Hai loại thực phẩm dưới đây là món ăn yêu thích của nhiều người nhưng có thể tiềm ẩn chất benzopyrene là chất gây ung thư loại 1.
WHO xếp Benzopyrene là chất gây ung thư loại 1
Tổ chức Y tế Thế giới đã liệt kê benzopyrene là chất gây ung thư loại 1. Trong phân loại chất gây ung thư, mức độ 1 có nghĩa là có bằng chứng y tế rõ ràng rằng chất này sẽ gây ra hoặc làm tăng nguy cơ ung thư ở người.
Benzopyrene, còn được gọi là benzo(a)pyrene, 3,4-benzopyrene, là một hydrocacbon thơm đa vòng. Trong số hơn 400 chất gây ung thư được biết đến trong cộng đồng y tế, hydrocacbon thơm đa vòng chiếm tới 50%. Trong số đó, benzopyrene xếp hạng đầu tiên về khả năng gây ung thư.
Benzopyrene là chất gây ung thư loại 1 có liên quan tới ung thư dạ dày và phổi. (Ảnh minh họa)
Benzopyrene có mối tương quan cao với ung thư dạ dày và ung thư phổi, nó cũng sẽ gây ra một số lượng lớn các đột biến trong cơ thể người trong thời gian ngắn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đột biến gen. Tổn thương DNA cũng có thể dẫn đến dị dạng tinh trùng.
Không chỉ vậy, benzopyrene có tính độc, có thể gây độc cho phôi thai, thậm chí có thể ảnh hưởng đến thế hệ sau thông qua sữa và nhau thai.
Và nó có thể được tìm thấy trong không ít thực phẩm mà chúng ta thường ăn như đồ chiên, nướng và hun khói. Khi thực phẩm được nấu ở nhiệt độ cao, các chất hữu cơ như chất béo, protein, cacbohydrat sẽ trải qua nhiều quá trình và cuối cùng tạo thành hydrocacbon thơm đa vòng (các amin dị vòng cũng sẽ được tạo ra khi thực phẩm bị cháy xém), benzopyrene cũng có trong số đó, nhưng nó là chất có hại nhất.
2 loại thực phẩm có thể chứa benzopyrene, cố gắng ăn ít hơn
Benzopyrene có thể tiềm ẩn trong thức ăn bạn yêu thích. Dưới đây là 2 loại thực phẩm có thể chứa benzopyrene, tốt nhất bạn nên ăn ít hoặc không ăn.
1. Thịt nướng, hun khói
Có bốn nguồn chính sản sinh ra benzopyrene trong thực phẩm nướng hay hun khói:
- Khi hun khói cá hoặc thịt, chất béo hoặc đường được đốt cháy không hoàn toàn sẽ tạo ra benzopyrene và các hydrocacbon thơm đa vòng khác. Một cân cá hun khói chứa 67 microgam benzopyrene.
- Trong phần cháy khét của thịt nướng cũng có chứa các amin dị vòng và hydrocarbon thơm đa vòng. Ví dụ, một cân da cá cháy có chứa 53,6-70 microgam benzopyrene.
- Khi thực phẩm được hun khói, mỡ trong nó sẽ bị ép ra và dưới nhiệt độ cao sẽ dễ tạo ra benzopyrene, sau đó được gắn vào bề mặt của thực phẩm.
- Khi nướng thực phẩm, bản thân than củi sẽ tạo ra benzopyrene, và khi khói than củi bốc lên, một lượng rất nhỏ sẽ xâm nhập vào thực phẩm.
Thực phẩm nướng, hun khói dễ sản sinh ra chất benzopyrene. (Ảnh minh họa)
Trong quá trình nướng thịt, khó có thể tránh khỏi sự xuất hiện của benzopyrene, nhưng thời gian và nhiệt độ của món nướng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hàm lượng của nó.
Chuyên gia Shen Lirong của Đại học Chiết Giang, Trung Quốc đã thực hiện một thí nghiệm có đối chứng. Trong thí nghiệm này, họ đã nướng các miếng cánh gà trong lò ở 180 độ C và 230 độ C và nướng trong 10, 20 và 30 phút. Sau đó, nhóm nghiên cứu chiết xuất benzopyrene trong phần thịt gà để kiểm tra. Kết quả thử nghiệm cuối cùng cho thấy:
- Ở 180 độ C, hàm lượng benzopyrene trong cánh gà ở 10, 20 và 30 phút tương ứng là 0, 1,2 và 3,6 (đơn vị: μg / kg).
- Ở 230 độ C, hàm lượng benzopyrene trong cánh gà ở 10, 20 và 30 phút tương ứng là 0, 2 và 5,4 (đơn vị: μg / kg).
Có nghĩa là, thực phẩm nướng ở nhiệt độ vừa phải không chứa benzopyrene, và nhiệt độ nướng càng cao, thời gian càng lâu thì hàm lượng benzopyrene càng cao.
Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư của Nhật Bản cũng đã tiến hành một nghiên cứu cho thấy chuột hamster ăn trực tiếp thức ăn cháy có thể gây ung thư gan, nhưng khi thức ăn cháy được trộn một phần nhỏ vào thức ăn, chuột không bị ung thư trong suốt cuộc đời của nó (trung bình là 2 năm).
Điều này cho thấy ăn thực phẩm cháy khét làm tăng nguy cơ ung thư và điều này liên quan đến liều lượng thức ăn chứ không phải 100% ăn đồ cháy sẽ gây ung thư kể cả khi ăn ít.
Ăn đồ nướng cháy thường xuyên có thể tăng nguy cơ ung thư. (Ảnh minh họa)
2. Thực phẩm chiên rán
Thực phẩm được chế biến từ nhiệt độ cực cao và chiên rán trong thời gian dài, sử dụng dầu chiên lại nhiều lần có thể tạo ra benzopyrene, đặc biệt là ở nhiệt độ 270 độ C. Thậm chí khói dầu từ quá trình chiên rán cũng chứa nhiều benzopyrene.
Ngoài chất benzopyrene, đồ ăn chiên lại nhiều lần hay chiên quá kỹ cũng sẽ tạo ra acrylamide. Tiêu thụ thực phẩm chứa acrylamide trong thời gian dài có thể dẫn đến suy giảm khả năng học tập, trí nhớ và chức năng nhận thức.
Vì vậy, lời khuyên cho bạn là nên ăn ít đồ chiên rán hàng ngày, không nên sử dụng dầu chiên lại nhiều lần. Ngoài ra cần chú ý đến nhiệt độ và thời gian khi nấu nướng.