"Chê" bà nội bà ngoại nấu ăn không đúng cách, "chồng người ta" dậy từ 5h sáng nấu cơm cữ cho vợ

Thảo Nguyên - Ngày 02/10/2023 09:00 AM (GMT+7)

Dù có bà nội, bà ngoại luôn ở bên túc trực nhưng người chồng này mỗi ngày đều tự tay chăm sóc vợ bầu và ở cữ mới yên tâm toàn tập.

6 năm hiếm muộn và hành trình mang thai vất vả phải nhiều lần vào viện cấp cứu

Sau 6 năm kết hôn, vợ chồng chị Lê Thị Hồng Trang, 30 tuổi và anh Trần Quang Diệu, 36 tuổi (TP. Vũng Tàu) mới được đón con trai đầu lòng. 

Người vợ Vũng Tàu cho biết, vợ chồng chị gặp khó khăn về con cái nên sau 6 năm kết hôn họ mới có tin vui. Ngày biết tin có bầu là ngày mà cả 2 đều bật khóc vì quá đỗi hạnh phúc.

“Mình giấu chồng thử que trước ngày, khi thấy que hiện lên hai vạch đậm mình bật khóc vì hạnh phúc. Cả mình và anh đều không giấu được sự xúc động trong khoảnh khắc ấy”, chị Trang nhớ lại.

Lê Thị Hồng Trang, 30 tuổi. (Ảnh: NVCC)

Lê Thị Hồng Trang, 30 tuổi. (Ảnh: NVCC)

Suốt thai kỳ, chị Trang gặp rất nhiều khó khăn. 5 tuần đầu khi mới biết có thai, chị đã bị viêm họng sốt 39 độ phải vào viện cấp cứu. Bác sĩ chỉ định cho uống thuốc hạ sốt khiến chị rất lo sợ sẽ ảnh hưởng đến bé vì thời điểm ấy siêu âm kiểm tra vẫn chưa có tim thai.

Ở thai kỳ 16 tuần, chị Trang lại bị sốt phải nhập viện cấp cứu. Lần này chị bị sốt siêu vi, nhập viện điều trị 5 ngày nhưng may mắn em bé vẫn khỏe mạnh.

Mới xuất viện về nhà được 2 tuần, ở tuần thai thứ 18 chị bị ra máu ồ ạt phải nhập viện cấp cứu. Trên đường đến bệnh viện, vì quá hoảng sợ mẹ bầu đã khóc rất nhiều. Cũng may bên cạnh luôn có anh xã động viên, trấn an nên chị mới bình tĩnh hơn.

“Bác sĩ siêu âm chuẩn đoán mình bị rau bám thấp, doạ sảy thai. May mắn sau 3 ngày theo dõi mọi thứ ổn định mình được xuất viện”, chị Trang kể.

Anh xã đưa chị Trang đi khám thai kỳ. (Ảnh: NVCC)

Anh xã đưa chị Trang đi khám thai kỳ. (Ảnh: NVCC)

Suốt từ đó đến lúc sinh, ngoài lúc đi khám thai ra chị Trang không dám đi chơi xa, không dám chạy xe máy, không dám vận động mạnh chỉ quanh quẩn ở nhà. Khi sinh nở cũng hết sức khó khăn vì chị Trang không có dấu hiệu sinh thường, bác sĩ tiên lượng sức khoẻ không ổn định nên chỉ định mổ gấp.

Chồng người ta luôn bên vợ, lúc mang thai và ở cữ 1 tay chăm sóc nấu nướng để hợp khẩu vị vợ nhất

Chị Trang cho biết, từ lúc biết tin vợ có bầu, tất cả mọi việc trong nhà từ đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, anh xã đều làm hết để vợ không phải làm bất cứ việc gì ngoài ăn uống, nghỉ ngơi.

Trong khi đó, anh xã chị Trang làm quản lý 1 công ty xây dựng, công việc rất bận rộn. Cộng thêm chỗ làm của chồng cách nhà 25km nên anh toàn đi lúc sáng sớm, chiều muộn mới về. Dù vậy chồng chị luôn sắp xếp công việc để đồng hành cùng vợ trong suốt quá trình mang thai cũng như thăm khám, chưa khi nào để vợ đi một mình.

amp;#34;Chêamp;#34; bà nội bà ngoại nấu ăn không đúng cách, amp;#34;chồng người taamp;#34; dậy từ 5h sáng nấu cơm cữ cho vợ - 3

Những mâm cơm cữ được chồng dậy từ 5h sáng nấu nướng cho vợ ở cữ ăn nóng hổi. (Ảnh: NVCC)

Những mâm cơm cữ được chồng dậy từ 5h sáng nấu nướng cho vợ ở cữ ăn nóng hổi. (Ảnh: NVCC)

Thậm chí để nấu ăn cho vợ ở cữ, 1 tuần 1 lần anh Diệu sẽ tranh thủ đi chợ vào cuối tuần mua thực phẩm tươi sống. Sau đó, anh mang về sơ chế rồi phân loại vào từng hộp để tủ đông. Riêng rau, củ, quả, trái cây thì anh mua hàng ngày sau khi tan làm về.

“Vì nấu ăn thường xuyên nên chồng không gặp khó khăn trong việc lên thực đơn. Anh thường nghĩ gì nấu món đó. Những món hầm cần nhiều thời gian anh sẽ chuẩn bị từ tối hôm trước, các món đơn giản sẽ được anh sơ chế và nấu lúc 5h sáng mỗi ngày. Bữa tối được anh nấu sau khi tan làm về”, người vợ đang ở cữ kể lại.

Dù có bà nội - ngoại hỗ trợ nhưng anh xã vẫn tự tay nấu để hợp khẩu vị vợ nhất. (Ảnh: NVCC)

Dù có bà nội - ngoại hỗ trợ nhưng anh xã vẫn tự tay nấu để hợp khẩu vị vợ nhất. (Ảnh: NVCC)

Người vợ 30 tuổi này cũng cho biết, mặc dù có bà ngoại, bà nội hỗ trợ hàng ngày nhưng anh xã luôn tự tay nấu nướng để vợ được ăn nóng và hợp khẩu vị nhất: “Nhiều lần thấy các bà nấu và chế biến không đúng cách khiến món ăn vừa không ngon lại không đảm bảo dinh dưỡng nên anh muốn tự tay nấu để hợp khẩu vị với vợ nhất. Vì muốn vợ được ăn đầy đủ các nhóm dinh dưỡng, anh cũng dành thời gian tìm hiểu thêm trên mạng các món ăn tốt cho mẹ sau sinh, nhờ đó mà nấu các món cũng đa dạng hơn cơm cữ truyền thống của các bà đẻ ngày trước”.

Đi làm từ sáng sớm đến chiều tối về anh xã vẫn luôn tay giặt quần áo, chăm con giúp vợ. (Ảnh: NVCC)

Đi làm từ sáng sớm đến chiều tối về anh xã vẫn luôn tay giặt quần áo, chăm con giúp vợ. (Ảnh: NVCC)

Mỗi chiều tối đi làm về ngoài lao vào bếp nấu cơm cữ cho vợ, anh còn cố gắng hỗ trợ vợ chăm con khi có thời gian rảnh vào buổi tối, ban đêm và ngày nghỉ cuối tuần.

Nói về người chồng số 1 không có nhưng, chị Trang hạnh phúc: “Chồng mình không chỉ nấu ăn ngon, chăm làm việc nhà, yêu thương vợ con mà còn rất giỏi nữa. Mình vừa yêu vừa rất ngưỡng mộ chồng.

Niềm hạnh phúc của vợ chồng sau khi 6 năm hiếm muộn được bế con trong tay. (Ảnh: NVCC)

Niềm hạnh phúc của vợ chồng sau khi 6 năm hiếm muộn được bế con trong tay. (Ảnh: NVCC)

Mình cũng biết, cuộc sống còn dài nên không dám nói trước điều gì nhưng hiện tại mình rất hạnh phúc, hài lòng với những gì đang có. Mỗi ngày trôi qua đều thầm cảm ơn cuộc đời đã cho mình gặp được đúng người, đúng thời điểm. Mình đều rất trân trọng tất cả mọi điều chồng đã làm cho mẹ con mình”.

Con dâu ở cữ ngày nào cũng tốn 200 ngàn nên tôi đuổi về ngoại, 6 tháng sang đón thông gia nói 1 câu mà tôi tím mặt
Hôm trước khi con dâu ở cữ sắp tròn 6 tháng phải đi làm trở lại sau sinh thì tôi mới lò dò sang nhà bà thông gia đón 2 mẹ con nó về nhà.

Tâm sự bà bầu

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề thực đơn cơm cữ