Khi được thông báo mắc bệnh tình dục, nam thanh niên vô cùng bất ngờ và cho biết, bản thân không bao giờ quan hệ ngoài luồng nên sao có thể mắc bệnh?
Hoàng Tuấn (27 tuổi, ở Hà Nội) là một thanh niên khỏe mạnh, đã có gia đình. Gần đây, thấy cảm giác khó chịu ở “cậu nhỏ”, nhất là khi đi tiểu, Tuấn đến một bệnh viện tư nhân tại Hà Nội khám. Anh cho biết, ngoài tiểu buốt, tiểu rắt thì còn có hiện tượng có mủ hơi trắng vào buổi sáng giống như tinh dịch mặc dù bản thân không hề thủ dâm hay bị mộng tinh.
Sau quá trình thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lậu. Nghe xong kết luận, Tuấn bàng hoàng cho biết, từ trước đến nay anh chưa bao giờ “ăn phở” bên ngoài, nên không hiểu vì sao lại mắc bệnh. Lần gần nhất anh làm “chuyện ấy” với vợ đã cách ngày vào viện khoảng 1 tuần, cả hai hoàn toàn bình thường, cuộc yêu cũng không dấu hiệu bất thường.
Rất nhiều người không biết mình vì sao mắc bệnh dù trước đó không hề quan hệ ngoài luồng. Ảnh minh họa.
Sau khi nghe chia sẻ của bệnh nhân, bác sĩ khuyên trước mắt nên tập trung điều trị bệnh để đảm bảo sức khỏe và không bị biến chứng. Ngay sau đó, Tuấn cần chia sẻ với với vợ, động viên vợ đi khám hơn là cố gắng truy tìm nguồn lây bệnh.
Không chỉ lây qua đường quan hệ tình dục, bệnh lậu có thể lây qua đường máu hay từ mẹ sang con, qua tiếp xúc gián tiếp với đồ vật có vi khuẩn trú ngụ như nhà vệ sinh, vòi rửa tay, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, khăn tắm... Dịch nhày hoặc nước bọt, mủ của người bệnh dính trên các vật dụng đó hoàn toàn có thể tiếp xúc với môi trường mới nhanh chóng. Vì vậy, quan hệ tình dục an toàn, vệ sinh cá nhân và dùng riêng đồ dùng cá nhân là cách phòng bệnh an toàn và hiệu quả.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Y học giới tính, BV Đai học Y Hà Nội, cho biết thực tế khám chữa bệnh bác sĩ gặp không ít trường hợp tỏ ra bất ngờ, hốt hoảng khi được thông báo mắc bệnh tình dục. Thậm chí, có trường hợp chưa từng quan hệ cũng được chẩn đoán mắc bệnh này.
Theo bác sĩ Bắc, đa số mọi người đều nghĩ rằng, các tác nhân lây truyền bệnh tình dục chỉ lây khi có quan hệ thực sự. Nhưng thực tế, tình trạng lây truyền lại diễn ra rất phức tạp và qua rất nhiều con đường mà chúng ta không ngờ tới.
Dùng chung khăn tắm cũng là con đường lây bệnh tình dục rất nhanh chóng. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc chỉ ra một số con đường lây bệnh tình dục như sau:
- Lây qua tiếp xúc bộ phận sinh dục: Đây là con đường lây truyền chính của các tác nhân lây truyền qua đường tình dục giữa nam-nữ.
- Lây qua tiếp xúc miệng - bộ phận sinh dục nam-nam/nữ-nữ/ nam-nữ. Đây là đường lây truyền các bệnh tình dục rất phổ biến và phức tạp.
- Lây qua tiếp xúc bộ phận sinh dục-hậu môn: Đây là cách lây truyền giữa những người đồng giới không sử dụng biện pháp an toàn.
- Hôn hoặc tiếp xúc gần cơ thể: Có thể lây nhiễm rận mu, ghẻ, và u mềm lây.
- Lây từ mẹ sang con trước hoặc trong khi sinh: Giang mai, herpes, Chlamydia, bệnh lậu, virus suy giảm miễn dịch của con người (HIV), và u nhú ở người nhiễm (HPV).
- Cho con bú: Có thể lây nhiễm HIV.
Bác sĩ Hoài Bắc khuyến cáo mọi người nên biết được các con đường lây truyền, để từ đó tránh những hành vi có nguy cơ truyền hoặc nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.