm cho sức khỏe của con, vừa khiến trẻ thoải mái cử động khi ngủ.
Một mẹo nhỏ nếu bố mẹ vẫn lo con bị lạnh, đó là có thể mặc cho con một bộ đồ ngủ dài tay ấm áp và thoải mái. Trẻ sẽ vô tư đặt tay trong lúc ngủ mà vẫn có lớp áo bảo vệ giữ nhiệt.
Khoan vội sửa dáng ngủ của trẻ
Nhiều mẹ thấy con nằm dáng ngủ không phù hợp liền sửa ngay tư thế của trẻ. Thế nhưng hành động này có thể khiến trẻ thức giấc và khó đi vào giấc ngủ trở lại.
Trên thực tế, đây là hành vi trong tiềm thức của trẻ, đồng thời cũng là biểu hiện của sự phát triển trí não tốt hơn. Ngược lại, nếu cha mẹ liên tục điều chỉnh giấc ngủ của trẻ không chỉ gây trở ngại cho trẻ mà còn còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Một số bé sẽ quấy khóc và chỉnh lại dáng ngủ ban đầu. Vậy nên các mẹ phải từ từ nhẹ nhàng hướng dẫn trẻ và thay đổi trẻ từng chút một.
Bố mẹ không nên quá lo lắng khi thấy con ngủ với tư thế "đầu hàng", trẻ có thể thay đổi thói quen này khi lớn lên.