Cách hạ sốt cho trẻ nhanh nhất tại nhà tránh nguy hiểm

Linh San - Ngày 15/04/2022 16:10 PM (GMT+7)

Sốt có lẽ là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của các mẹ đối với sức khỏe trẻ nhỏ. Không ít mẹ đã sử dụng những cách hạ sốt nhanh nhất mà không dùng thuốc để tránh tác dụng phụ nhưng điều này có thể gây nguy hiểm cho bé.

Trẻ thường có nhiều nguyên nhân và triệu chứng sốt khác nhau như trẻ bị sốt do mọc răng, sốt sau khi tiêm phòng, sốt do bị cảm, virus hoặc vi khuẩn gây sốt. Hiện nay, còn có một loại sốt khác chính là sốt do COVID. Mỗi loại sốt nên có những cách hạ sốt cho trẻ khác nhau.

Cách hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm phòng, mọc răng hoặc sốt thông thường

Nếu như trẻ chỉ bị sốt thông thường hoặc sau khi tiêm phòng, việc hạ sốt cũng khá đơn giản, mẹ không nên quá lo lắng. Dưới đây là một số cách hạ sốt nhanh nhất cho trẻ trong trường hợp này:

Lau người bằng nước ấm cho bé

Trước tiên, mẹ cần cởi hết quần áo của bé, dùng khoảng 5 chiếc khăn nhỏ để nhúng vào nước ấm, vắt hơi khô nước và đặt ở 2 bên nách, 2 bên háng của trẻ. Chiếc khăn còn lại nhúng thêm nước ấm và lau khắp người trẻ. Nước ấm sẽ giúp làm bốc hơi, giãn mạch máu và giúp làm mát cho cơ thể.

Cách hạ sốt cho trẻ nhanh nhanh nhất. (Ảnh minh họa)

Cách hạ sốt cho trẻ nhanh nhanh nhất. (Ảnh minh họa)

Thực hiện như vậy cho đến khi trẻ bớt sốt, nhiệt độ hạ xuống ở mức thông thường (khoảng 37 độ C). Thông thường, nhiệt độ của trẻ sẽ hạ trong khoảng từ 30-45 phút. Những trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi nếu bị sốt quá cao có thể dễ bị co giật nên cần phải tích cực hạ sốt.

Bổ sung nhiều nước cho trẻ

Khi bị sốt, trẻ thường sẽ mất nhiều nước. Vì thế, với những trẻ sốt do mọc răng và đã bước qua giai đoạn ăn dặm, mẹ nên khuyến khích bé nạp thêm các chất lỏng như nước trái cây, cháo, súp, nước lọc, sữa... Ngoài ra, nếu bé đã đủ tuổi, cha mẹ cũng có thể bổ sung cho bé các chế phẩm bù nước và điện giải bằng đường uống như oresol hydrite để giúp bù nước, thanh lọc cơ thể, bé nhanh hạ sốt.

Mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi cho bé

Nếu trẻ bị sốt nhưng vẫn hoạt động, vui chơi bình thường, uống đủ nước và ăn uống vẫn tốt, đi vệ sinh bình thường thì mẹ không cần phải dùng thuốc cho bé. Cách hạ sốt cho trẻ trong trường hợp này là mặc quần áo rộng thoáng để cơ thể bé giảm bớt nhiệt, hạ sốt. Ngoài ra, cũng có thể dùng kèm theo miếng dán hạ sốt để con không cảm thấy khó chịu.

Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi cho bé

Canxi có công dụng hỗ trợ thúc đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh nhanh hơn, việc bổ sung canxi cho bé nên được khuyến khích bằng cách cho bé ăn những nguyên liệu tự nhiên như cá tươi, rau củ, yến mạch...

Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ

Với những trẻ bị sốt cao, trên 38 độ C, mẹ có thể cho bé uống thuốc hạ sốt có chứa thành phần paracetamol đơn chất ở dạng gói hoặc dạng siro, uống đúng liều theo chỉ định là 10 – 15mg/kg thể trọng/lần, lặp lại sau 4 giờ nếu vẫn còn sốt, tổng liều tối đa không quá 60 mg/kg thể trọng/ngày. Đây cũng là cách hạ sốt cho trẻ 40 độ được khuyến cáo.

Liều sử dụng thuốc hạ sốt dành cho trẻ phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng, phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi cho bé dùng bất kỳ loại thuốc nào, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm hạ sốt cho trẻ dân gian, trước khi đi tiêm 1 ngày, mẹ có thể dùng lá tía tô và xay lấy nước cho bé uống trực tiếp hoặc đun nước lá tía tô và cho bé uống. Sức đề kháng tự nhiên có trong lá tía tô sẽ giúp bé giảm cơn sốt.

Kinh nghiệm hạ sốt cho trẻ. (Ảnh minh họa)

Kinh nghiệm hạ sốt cho trẻ. (Ảnh minh họa)

Cách hạ sốt cho trẻ mọc răng

Trẻ mọc răng thường có kèm theo một số dấu hiệu như: chảy dãi nhiều, thích gặm tay hoặc nhai những đồ vật khác, thích kéo tai, lợi bé có những biểu hiện sưng và đỏ, sốt theo từng cơn... Một số trường hợp bé bị sốt có thể là do mắc chứng bệnh truyền nhiễm như: sốt liên tục, ít hoặc hầu như không kèm theo các dấu hiệu mọc răng. Khi trẻ bị sốt mọc răng, mẹ cần chú ý những cách hạ sốt nhanh nhất cho trẻ sau đây:

- Bổ sung nhiều nước: Thực hiện tương tự như cách hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm phòng.

- Cho trẻ ăn thêm bánh ăn dặm: Do khi mọc răng, trẻ sẽ gặp phải khá nhiều triệu chứng khó chịu, ngứa ngáy ở phần chân răng nên luôn muốn tìm thứ gì đó để cắn hoặc ngậm. Để hạn chế tình trạng này, mẹ có thể cho bé ăn thêm bánh ăn dặm hoặc dùng núm vú giả, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những đồ vật vuông thành sắc cạnh vì có thể làm tổn thương lợi.

- Lựa chọn loại quần áo phù hợp cho trẻ: Khi quần áo quá chật hoặc đắp chăn quá dày sẽ làm cản trở sự bốc hơi của mồ hôi, hạn chế sự trao đổi chất khiến bé càng cảm thấy khó chịu, bức bối. Việc mặc quần áo phù hợp sẽ khiến khí huyết lưu thông tốt hơn.

- Chia các cữ bú cho bé: Khi bị sốt mọc răng, thường có xu hướng chán ăn hoặc không muốn bú mẹ. Để khắc phục tình trạng này, mẹ có thể tăng cường các cữ bú và chia nhỏ làm nhiều cữ bú, giúp đảm bảo lượng dinh dưỡng cần thiết cho bé. Nếu như bé đau lợi không bú được, mẹ có thể vắt sữa hoặc pha sữa công thức và cho bé uống bằng thìa.

- Massage cho bé: Đây cũng là cách hạ sốt cho trẻ mọc răng khá hiệu quả. Massage giúp làm giãn nở các dây thần kinh, tăng cường lưu thông máu, giảm các triệu chứng khó chịu của cơn sốt. Mẹ có sử dụng tinh dầu bạc hà để massage cho bé để giúp thông xoang mũi, làm thông thoáng hệ hô hấp và mang đến cảm giác thư giãn. Cách massage đơn giản là mẹ dùng tinh dầu thoa lên hai bên thái dương, ngực trái của trẻ rồi xoa nhẹ.

Cách hạ sốt cho trẻ mọc răng. (Ảnh minh họa)

Cách hạ sốt cho trẻ mọc răng. (Ảnh minh họa)

- Tắm cho bé: Tắm có thể làm sạch các vi khuẩn, virus bám tại môi trường xung quanh và cơ thể trẻ để trẻ hạ sốt. Tuy nhiên, mẹ lưu ý nên tắm nước ấm và tắm ở nơi kín gió, tắm thật nhanh và lau khô, mặc kín quần áo trước khi cho trẻ ra ngoài. Không để trẻ ở lâu trong nước.

- Lưu ý về chế độ dinh dưỡng: Trong giai đoạn sốt mọc răng, trẻ rất dễ gặp phải vấn đề khó tiêu và chán ăn. Để có thể khắc phục, mẹ có thể thay đổi chế độ ăn uống bằng sữa, bột hoặc cháo loãng, rau củ ninh nhừ để bé dễ ăn hơn. Bên cạnh đó, bé cần bổ sung dinh dưỡng từ vitamin C như bưởi, cam, khoai lang, rau củ xanh...cũng sẽ rất tốt cho việc sốt mọc răng của trẻ.

- Vệ sinh răng miệng cho trẻ: Cần phải đảm bảo giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ trong giai đoạn mọc răng bằng cách cho bé uống nước lọc sau khi ăn xong, dùng khăn mềm lau và chải răng cho bé, nên làm thường xuyên và nhiều lần trong ngày.

Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể dùng thuốc hạ sốt nếu như bé sốt cao trên 38 độ theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, sau khi đã áp dụng những biện pháp này nhưng nhiệt độ của bé vẫn không thay đổi kèm theo một số triệu chứng như lả người, phát ban, sốt liên tục, thậm chí là co giật thì có thể là do nguyên nhân từ bệnh lý khác, không phải do sốt mọc răng. Trường hợp này mẹ cần phải nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Cách hạ sốt cho trẻ bị COVID

Phần lớn trẻ bị COVID thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, viêm đường hô hấp và sẽ hồi phục trong khoảng 1-2 tuần. Tuy nhiên, khác với sốt bình thường như mọc răng, tiêm phòng, sốt COVID-19 sẽ khiến phụ huynh lo lắng hơn.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, sốt là triệu chứng rất thường gặp khi trẻ bị COVID. Trường hợp sốt nhẹ, trẻ sẽ tự khỏi trong khoảng 1-2 ngày nhưng cũng sẽ có trường hợp sốt liên tục trong 3-5 ngày. Các bác sĩ lưu ý, ở thời điểm trẻ sốt cao, ngoài việc dùng thuốc hạ sốt, cha mẹ có thể pha nước ấm để lau chườm người cho bé (trong trường hợp nhiệt độ cho phép).

Cách hạ sốt cho trẻ bị COVID. (Ảnh minh họa)

Cách hạ sốt cho trẻ bị COVID. (Ảnh minh họa)

Với thời tiết lạnh và trẻ ở trong phòng kín, có thể bỏ bớt áo, chỉ để trẻ mặc đủ ấm, không nên chườm nước ấm. Đặc biệt là đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, không nên dùng biện pháp hạ sốt bằng cách chườm ấm mà có thể bỏ bỉm cho bé để giúp bé hạ sốt.

Phụ huynh cũng không nên lạm dụng thuốc hạ sốt quá nhiều. Có không ít trường hợp do quá lo lắng vì con uống thuốc vẫn chưa hạ cơn sốt nên lại cho con uống loại thuốc hạ sốt khác với mong muốn con hạ sốt ngay, dẫn đến tình trạng bé dùng thuốc hạ sốt quá liều.

Ngoài ra, trẻ bị sốt do COVID sẽ thường mất nước và mệt, mất năng lượng,...bé thường bỏ ăn, nôn trớ, ăn rất ít. Ở trường hợp này, phụ huynh cần chia nhỏ khẩu phần ăn cho con và xem bé có bị nôn trớ hay không, nên ưu tiên nhóm thực phẩm giàu năng lượng.

Đặc biệt, với những trẻ thuộc nhóm béo phì, nguy cơ trở nặng sẽ cao hơn, cần phải tập thêm các bài hít thở từ sớm, không nên đợi đến lúc hết sốt rồi bị ho mới tập.

Trong trường hợp dùng thuốc hoặc các phương pháp hạ sốt cho trẻ nhưng bé vẫn sốt cao liên tục trong nhiều ngày cần phải báo với y tế địa phương để đưa trẻ đi khám, làm những xét nghiệm cần thiết kịp thời.

Cách chăm sóc bé bị sốt không rõ nguyên nhân
Sốt là hiện tượng tăng nhiệt độ cơ thể trên mức bình thường, thông thường được tính là 38 độ C trở lên khi đo ở trực tràng hoặc 37.5 độ C khi đo ở...

Cách hạ sốt cho trẻ

Linh San Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cách hạ sốt cho trẻ