Bà mẹ vừa cầm điện thoại định báo cảnh sát thì đứa trẻ bất ngờ lên tiếng.
Chị Văn Đình (Trung Quốc) là một mẹ bỉm trẻ, ở nhà toàn thời gian để chăm sóc con gái 2 tuổi. Mới đây chị đã chia sẻ một câu chuyện xảy ra giữa mình và con gái. Sau khi bài viết của chị được đăng lên diễn đàn nuôi dạy con, nó đã thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Có không ít bình luận và ý kiến được các mẹ bỉm đưa ra về trường hợp này.
Cụ thể chị Văn Đình cho biết, trưa hôm nay chị dỗ con gái ngủ được một lúc thì dọn dẹp nhà cửa và sau đó đi tắm. Tuy nhiên khi chị xong việc và vào phòng để kiểm tra tình hình của con thì giật mình bởi không nhìn thấy đứa trẻ ở trên giường. Chị bắt đầu hoảng loạn gọi tên con gái và đi khắp nhà tìm, chạy ra hành lang chung cư để kiểm tra nhưng con gái bỗng "mất tích không dấu vết".
Chị vô cùng hoang mang và khó hiểu, bởi con gái đang nằm ngủ trên giường thì tại sao giờ không thấy con đâu, đứa trẻ đã bỏ ra ngoài hay ai đó đã phá cửa lẻn vào nhà bắt cóc đứa trẻ trong lúc chị đi tắm. Hàng loạt những nghi vấn hiện ra trong đầu chị Văn Đình khiến chị càng lo lắng và run sợ.
Cuối cùng vì không thể giữ được bình tĩnh nên chị Văn Đình đã quyết định gọi điện thoại báo cảnh sát. Thế nhưng ngay sau đó tiếng cô con gái nhỏ bất ngờ gọi mẹ vang lên ở đâu đó trong nhà đã khiến chị giật mình. Lúc này, chị Văn Đình ngơ ngác nhìn về hướng rèm cửa trong phòng ngủ thì mới tá hoả khi phát hiện con gái đang trốn ở phía sau.
Cô nhóc còn thích thú thò đầu ra nhìn mẹ rồi khoái chí cười lớn. Chị Văn Đình nhìn thấy đứa trẻ thì vỡ oà cảm xúc, vui mừng tiến đến ôm chầm lấy con gái thở phào nhẹ nhõm. Mặc dù được con gái làm cho một vố thót tim, nhưng dĩ nhiên chị Văn Đình không nạt nô hay la mắng con, bởi đứa trẻ chỉ mới hơn 2 tuổi chưa biết gì.
Chị Văn Đình cũng chia sẻ thêm, thỉnh thoảng ở nhà thì hai mẹ con cũng hay chơi trò trốn tìm giống như thế và con gái rất hứng thú với nó. Vậy nên có lẽ con gái sau khi ngủ dậy không thấy mẹ đâu, nghĩ rằng mẹ đang chơi đùa với mình nên mới có tình huống "dở khóc dở cười" này xảy ra.
Thực tế đây không phải là câu chuyện của riêng ai, bởi bài chia sẻ của chị Văn Đình cũng nhận về một số ý kiến bày tỏ sự đồng cảnh ngộ từ các bà mẹ bỉm sữa khác. Vì ở độ tuổi này con còn khá nhỏ để nhận thức về các trò vui chơi, đùa nghịch của mình nên sẽ khó tránh khỏi những tình huống khiến bố mẹ phải "thót tim" giống như trường hợp ở trên.
Mặc dù nó chưa gây ra các vấn đề nguy hiểm, tuy nhiên trong quá trình chăm sóc con nhỏ, các bà mẹ cũng nên chú ý quan sát con nhiều hơn. Bởi với tính tò mò và thích khám phá của trẻ ở giai đoạn này, con có thể làm mọi thứ mà con muốn. Để bảo vệ sự an toàn cho con thì bố mẹ tuyệt đối không lơ là hay để con ra khỏi tầm mắt của mình.
Vậy khi nuôi dạy con ở độ tuổi từ 1-3 tuổi, bố mẹ cần lưu ý gì để tránh những tình huống nguy hiểm với con?
- Giám sát chặt chẽ: Trẻ ở độ tuổi này còn rất nhỏ, con vô cùng tò mò và muốn khám phá về thế giới xung quanh. Bố mẹ cần giám sát chặt chẽ các hoạt động của trẻ, đảm bảo an toàn cho con khi chơi hay tham gia các hoạt động hàng ngày.
- Tạo một môi trường sống an toàn: Kiểm tra và đảm bảo rằng môi trường sống xung quanh con là an toàn. Loại bỏ các vật phẩm nhọn, đồ chơi có phần nhỏ dễ nuốt, các chất độc, hoá chất và các vật liệu nguy hiểm khác ra khỏi tầm tay của trẻ. Hãy chắc chắn là các vật dụng trong nhà như bếp, thiết bị điện, cửa sổ và cầu thang được bảo vệ an toàn để tránh nguy cơ con bị ngã, va chạm xảy ra thương tích.
- Giảng dạy về an toàn: Khi trẻ có nhận thức và hiểu lời bố mẹ nói, hãy dạy cho con các quy tắc cơ bản về an toàn như không chạm vào vật nóng, không chơi gần lửa, ao hồ nước, không chơi trên các địa hình cao, không chạy quá xa khi ở ngoài trời và không tiếp xúc với các chất độc...
- Đồ chơi an toàn: Chọn đồ chơi phù hợp với độ tuổi và không có các bộ phận nhỏ dễ nuốt. Kiểm tra đồ chơi thường xuyên để đảm bảo chúng không hỏng hóc, gãy, hay có các phần nhọn có thể gây tổn thương cho trẻ.
Quan trọng nhất là bố mẹ cần cung cấp sự giáo dục và hướng dẫn cho con về an toàn từ độ tuổi rất sớm. Điều này giúp trẻ hiểu và nhận biết nguy hiểm, cũng như phòng ngừa các tình huống bất trắc trong cuộc sống hàng ngày.
Bố mẹ nên phản ứng ra sao đối với các trò vui đùa, nghịch ngợm của con ở độ tuổi này?
- Định rõ giới hạn: Bố mẹ nên định rõ những hành vi chấp nhận và không chấp nhận từ con. Thiết lập các quy tắc rõ ràng, và giải thích cho con hiểu sự kết hợp giữa trò chơi và giới hạn. Ví dụ, nếu con chơi với đồ chơi, hãy chỉ rõ đồ chơi nào được chơi và đồ chơi nào không được chơi.
- Đưa ra lời chỉ trích nhẹ nhàng: Khi con thực hiện hành vi không phù hợp, bố mẹ có thể sử dụng lời chỉ trích nhẹ nhàng để cho con hiểu hành vi đó là không được chấp nhận. Ví dụ, thay vì la mắng hay đánh đập, bố mẹ có thể nói: "Không, chúng ta không nên ném đồ chơi đâu con ạ, nó có thể gây nguy hiểm và làm hỏng đồ chơi đấy!"
- Chuyển hướng và đề xuất hoạt động khác: Khi con thể hiện hành vi nghịch ngợm, bố mẹ có thể chuyển hướng sự chú ý của con vào các hoạt động khác, đề xuất các trò chơi hoặc hoạt động tương tự nhưng an toàn hơn. Ví dụ, nếu con đang cố tình vứt đồ chơi xuống đất, bố mẹ có thể nói "Hãy chơi xếp hình với mẹ thay vì vứt đồ chơi xuống đất nhé!"
- Khuyến khích hành vi tích cực: Bố mẹ nên khuyến khích và khen ngợi con khi thấy con thực hiện những hành vi tích cực, đúng với quy định mà bố mẹ đã đặt ra. Việc đánh giá và động viên con sẽ giúp con hiểu rõ hơn về những hành vi mà bố mẹ mong muốn con, cho phép con thực hiện và ngược lại.
- Kiên nhẫn và lặp lại: Đôi khi trẻ có thể lặp lại hành vi nghịch ngợm mặc dù đã nhận được sự phê bình và hướng dẫn trước đó. Trong trường hợp này, bố mẹ cần kiên nhẫn và lặp lại quy tắc, giải thích cũng như hướng dẫn cho con hiểu rõ hơn về hành vi không được chấp nhận đó.
Điều quan trọng nhất là bố mẹ cần duy trì sự kiên nhẫn, yêu thương và tìm cách giao tiếp hiệu quả với con. Việc tạo ra một môi trường tương tác tích cực, đồng thời định rõ giới hạn sẽ giúp con phát triển các kỹ năng xã hội và rèn luyện ý thức về hành vi của mình hiệu quả.