Không chỉ một lần mà rất nhiều lần, tôi thấy cô ấy xúc những thìa bột của con tôi cho vào miệng của mình.
Vợ chồng tôi mới sinh con hồi tháng 11 năm ngoái nhưng vì điều kiện công việc không thể nghỉ lâu nên đầu tháng 3 tôi đã bắt đầu quay trở lại với công việc. Chúng tôi ở chung với mẹ chồng nhưng bà đã già, sức khỏe yếu nên một mình không thể đảm đương vừa việc nhà vừa chăm sóc trẻ sơ sinh được. Do đó tôi đã tìm thêm một cô bảo mẫu nữa để phụ bà chăm cháu.
Việc chính của cô bảo mẫu là chăm sóc con tôi còn bà sẽ phụ giúp việc lặt vặt trong nhà, cơm nước. Đến giờ tan làm, tôi sẽ chủ động về nhà sớm để hỗ trợ vì chồng thì thường đi làm tới tối đêm mới về hoặc có những hôm làm ca tối. Chúng tôi trả cho cô bảo mẫu mức lương là 10 triệu/tháng, khá hậu hĩnh so với mặt bằng chung để cô thoải mái và chuyên tâm vào công việc chăm sóc em bé, không nghĩ tới chuyện làm thêm việc gì khác.
Ảnh minh họa
Ban đầu tôi cảm thấy rất ưng ý với cô bảo mẫu này vì cô hợp với con trai mình, đứa trẻ rất yêu quý cô và cũng phát triển trông thấy kể từ ngày có cô về. Thế nhưng dạo gần đây tôi bắt đầu thấy được một số thói quen xấu của cô ấy như dùng nhiều điện thoại trong lúc chăm sóc con tôi hay mải mê nói chuyện nhiều hơn là chú ý đến việc chăm trẻ.
Lúc đầu tôi cũng chỉ nhắc nhở để cô chỉn chu hơn nhưng càng ngày tôi càng thấy thói quen xấu ngày một nhiều hơn, lo sợ ảnh hưởng đến việc chăm sóc con nên tôi để ý kĩ hơn thì phát hiện cô còn có thói quen ăn vụng sữa bột của con tôi.
Không chỉ một lần mà rất nhiều lần, tôi không hài lòng về điều đó. Vì thực ra đây vừa là thói quen xấu, không thật thà trong công việc vừa rất tốn tiền của chính bản thân gia đình. Mỗi hộp sữa tôi mua cho con cũng gần 2 triệu đồng, nếu cô ấy cứ dùng nhiều như thế thì quả thật rất lãng phí. Chính vì thế tôi quyết định phải "bắt tại trận" và yêu cầu cô nghiêm túc trong công việc hơn.
Trong một lần cô cũng đang ăn vụng sữa bột của con trai, tôi nhẹ nhàng mở cửa bước vào và nói:
- Ôi cô ơi, đây là sữa bột của cháu mà, không dành cho người lớn đâu. Cô đừng dùng nữa nhé. Cô thích uống sữa thì nói với cháu, cháu sẽ mua sữa người lớn cho cô.
- Ừ, cô ăn thử tí xem nó thế nào ý mà, có khác sữa người lớn không mà có vẻ ngon lắm cháu.
- Vâng cô ơi, sữa này dành riêng cho trẻ sơ sinh, cháu phải nhờ người xách tay từ bên nước ngoài về nên chi phí khá đắt ấy. Thực ra cháu nhìn thấy cô cũng dùng thử nhiều lần rồi, cháu không đồng ý nên cháu muốn nói để cô rút kinh nghiệm một chút ạ.
Ảnh minh họa
Nghe tôi nói đến đây, cô bảo mẫu nghiêm nét mặt lại một chút tỏ vẻ không hài lòng. Thế nhưng những gì cô làm sau đó mới khiến tôi bất ngờ.
Cô ngó nghiêng bên ngoài phòng khách sau đó đóng cửa lại và nói nhỏ với tôi:
- Cô định không nói nhưng mà nghe cháu nói thế, cô sợ cháu hiểu lầm cô thèm ăn sữa của trẻ nên ăn vụng. Nhưng có sự thật này cô nghĩ mình nên nói với cháu thì tốt hơn. Thực ra cô đang thử sữa của em bé để xem biểu hiện của cô như thế nào đấy vì dạo gần đây cô thấy sau khi em bé dùng sữa xong cứ ngủ thiếp đi rất sâu và rất lâu đó.
- Ôi thật thế hả cô, không phải chứ, đây là sữa cực kì tốt và chất lượng cháu đặt mua cho con, không phải là hàng giả đâu. Sao lại có vấn đề gì được chứ.
- Ừ, sau khi thử sữa thì cô cũng đoán như thế nên cô nghĩ vấn đề không nằm ở sữa cháu ạ mà vấn đề nằm ở mẹ chồng cháu đó.
- Ý cô nói là sao ạ?
- Thì là dạo gần đây bà ấy luôn tranh mang sữa cho đứa nhỏ dùng mà không để cô tự pha. Cô cũng nể nên để bà làm nhưng cô thấy cứ mỗi lần bà cho cháu uống sữa là đứa trẻ đều có biểu hiện thế. Hôm trước cô nghe được bà nói chuyện điện thoại với ai mà nói cái gì mà "an thần" nên cô hơi lo.
Tôi hoảng hốt mong rằng những gì cô bảo mẫu nói là không đúng nên gọi luôn mẹ chồng ra để nói chuyện. Sau một hồi quanh co, mẹ chồng tôi thừa nhận việc có nghe theo các bà bạn, mua thêm thuốc an thần bỏ vào sữa cho cháu ngủ ngon.
- Đứa nhỏ quấy khóc suốt ngày làm mẹ váng hết cả đầu. Mẹ nghe các bà nói dùng 1 chút thuốc an thần không hại gì mà khiến đứa trẻ ngủ ngon hơn. Không ngờ lại có hiệu quả thật con ạ.
- Ôi trời ơi, sao mẹ lại tự ý làm thế mà không nói gì với con. Con thật sự không thể tin được mẹ lại làm thế luôn.
Ảnh minh họa
Tôi chỉ kịp nói thế rồi ôm con đi bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ nói rất may cũng chưa có ảnh hưởng gì nặng nề mà cần theo dõi đứa trẻ thêm.
Sau việc này, tôi cảm ơn cô bảo mẫu rối rít và cũng để chồng nói chuyện với mẹ chứ bản thân tôi lúc này chưa thể vui vẻ hay nói bất kì điều gì với bà.
Tâm sự từ độc giả daunguyen...
Thuốc an thần cần phải được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và việc dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là điều tuyệt đối tối kỵ vì thuốc an thần có thể gây nhiều tác hại cho trẻ. Trong trường hợp nguy hiểm, thuốc an thần có thể khiến trẻ hôn mê, mất ý thức.
Với trẻ sơ sinh hay quấy khóc, bố mẹ và người thân nên tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ rơi vào tình trạng này để có cách xử trí hợp lý, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc.
Có khá nhiều lý do khiến trẻ quấy khóc khó ngủ, chẳng hạn như:
- Trẻ bị lẫn lộn ngày đêm.
- Trẻ chưa thích nghi được với môi trường sau sinh.
- Trẻ đói, tã bẩn.
- Môi trường ngủ không đảm bảo, ví dụ như phòng ngủ ồn ào, đèn trong phòng ngủ quá sáng,...
- Trẻ quá nóng hoặc quá lạnh.
- Trẻ quá mệt, mẹ bỏ lỡ tín hiệu ngủ của con.
- Trước giờ ngủ trẻ bị phấn khích, ví dụ như mẹ cho con xem điện thoại, tivi quá nhiều khi còn quá nhỏ hoặc trẻ bị la mắng.
- Gặp ác mộng và nỗi sợ ban đêm.
- Mẹ vỗ ợ hơi cho bé chưa kỹ.
- Trẻ ngủ quá nhiều hoặc quá ít vào ban ngày.
- Trẻ quấy khóc khi bị ốm, mọc răng.
Cách khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ
1. Tập cho con phân biệt ngày đêm
Khi mới chào đời, một số trẻ sơ sinh khó ngủ vào ban đêm và thay vào đó sẽ ngủ bù vào ban ngày. Tình trạng ngủ ngày cày đêm khiến lịch sinh hoạt của cả gia đình bị đảo lộn và trẻ càng ngày càng cáu gắt khó chịu hơn khi đi ngủ.
Để khắc phục tình trạng này, mẹ cần giúp con điều chỉnh đồng hồ sinh học bằng quy tắc “ban ngày nhiều ánh sáng và tiếng động, ban đêm tối và yên lặng”. Cụ thể, vào buổi sáng, mẹ không nên để con ngủ quá 8 giờ sáng, cho bé ăn và chơi trong môi trường nhiều ánh sáng.
Ngược lại, ban đêm mẹ cần đặt con nằm ngủ ở nơi ít ánh đèn, không gian yên tĩnh. Mọi hoạt động khi con thức dậy về đêm như thay bỉm, cho ăn cũng nên diễn ra trong yên lặng, không nên bật đèn sáng lên mà chỉ nên dùng đèn pin nhỏ.
2. Cho bé đi tắm nắng vào sáng sớm
Tắm nắng không chỉ giúp con khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng mà còn giúp cơ thể con sản sinh ra hormone melatonin. Loại hormone này có vai trò điều hòa nhịp sinh học ngủ - thức của cơ thể, nhờ thế mà con sẽ vào giấc ngủ đêm dễ dàng hơn và ngủ sâu hơn.
3. Quấn bé khi ngủ
Trong bụng mẹ, trẻ đang quen với cảm giác được bọc ối bao bọc xung quanh nên khi mới chào đời, trẻ chưa kịp thích nghi với môi trường. Điều này khiến trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ hoặc ngủ không sâu do giật mình liên tục. Để trẻ có cảm giác an toàn và được bao bọc giống như trong bụng, mẹ có thể dùng tã hay quấn chũn chuyên dụng để quấn chặt con hoặc chèn gối quanh bé.
4. Tạo môi trường ngủ cho trẻ
Khi ngủ, bố mẹ nên đặt trẻ nằm ngủ trong không gian tĩnh lặng, ít ánh sáng để giúp bé ngủ ngon hơn, tránh bị kích thích. Ngoài ra, bố mẹ có thể bật tiếng ồn trắng (tiếng máy sấy tóc, nhịp tim đập,...) hoặc tiếng nhạc du dương để trấn tĩnh trẻ. Hơn nữa, nhiệt độ phòng phù hợp khi ngủ cho trẻ là dưới 24 độ C.
5. Đọc được tín hiệu buồn ngủ của trẻ
Phần lớn trẻ gắt ngủ là do con đã quá buồn ngủ dẫn đến kiệt sức, mệt mỏi, sinh ra gắt ngủ. Vì vậy, khi con có tín hiệu buồn ngủ, mẹ nên đưa con vào môi trường ngủ và dỗ con ngủ ngay. Để làm được điều này, mẹ cần dựa vào:
- Thời gian thức – ngủ trung bình đối với từng độ tuổi của con.
- Nắm rõ tín hiệu buồn ngủ của con như ngáp, mắt lờ đờ, dụi mắt, quay đầu khỏi nơi có ánh sáng, tiếng động, nhìn chằm chằm vào một điểm nào đó, gãi tai,...
6. Thiết lập trình tự ngủ cố định cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ
Trẻ càng ít tháng sẽ càng dễ thích nghi với trình tự ngủ mẹ đặt ra. Tuy nhiên, điều quan trọng là trình tự này cần phải diễn ra hàng ngày, không xáo trộn để bé biết khi mẹ làm những việc này có nghĩa là đã đến giờ đi ngủ. Trình tự ngủ ban ngày của trẻ sơ sinh có thể là:
- Khi thấy con có tín hiệu buồn ngủ, mẹ đưa con vào môi trường ngủ.
- Kéo rèm cửa lại để phòng tối.
- Quấn trẻ (hoặc không) rồi bế vác hoặc đặt bé nằm xuống giường, vỗ về bé, dỗ bé vào giấc ngủ. Tư thế nằm nghiêng sẽ giúp trẻ dễ ngủ hơn nên bố mẹ có thể để trẻ nằm nghiêng khi mới ngủ và để trẻ nằm ngửa ra khi đã ngủ say.
7. Tắm vào chiều tối giúp con ngủ ngon hơn
Nhiều mẹ lo sợ tắm chiều tối dễ khiến trẻ bị cảm lạnh, nhưng nếu mẹ tắm trong phòng kín gió, nhiệt độ ấm thì tắm chiều sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ, trong đó có giúp trẻ ngủ ngon hơn. Bởi sau khi tắm, nhiệt độ cơ thể con sẽ hạ xuống, nhờ đó mà cơ thể bắt được tín hiệu và trở nên buồn ngủ hơn.
8. Vỗ ợ hơi kỹ cho trẻ
Nhiều mẹ có thói quen đặt trẻ nằm ngủ ngay sau khi ăn nhưng có những trẻ sơ sinh bú xong không chịu ngủ mà quấy khóc hoặc trẻ ngủ một một giấc ngắn khoảng 30 phút – 1 tiếng sẽ tỉnh dậy khóc, phải dỗ ròng rã mấy tiếng liền mới có thể ngủ lại. Trong trường hợp này, trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ có thể là do trẻ bị mắc hơi vì mẹ không vỗ ợ hơi cho trẻ.
Do đó, sau mỗi bữa ăn, mẹ nên vỗ ợ hơi thật kỹ cho con. Sau tiếng ợ đầu tiên, mẹ nên vỗ thêm từ 5-10 phút nữa rồi mới đặt con nằm xuống.