Bác sĩ sản khoa kể chuyện trực Tết mổ cấp cứu 20 ca, có ca chưa kịp đeo găng tay em bé đã đòi ra

Thảo Nguyên - Ngày 18/02/2024 14:00 PM (GMT+7)

Khi chấp nhận làm nghề bác sĩ sản khoa đồng nghĩa với việc các bác sĩ phải trải qua những tất bật trong các ca trực, giúp sản phụ mẹ tròn con vuông.

Với những người làm nghề bác sĩ sản khoa như Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Kiều Tiến Quyết - Khoa Phụ sản 2, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), chuyện trực Tết, đón Giao thừa ở bệnh viện không chỉ là một phần công việc mà còn là niềm vui, niềm hạnh phúc bởi họ là người được đón những công dân đầu tiên của năm mới. Nhân ngày đầu năm cùng lắng nghe cuộc trò chuyện của nam bác sĩ sản khoa với nghề đặc biệt này.

Bác sĩ sản khoa kể chuyện trực Tết mổ cấp cứu 20 ca, có ca chưa kịp đeo găng tay em bé đã đòi ra - 1

Cơ duyên nào đưa bác sĩ đến với nghề này?

Sau khi học bác sĩ 6 năm và học bác sĩ nội trú, thạc sĩ 3 năm tôi ra trường và làm tại viện Thanh Nhàn đến nay được 5 năm. Trước tôi không có ý định đi chuyên ngành này nhưng chắc do có duyên với nghề, với tôi nghề chọn người. Bởi khi thi bác sĩ nội trú tôi còn mỗi 1 hồ sơ để nộp vào chuyên ngành sản nên mới đăng ký thi sản mà không có nguyện vọng khác.

Làm bác sĩ sản khoa, số lần đón giao thừa cùng gia đình chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay? Tết ở bệnh viện của các bác sĩ khác biệt như thế nào?

Thường thì bác sĩ chúng tôi Tết năm nào cũng sẽ ở viện, nhưng vì trực nhiều thành quen nên gia đình và người thân cũng hiểu, thông cảm.

3 năm nội trú và 5 năm đi làm thì cả 8 năm tôi đều trực ở viện 1-2 ngày vào dịp Tết. Có những năm trực Tết vất vả có những năm không nhưng đa phần là được 2-3 tiếng đón Tết trọn vẹn ấm cúng với các đồng nghiệp trong ca trực. Tết ở viện vẫn có những lời chúc năm mới, những màn lì xì may mắn đầu năm không mấy khác biệt so với khi đón Tết cùng gia đình.

Có những năm bác sĩ sản khoa như tôi phải trải qua một buổi trực Tết rất vất vả. Tôi nhớ nhất có năm 1 buổi trực Tết mà phải sang Việt Đức hội chẩn 4-5 ca, mổ cấp cứu đến 20 ca sản phụ/đêm. Tôi và các đồng nghiệp thở không ra hơi mà bệnh nhân cứ ùn ùn vào viện.

Bác sĩ sản khoa kể chuyện trực Tết mổ cấp cứu 20 ca, có ca chưa kịp đeo găng tay em bé đã đòi ra - 2

Bác sĩ có thể kể về 1 ca trực gay cấn nhất vào dịp Tết mà anh từng trải qua?

Tôi còn nhớ một năm trực Tết, suýt chút nữa phải đỡ đẻ tại chỗ. Sản phụ đó mang thai 39 tuần, nhà cũng không xa lắm chỉ cách viện khoảng 20km. Nhưng lần đầu sinh con nên sản phụ hơi chủ quan, đau bụng từng cơn nhưng định đợi đau nhiều mới đi khám.

Khi đi thì nhà lại bị hỏng xe nên sau đó phải bắt xe taxi đến viện. Trước khi đến, bệnh nhân có liên lạc trước với bác sĩ nhưng thấy bệnh nhân đau nhiều lại đi lâu nên các bác sĩ chủ động đẩy cáng xuống đến tận cổng để đón.

Vừa lên đến khoa, bệnh nhân kêu mót dặn quá nên bác sĩ vừa chuyển vừa phải làm bệnh nhân bình tĩnh trở lại. Lên đến khoa chưa kịp làm thủ tục xét nghiệm thì phải đưa thẳng vào phòng đẻ. Lên bàn đẻ, bác sĩ không kịp đeo găng đã phải đón em bé chào đời.

Thật may mắn là em bé và sản phụ đều khỏe mạnh. Bệnh nhân còn đi một mình không kịp gọi người nhà, không kịp mang quần áo. Vì thế sau sinh, bác sĩ và y tá mỗi người 1 việc, người đi lấy sữa trữ trong kho sữa mẹ để hâm và cho bé ăn, người lấy quần áo thay cho mẹ và bé, người thì khám em bé.

Bác sĩ có từng trải qua những cái Tết không phải trực giao thừa ở viện nhưng vẫn phải đi đỡ sinh hay phẫu thuật cấp cứu bất đắc dĩ cho sản phụ chưa?

Ngành sản cũng giống như những ngành khác và có nhiều đặc thù riêng, đặc biệt là trước các bệnh nhân yêu cầu đỡ sinh. Bản thân tôi là bác sĩ sản khoa và cũng may mắn được các mẹ bầu tin tưởng. Vì thế có những cái Tết Nguyên Đán dù không phải trực nhưng tôi cũng phải lóc cóc đến viện mổ cho 6-7 ca sản phụ. Đến nỗi cả tua trực còn hay nói đùa rằng, tôi là nhân lực đến tăng cường cho mọi người.

Bác sĩ sản khoa kể chuyện trực Tết mổ cấp cứu 20 ca, có ca chưa kịp đeo găng tay em bé đã đòi ra - 3

Trong công việc hàng ngày của mình, hẳn bác sĩ đã từng gặp những câu chuyện bi hài của các gia đình sản phụ muốn chọn giờ sinh đẹp cho con nhân dịp năm mới?

Giờ tuy dân trí ngày càng cao nhưng các gia đình trẻ cũng ngày càng cầu toàn và cẩn thận hơn. Vì thế nhiều sản phụ sinh con cũng muốn chọn ngày chọn giờ đẹp để con sinh ra may mắn, hạnh phúc.

Là bác sĩ sản, tôi từng tiếp xúc và gặp gỡ với nhiều mẹ bầu nhất quyết chọn ngày giờ để mổ sinh, nhất là trong những ngày cuối năm và những ngày đầu năm mới. Lúc đó, tôi thường chia sẻ với các bệnh nhân những mặt lợi, hại của việc đẻ mổ theo giờ để sản phụ và gia đình đặt lên bàn cân đánh giá. Tôi cũng trao đổi với người nhà để họ hiểu được nguy cơ của việc mổ đẻ đến sức khoẻ và lần mang thai tiếp theo. Thậm chí, thỉnh thoảng thay vì mổ đẻ chọn giờ thì tôi cho sản phụ sinh thường chọn giờ để tốt cho sức khỏe bệnh nhân sau sinh nhất.

Tết với những bác sĩ sản khoa trực giao thừa vẫn là những lúc tất bật suốt đêm, đỡ sinh, mổ, làm bệnh án, thực hiện các thủ thuật... nhưng vẫn thấy hạnh phúc mà không phải nghề nghiệp nào cũng có được. Những hạnh phúc giản dị của 1 bác sĩ sản khoa như anh là gì?

Đó chính là được nhìn thấy những em bé khoẻ mạnh chào đời, nụ cười hạnh phúc của các sản phụ và gia đình. Những hình ảnh đó thật sự luôn thiêng liêng, hạnh phúc. Những thời điểm ấy, bác sĩ sản khoa như chúng tôi cũng có thể thở phào trước áp lực vừa trải qua.

Bác sĩ sản khoa kể chuyện trực Tết mổ cấp cứu 20 ca, có ca chưa kịp đeo găng tay em bé đã đòi ra - 4

Những nhắn nhủ của bác sĩ sản khoa đối với các sản phụ sắp đến ngày vượt cạn muốn mẹ tròn con vuông trong năm mới Giáp Thìn 2024?

Niềm mong ước của tôi là được giúp nhiều mẹ, làm được những gì mình muốn làm tốt nhất cho bệnh nhân và hàng ngày tôi vẫn không ngừng học tập để làm điều đó, mong mọi điều hạnh phúc, may mắn đến với các các bà bầu.

Tôi cũng mong các mẹ bầu luôn là các mẹ thông thái, trang bị kiến thức, tự tin, vững vàng để có thai kỳ an toàn, khỏe mạnh, vượt cạn suôn sẻ.

Cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện đầu năm này, chúc anh và gia đình năm mới nhiều sức khỏe, vạn sự như ý!

Nam bác sĩ sản từng làm phụ hồ kể chuyện trực Tết phải mở cửa sổ nhìn trộm pháo hoa
Cái Tết đầu tiên trực ở viện, bác sĩ Khải vẫn còn nhớ những háo hức chờ đợi vừa trông nom bệnh nhân vừa mở cửa sổ nhìn trộm pháo hoa giao thừa.

Tết nguyên đán

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện đi đẻ