Daya bày tỏ, anh thất vọng vô cùng và hàng loạt câu hỏi hiện ra trong đầu.
Những năm gần đây, nhiều người có xu thế không muốn kết hôn, sinh con. Tuy nhiên số khác lại làm mẹ khi còn rất trẻ, thậm chí mới 19, 20 hay còn sớm hơn. Một câu chuyện mới được chia sẻ bởi vị bác sĩ người Malaysia còn khiến mọi người sốc hơn. Thông qua đó, vị bác sĩ cũng rất mong muốn các bậc phụ huynh cần xem xét thật kĩ vấn đề làm mẹ của các bé gái khi còn quá sớm, khi các bé còn đang trong lứa tuổi tiểu học, trung học.
Cụ thể, ngày 25/3 vừa qua, bác sĩ Daya Nandan chia sẻ một câu chuyện có thật mà chính anh đã trải qua nhiều năm về trước, khi anh còn đang là một thực tập sinh. Daya cho biết một sản phụ được đưa tới bệnh viện cấp cứu giữa đêm trong tình trạng chuyển dạ sinh con. Điều đặc biệt đó là sản phụ này là một bé gái mới chỉ 11 tuổi.
Bác sĩ Daya Nandan
Anh nói rằng anh hoàn toàn không bị sốc trước cảnh tượng này mà đó là cảm giác thất vọng. Thế nhưng, điều đó chưa phải là kinh khủng nhất.
Khi nhận thấy tình trạng sản phụ cần có người thân ký cam kết, Daya đã nhanh chóng nhận ra một cô gái đứng bên cạnh. Anh nghĩ đó có thể là chị gái của sản phụ nên ngay lập tức yêu cầu cô gọi mẹ của bé gái 11 tuổi đến. Thế nhưng danh tính của người mà anh ngỡ là chị gái sản phụ khiến Daya choáng váng. "Tôi đã nhờ chị gái của cô ấy gọi mẹ tới vì tôi dự đoán đây sẽ là ca vượt cạn phức tạp. Thế nhưng, cô gái tầm ngoài 20 tuổi đó không phải là chị gái của sản phụ mà thực chất lại chính là mẹ đẻ của bé gái 11 tuổi kia. Chồng của sản phụ thì không thấy đâu cả".
Ảnh minh họa.
Daya đã vô cùng bất ngờ về tình huống này. "Tôi tự hỏi mình sẽ phải đối mặt với biến chứng gì tối nay? Tiền sản giật? Băng huyết sau sinh? Liệu chúng tôi có thể cứu cả 2 mẹ con họ không?".
Và phép màu đã không xảy ra, cả cô bé 11 tuổi và đứa con trong bụng đã không qua khỏi. "Một đứa trẻ thậm chí còn chưa đến tuổi trưởng thành đã bị cướp đi mạng sống vào đêm hôm đó và đứa trẻ sơ sinh cũng ra đi nhanh chóng. Thế giới đã mất đi hai đứa trẻ vào đêm hôm đó".
"Đây không phải là lần đầu tiên chuyện như thế này xảy ra và chắc chắn cũng không phải là lần cuối cùng", bác sĩ Daya bày tỏ.
Daya nói rằng, việc làm mẹ khi còn quá nhỏ đã khiến đứa trẻ bị cướp đi tuổi thơ, ngoài ra còn để lại những đau đớn, tổn thương về thể xác lẫn tinh thần. Đây cũng là một bài đăng của Daya nhằm ẩn ý phản đối dự luật cho phép các thanh thiếu niên (tức cả những người chưa đủ tuổi trưởng thành) được phép kết hôn của chính quyền bang Terengganu (Malaysia) sắp được ban hành chính thức trong thời gian tới.
Daya Nandan luôn nhớ về lần đỡ đẻ cho bé gái 11 tuổi.
Trên thực tế đúng như Daya đã nói, việc trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên nhưng có con đã và đang xảy ra rất nhiều trên toàn thế giới. Một phần nguyên nhân đến từ việc cha mẹ chủ động cho con tảo hôn, làm mẹ sớm nhưng một phần đó lại xuất phát từ việc trẻ bị cưỡng bức, bắt ép dẫn tới việc có con không mong muốn. Vì thế, lứa tuổi dậy thì của trẻ là vô cùng quan trọng, cha mẹ phải là người để tâm và đồng hành cùng con.
Nói chuyện cởi mở về giới tính
Cha mẹ nên thường xuyên tâm sự, trò chuyện cùng con. Một số cha mẹ lại có tâm lý tránh nói về vấn đề giới tính hay tình dục cho bé. Điều này là rất không nên. Ngược lại, phụ huynh phải chia sẻ với con những lưu ý liên quan tới giới tính như:
- Đối với bé gái: cha mẹ nên cho bé biết về chu kỳ kinh nguyệt, cách dùng băng vệ sinh, cách mặc áo ngực, hướng dẫn chăm sóc vùng kín….
- Đối với bé trai: những kiến thức về cương dương, xuất tinh, mộng tinh, cách dùng bao cao su...là rất cần thiết đối với trẻ.
Khi bé ở độ tuổi dậy thì, cha mẹ và con nên nói chuyện cởi mở về giới tính.
Nhận biết sự thay đổi của con
Thường thì vì tiếp xúc hàng ngày nên rất có thể cha mẹ sẽ không thấy con mình có sự thay đổi gì. Nhưng phụ huynh nên thực sự quan tâm, chú ý hơn để thấy được bất kỳ thay đổi về tâm sinh lý của con. Từ đó có thể kịp thời chia sẻ, lắng nghe những tâm sự, suy nghĩ của trẻ và giúp bé đối mặt với việc cơ thể thay đổi từng ngày.
Cho con có không gian riêng
Việc cha mẹ luôn ở bên con như một người bạn là điều rất tốt. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, trẻ cũng rất cần có không gian riêng của mình. Những lúc bé không muốn tâm sự thì không cần quá thúc ép mà nên chọn thời điểm khác thích hợp hơn.
Thiết lập một số nguyên tắc
- Vì trẻ đang ở trong độ tuổi “ẩm ương” nên cha mẹ cũng không nên quá nghiêm khắc nhưng vẫn không được thả lỏng. Ở giai đoạn này, con sẽ thể hiện cái tôi lớn nhất. Vì vậy phụ huynh vẫn có thể cho bé tự quyết những gì có thể sau khi đã thảo luận với cha mẹ và phân tích đúng sai. Sau đó, đề nghị trẻ tự chịu trách nhiệm nếu vấn đề con làm là không đúng.
- Ngoài ra, cha mẹ cũng nên đặt ra một số nguyên tắc với trẻ như: về nhà trước 10 giờ tối, không uống rượu bia, không hút thuốc lá...
Quy định nghiêm nhưng vị tha với những lỗi lầm
Sau khi được đặt ra những nguyên tắc, lúc ban đầu có thể trẻ sẽ vi phạm. Lúc này, thay vì mắng mỏ, cha mẹ hãy phân tích cho bé hiểu cái đúng, cái sai trong hành động hoặc suy nghĩ của con. Sau đó bày tỏ thái độ không muốn trẻ mắc sai lầm thêm lần nào nữa. Sự vị tha, bao dung của cha mẹ sẽ giúp bé có những hành động, cư xử đúng mực hơn về sau này.