Sau màn sơ cứ sai cách của người bà ở Liêu Ninh, bác sĩ đã đưa ra phương hướng xử trí đúng đắn.
Mới đây, một em bé 17 tháng tuổi ở Liêu Ninh (Trung Quốc) nhập viện trong tình trạng bị bỏng, thậm chí còn rất nặng vì sơ cứu sai cách của người lớn khiến bác sĩ vô cùng tức giận.
Theo lời kể từ người nhà, cậu bé đã đi vào khu vực phích nước sôi bà vừa đun thì không may làm vỡ phích nên bị bỏng. Phần da non nớt của bé đỏ ửng, có dấu hiệu bị tróc ra.
Trong lúc cuống cuồng không biết xử trí ra sao, người bà liền lấy nước tương để đổ lên vết bỏng với hy vọng làm giảm sức nóng. Thế nhưng tình hình lại càng nguy cấp hơn. Sau khi nhập viện, các bác sĩ nhận định rất có thể phải cắt bỏ phần tay bị hoại tử của bé chỉ vì sơ cứu sai cách của bà.
Thay vào đó, vị bác sĩ kể một trường hợp người mẹ biết cách sơ cứu đúng đã giúp cứu mạng con trai 17 tháng.
Đó là trường hợp của cậu bé 17 tháng tuổi ở Hàng Châu. Bé bị bỏng khi đang được mẹ cho đi tắm. Khi chưa kịp pha nước nguội vào với phần nước sôi thì đứa trẻ đã nhào người vào chậu nước nước sôi dẫn đến bị bỏng khắp người.
Trong khi một số người nhà vội vã định cho bé nhập viện thì người mẹ ngăn lại, cô mở voi hoa sen xả nước lạnh nhẹ nhàng trực tiếp vào những vết bỏng của con trai. Cô làm liên tục như thế trong 1 giờ liền mới đưa con đến bệnh viện.
Các bác sĩ tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi khoa Đại học Chiết Giang đã rất khen ngợi hành động sơ cứu kịp thời của người mẹ. "Xả nước lạnh vào người bé có thể làm giảm nhiệt độ của bề mặt da bị bỏng, trung hòa nhiệt độ và giảm đau" - bác sĩ nói.
Sơ cứu đúng cách trẻ bị bỏng
Theo chia sẻ từ bác sĩ Nguyễn Thống - nguyên Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), thực tế trường hợp bỏng trong sinh hoạt, đặc biệt là bỏng hơi, bỏng nước sôi rất hay xảy ra, chiếm đến 80% các trường hợp bị bỏng nhập viện. Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường hay gặp hơn là người lớn.
Theo đó, đa số trường hợp bỏng nước sôi do sinh hoạt xảy ra khi đun nước sôi, bỏng ấm pha trà, bỏng nước mỳ tôm, hơi nồi cơm điện, nóng lạnh…
Đối với những trường hợp bị bỏng nặng do nhiệt mà trực tiếp là nước sôi, bác sĩ Thống cho rằng việc cần làm ngay là nhanh chóng làm nguội vết thương bằng cách để vùng bị tổn thương dưới vòi nước chảy ít nhất 5 phút hoặc ngâm ngay vùng bỏng nước sôi vào nước lạnh (16-20 độ C) trong vòng 15-20 phút cho đến khi cơn đau dịu bớt.
Ảnh minh họa
“Phương pháp tốt nhất để sơ cứu bỏng nước sôi hiệu quả là giữ cho vết bỏng sạch sẽ, không được động chạm gì vào vết bỏng. Chẳng may vết bỏng ở những chỗ dễ đụng chạm, có thể dùng một băng vải đắp lên vết bỏng tránh sự đụng chạm vào vết bỏng sau đó đến bệnh viện để được sơ cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Thống chia sẻ.
Ngoài ra, việc băng bó giúp cho vết bỏng không tiếp xúc với không khí, giảm đau và bảo vệ mụn nước. Tuy nhiên cần chọn băng gạc phù hợp vệ sinh. Gạc quấn hờ, quấn lỏng quanh vết thương tránh tạo áp lực lên vùng da bị bỏng. Nếu không có băng đạt tiêu chuẩn thì tốt nhất là giữ nguyên vùng da bị bỏng, tránh đụng chạm.
Với những vết bỏng nhẹ không cần đến bệnh viện, cũng cần phải vệ sinh sạch sẽ, không đụng chạm vào vết thương trong 24 giờ. Sau 1 ngày, có thể rửa vết bỏng nước với xà phòng cùng với nước lạnh hoặc một dung dịch nước muối sinh lý. Rửa vết bỏng mỗi ngày một lần, lau vết bỏng cho khô sau khi rửa.
Để phòng tránh tai nạn bỏng nói chung và bỏng nhiệt trong sinh hoạt gia đình nói riêng, bác sĩ Nguyễn Thống cho rằng, khi đun nấu hoặc để vật dụng có thể gây bỏng cần hết sức lưu ý. Nên quy định chỗ để những vật dụng đó và tránh xa tầm với của trẻ em.
Khi sử dụng cần kiểm tra độ chắc chắn cũng như thử độ nóng trước khi sử dụng ví dụ như với chào, mỳ tôm, nước chè… Khi tắm cho trẻ, dùng tay thử độ nóng khi pha nước, không xịt nước thẳng từ vòi vào trẻ để tránh nhiệt độ của bình không ổn định.