Bé trai thứ 2 nhà chị Hạnh khiến không ai nhận ra sau 3 năm, từ một cậu bé sinh non 2,4kg, bị hở van tim 3 lá, bác sĩ bảo rằng không thể can thiệp được kể cả đi ra nước ngoài.
Đến bây giờ, chị Huỳnh Thị Bích Hạnh (38 tuổi, Sài Gòn) vẫn thường nói rằng 3 năm qua nuôi con trai thứ 2 là cả một quá trình với mình bởi con trai từ sinh non 2,4kg, bị hở van tim 3 lá phức tạp, bác sĩ từng bảo rằng không thể can thiệp được, kể cả bác sĩ nước ngoài. Chị đã từng nghĩ nuôi con được ngày nào, gần con được bao nhiêu vui bấy nhiêu. Vậy mà 3 năm sau, cậu bé sinh non ngày nào khiến ai cũng bất ngờ và không nhận ra.
Tổ ấm nhỏ của chị Hạnh.
10 ngày sau sinh gặp con không nhận ra, khóc nghẹn vì phải chuẩn bị tâm lý mất con
Chị Hạnh và anh Thông kết hôn năm 2011. Anh chị có con gái đầu lòng sinh năm 2012 và con trai thứ 2 sinh tháng 8/2017. Chị Hạnh chia sẻ, chị sinh bé đầu thuận lợi bao nhiêu thì bé thứ 2 khó khăn bấy nhiêu bởi bé sinh non ở tuần 34 vì vỡ ối sớm. Chị phải chịu đau đớn 20 tiếng mới sinh thường được bé. Em bé chào đời nặng 2,4kg. Mặc dù thai kỳ khỏe mạnh, lúc nào bác sĩ cũng nói con khỏe nhưng chị không hiểu sao khi sinh con chị bị tím và được chẩn đoán Ebstein tuýp A hở van 3 lá 4/4.
Đến bây giờ, chị vẫn nhớ mãi khoảnh khắc vừa sinh xong da kề da với con chưa được bao lâu, bác sĩ nhìn thấy má bé tím tái nên đã nhanh chóng bế bé đi. Ban đầu chị cứ nghĩ con sinh non nên phải nằm lồng kính nào ngờ con bị tim bẩm sinh phức tạp được chuyển qua cấp cứu Nhi Đồng I ngay sau đó.
“3 ngày sau mình xuất viện nói người nhà với y tá cho qua phòng gặp bé nhưng không được. Cô y tá bảo con nằm cách ly phòng kính khiến mình cứ tưởng vậy, ai ngờ gia đình nhờ y tá giấu để mình không biết. Mọi người bảo mình bé sinh non phải nằm dưỡng nhi, bác sĩ không cho gặp.
Đến hơn 1 tuần cả nhà vẫn giấu vì sợ mình không chịu nổi cú sốc khi bác sĩ nói bé khó qua khỏi. Mình nghe người nhà kể lại, khi đưa bé sang Nhi Đồng I bị kẹt xe ở bùng binh mà bé thì phải bóp bóng oxy, bác sĩ nói chắc không qua khỏi được nhưng trời phật thương đã đến bệnh viện cứu được bé”, chị Hạnh nhớ lại.
Bé thứ 2 nhà chị Hạnh chào đời nặng 2,4kg, bị Ebstein tuýp A hở van 3 lá 4/4.
Không biết gia đình giấu tình hình con nên hàng ngày chị Hạnh cứ vắt sữa dự trữ cho con đầy tủ lạnh. Sau 10 ngày, mọi người mới dặn chị chuẩn bị tâm lý để thông báo tình hình con. Nghe xong chị sững người khóc hết nước mắt rồi vội vàng đổ hết đống sữa dự trữ đi. Chị bỏ hết chuyện chăm sóc bản thân để chạy vào với con. Tuy nhiên, một ngày chỉ được 1 người vào thăm con 10 phút nên chị phải dọn đồ vào hành lang bệnh viện để chờ bác sĩ gọi tên.
Đó là khoảng thời gian vất vả nhất của chị bởi bác sĩ gọi tên, một là bé không cứu được nữa, hai là bé truyền được sữa. Hồi ấy buổi đêm bác sĩ gọi tên ai là chị muốn xỉu vì sợ nghe đến tên con mình sẽ bị đem về nhưng mỗi lần nghe bác sĩ gọi bé được truyền sữa chị lại vui và cố gắng uống nước ấm xoa ngực để sữa về.
“Mặc dù bé chỉ truyền 1cc, 2cc, đến 5cc nhưng mình không đủ sữa vì cứ 2,5 tiếng vắt một lần. Đêm đến mình lại lên tầng 1 chỗ mấy cô y tá, suốt đêm cứ kiếm thứ gì ăn rồi uống nước nóng xoa ngực muốn phỏng nhưng vẫn không đủ 5cc cho con. Nhiều lúc thiếu 1-2cc mình cảm thấy bất lực vì không mang đến cho con được dòng sữa mẹ tốt nhất, mà phải đi xin mẹ khác. Ròng rã như vậy vợ chồng mình không ai dám ngủ cho đến lúc bé được cho ra ngoài gặp mẹ”, chị Hạnh chia sẻ.
Tay con không giơ lên được phải tập vật lý trị liệu nẹp ở nhà.
Mặc dù ngày nào cũng được vào thăm con ít phút nhưng khi được nhận con sau 1 tháng, chị Hạnh không nhận ra vì đầu con bị ghẻ cục to phải cạo tóc để thoa thuốc, tay con không giơ lên được phải tập vật lý trị liệu nẹp ở nhà. Sau 10 ngày về, vợ chồng chị lại phải đưa con vào viện vì bị ho, sổ mũi, khó thở phải cấp cứu khoa tim gần 1 tháng.
Chị Hạnh tâm sự, một tháng con nằm viện tim ruột chị đau như cắt mỗi lần bác sĩ lấy ven cho con. Có lần 3 y tá vào lấy khoảng 30 mũi tiêm, từ đầu, lưng, bụng không lấy được ven khiến con khóc lặng người. Mãi sau có một y tá lớn tuổi đến lấy được ven khiến chị mừng muốn xỉu. Tuy nhiên, bệnh của con khiến chị không lúc nào thôi lo lắng khi vô tái khám tim như cơm bữa. Đặc biệt, có một lần bác sĩ nữ bảo bệnh bé không can thiệp được vì tim phức tạp, đi nước ngoài bác sĩ cũng không làm được khiến chị chết lặng. Vậy là chị chỉ mong nuôi con, ở gần con được ngày nào vui ngày đó.
Không nản lòng, chồng chị bắt đầu tìm đến những bác sĩ giỏi chuyên tim, đến phòng khám bác sĩ ở bệnh viện Tâm Đức và bác sĩ Đỗ Quang Huân điều trị đến khi con hơn 1 tuổi, được viết giấy đến viện Tim nhờ mổ.
1,5 tuổi biết nói, 2 tuổi biết đi, 3 tuổi lớn phổng phao không ai nhận ra
Sau khi được xét nghiệm hội chẩn xong xuôi, ngày 10/11/2018 bé nhà chị Hạnh được quyết định mổ. “Bác sĩ dặn 2h sáng trở đi cho con nhịn bú, con khóc thì ráng vỗ. Sáng sớm y tá vệ sinh bé, cho bé uống thuốc mê. 7h thứ 7 mình nhớ như in mình bế bé lên phòng mổ trao cho bác sĩ.
Và đến tận 5h chiều chủ nhật mới nghe thông báo bé mổ xong, lên đây bé ra. Lúc đó y tá còn dặn bé sẽ quấy khóc 3 ngày liên tục mẹ ráng vỗ. Mình yên tâm nhận con 10 ngày xuất viện, tái khám rửa vết thương theo lịch và 2 tuần rút chỉ. May sẹo lành, bé không bị sao cả”, chị Hạnh kể.
Hình ảnh bé khi còn nhỏ và bây giờ khiến ai cũng ngỡ ngàng.
Từ lúc sinh đến lúc mổ là khoảng thời gian vô cùng vất vả của vợ chồng chị Hạnh vì bé suốt ngày ở bệnh viện. Sau khi bé mổ xong, chị đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên nhìn con chậm phát triển hơn các bạn khác cũng khiến chị lo lắng, bất an. 15 tháng bé mới biết bò, 1,5 tuổi biết nói tiếng ba, 2 tuổi mới biết đứng đi 1-2 bước và biết nói được 1-2 từ liên tiếp. Đã có lúc chị tưởng con không đi được và lo sợ con không nói được.
“Bé trườn như đi bộ đội, không biết bò. Mọi thứ bé đều sau những bé khác, nhiều lúc mình cũng buồn nhưng bé sinh non, bị tim nên chậm hơn là điều bình thường. Ai nói mình cũng bỏ ngoài tai, miễn con khỏe là mẹ vui, không so bì với ai.
Về dinh dưỡng, thời gian đầu, mình cho con ăn 1 chén cơm hoặc cháo phải có 3 muỗng thịt, cá, tôm, 2 muỗng rau, 3 muỗng dầu ăn. Bé không ăn được cứ xay nhuyễn hoặc xay như nước sinh tố để lấy lại dinh dưỡng cho bé. Mình quan niệm bé đầy đủ dinh dưỡng là được không nhất thiết 1 tuổi bắt đầu tập nhai. Hiện giờ, bé ăn cơm nguyên hạt, thức ăn và canh làm nguyễn để được nhiều dinh dưỡng”, chị Hạnh chia sẻ.
Cậu bé bác sĩ bảo không chữa được, kể cả bác sĩ nước ngoài giờ nặng 17,5kg, phát triển tốt.
Hiện tại, bé thứ 2 nhà chị Hạnh gần 3 tuổi đã nặng được 17,5kg đã đi được bình thường nhưng chân hơi yếu, hay bị vấp té. Bé đã biết hết bảng chữ cái tiếng Anh, biết đọc con số và biết đọc những từ tiếng Anh về con số, màu sắc, cơ thể... Thậm chí, bé biết hát rất nhiều bài thơ và bài hát. Nhìn lại hành trình dài vất vả và nhìn sự lớn khôn của con bây giờ chị lại hạnh phúc vì con đã đồng hành ở bên bố mẹ sau bao khó nhọc.