Một nam thanh niên 26 tuổi chưa từng có kinh nghiệm tình dục nhưng bác sĩ lại nghi ngờ mắc bệnh tình dục.
Tay vịn trên xe buýt, tay vịn trên thang cuốn và thậm chí cả tay nắm cửa được các bác sĩ coi là vật dụng công cộng bẩn hơn nhà vệ sinh. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn được nhắc nhờ phải rửa tay sạch sẽ.
Bác sĩ Qiu Hongjie, giám đốc Trung tâm sức khỏe nam giới của Bệnh viện liên kết với Đại học châu Á đã chia sẻ về một trường hợp mắc bệnh vì những thứ đồ vật công cộng này. Một chàng trai 26 tuổi đến phòng khám và kêu ca về việc bao quy đầu và bộ phận sinh dục bị sưng. Mỗi khi đi vệ sinh, anh đều thấy nóng rát và đau đớn, thậm chí có lúc còn thấy có tiết dịch màu vàng.
Nam thanh niên bị đau rát "cậu nhỏ" khi đi vệ sinh nên đã tới bệnh viện khám. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Qiu Hongjie nghi ngờ thanh niên trẻ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Người đàn ông khẳng định rằng anh chưa từng quan hệ tình dục, điều này khiến bác sĩ ban đầu có chút bối rối. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy anh đã nhiễm trùng do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Sau đó, bác sĩ hỏi gần đây anh có đi massage hay dùng chung khăn lau với ai hoặc có sở thích giải trí nào không?
Lúc này, người đàn ông mới nghĩ lại và cho biết có sở thích bơi lội. Mỗi khi bơi xong thường tắm luôn ở nhà tắm công cộng tại bể bơi được che bằng rèm tắm. Anh cũng cho biết cái rèm này khá bẩn. Sau khi nghe kể, bác sĩ Qiu Hongjie nghi ngờ có thể rèm tắm ở nhà tắm công cộng đã dính tụ cầu khuẩn từ một ai đó lây nhiễm sang. Nam bệnh nhân sau khi kéo rèm bằng tay, tay của anh đã nhiễm vi khuẩn và vô tình chạm vào bộ phận sinh dục khi tắm rửa nên mới mắc bệnh.
Chàng trai đã nhiễm tụ cầu vàng ở trong rèm tắm tại phòng tắm công cộng. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Qiu Hongjie chỉ ra rằng rèm tắm ở nhiều nơi công cộng ít khi được thay mới và vệ sinh hàng ngày. Nhiều nơi còn để rèm tắm bị mốc, đổi màu, dưới sự tiếp xúc của nhiều người sẽ dễ dính các loại vi khuẩn, trong đó có cả tụ cầu vàng.
Các tụ cầu vàng nói chung là vô hại trừ khi chúng xâm nhập vào cơ thể thông qua vết cắt hoặc vết thương khác, và thậm chí sau đó chúng thường chỉ gây ra các vấn đề nhỏ về da ở người khỏe mạnh. Trên 1 số đối tượng đặc biệt như suy giảm miễn dịch, nằm viện lâu ngày,... tụ cầu vàng từ ngoài da xâm nhập và bên trong cơ thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng tại một số cơ quan gây ra nhiều hệ lụy như viêm mô tế bào, viêm cân hoại tử nặng hoặc nhiễm trùng huyết.
Những vi khuẩn này cũng có thể được truyền từ người sang người khác. Do vi khuẩn tụ cầu rất khỏe mạnh, chúng có thể sống trên các vật dụng như gối hoặc khăn đủ lâu để lây qua người kế tiếp chạm vào chúng và có thể tồn tại trong môi trường nhiệt độ cao, không bị phá hủy bởi muối.
Dấu hiệu bị nhiễm tụ cầu vàng
- Triệu chứng điển hình của nhiễm tụ cầu trên da là bệnh chốc lở và hình thành những ổ áp-xe chứa đầy mủ, sưng đau và tấy đỏ, và thường là kèm theo chảy mủ.
- Nếu tụ cầu xâm nhập vào máu (gây nhiễm khuẩn huyết), các triệu chứng sẽ bao gồm sốt, ớn lạnh và hạ huyết áp. Nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng cũng có thể gây nhiễm trùng ở tim và van tim (viêm cơ tim). Nếu tụ cầu lưu thông trong máu, nó có thể được chuyển đến các hệ cơ quan trong cơ thể và gây các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, có thể nguy hiểm đến tính mạng, có thể dẫn tới sốc hay suy đa phủ tạng và gây tử vong.
- Những phụ nữ cho con bú có thể bị nhiễm một bệnh do tụ cầu gọi là chứng viêm vú, có thể đưa vi khuẩn vào sữa mẹ.
- Tụ cầu khi xâm nhập vào phổi có thể gây viêm phổi, khi vào xương nó có thể gây viêm tủy xương.
- Mọi người có thể bị ngộ độc thực phẩm khi ăn phải những thức ăn bị nhiễm tụ cầu vàng SA, khiến người bệnh bị nôn mửa dữ dội và có thể bị sốt.