Uống loại trà này tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản đến 90%, nếu làm thêm một điều càng nguy hơn

HOÀNG DƯƠNG - Ngày 24/10/2022 06:45 AM (GMT+7)

Uống trà rất có lợi cho sức khỏe nhưng riêng loại trà này được rất nhiều chuyên gia cảnh báo nên tránh xa.

Rất nhiều người có thói quen thưởng thức một hoặc hai tách trà nóng mỗi ngày, đặc biệt trong những ngày trời se lạnh. Không chỉ giúp làm ấm cơ thể, uống trà còn có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe như chống oxy hóa, ngừa lão hóa, ngừa ung thư...

Tuy nhiên có một loại trà được tất cả các chuyên gia cảnh báo không nên uống vì có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, đó chính là trà quá nóng. Một số nghiên cứu gần đây đã phát hiện mối liên hệ giữa việc uống trà quá nóng và một số loại ung thư.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng uống trà quá nóng, đặc biệt là với một lượng lớn, có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư thực quản, lên đến 90%. 

Uống trà nóng đến mức nào thì gây ung thư?

Để hiểu mối liên hệ giữa trà nóng và ung thư thực quản, điều quan trọng là phải hiểu thực quản. Thực quản là một ống cơ nối cổ họng với dạ dày. Khi bạn ăn hoặc uống, thức ăn hoặc chất lỏng sẽ đi xuống cổ họng, vào thực quản trước khi đi vào dạ dày. 

Khi uống trà quá nóng, bạn không chỉ có nguy cơ làm bỏng miệng hoặc cổ họng mà còn làm hỏng thực quản. Theo thời gian, điều này có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Vào năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một cảnh báo rằng chất lỏng nóng có thể là chất gây ung thư. Cảnh báo đề cập cụ thể về chất lỏng, đặc biệt là trà, được tiêu thụ ở nhiệt độ trên 70 độ C hoặc khoảng 150 độ F. 

Kể từ đó, các nghiên cứu tiếp theo đã xem xét nguy cơ của việc tiêu thụ chất lỏng ít nóng hơn một chút. Một nghiên cứu năm 2019 về những người uống trà ở Iran cho thấy tiêu thụ hơn 700ml trà mỗi ngày ở nhiệt độ 60 độ C (140 độ F) trở lên làm tăng nguy cơ ung thư thực quản lên 90%, so với những người uống ít trà hơn hoặc uống ở nhiệt độ thấp hơn.

Uống trà quá nóng kèm theo uống rượu, hút thuốc mới tăng khả năng ung thư

Tuy nhiên, một nghiên cứu y học khác cho thấy rằng chỉ uống trà quá nóng sẽ không đủ khả năng gây ung thư. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine đã phát hiện một lối sống khác có liên quan đến bệnh ung thư đó là nếu những người hút thuốc và uống rượu có thói quen uống trà quá nóng mới dễ mắc ung thư.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ hơn 456.000 người trưởng thành Trung Quốc trong độ tuổi từ 30 đến 79, những người không bị ung thư khi bắt đầu nghiên cứu. Mọi người được yêu cầu trả lời các câu hỏi về việc tiêu thụ trà, rượu và thuốc lá của họ. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người tham gia trong khoảng 9 năm để xem có bao nhiêu người đã mắc ung thư thực quản. 

Kết quả cho thấy những người thường xuyên uống trà quá nóng, hút thuốc và uống rượu có nguy cơ ung thư thực quản cao nhất. Những người thường xuyên uống trà và uống rượu hoặc hút thuốc cũng tăng nguy cơ mắc ung thư, nhưng không cao bằng nhóm đầu. Những người chỉ uống trà nóng không thấy nguy cơ ung thư tăng lên đáng kể.

Nghiên cứu chỉ mang tính chất quan sát, do đó không thể xác định được mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả. Nhưng các tác giả suy đoán rằng trà nóng có thể làm hỏng mô lót thực quản, điều này có thể làm tăng khả năng bị thương do các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc và uống rượu. Một yếu tố tiềm ẩn khác là trà nóng có thể góp phần tăng nguy cơ ung thư thông qua việc hình thành các hợp chất gây viêm, xảy ra sau khi bị kích thích lặp đi lặp lại đối với thực quản.

Phát hiện này cho thấy trà nóng có thể góp phần hình thành ung thư trong một số trường hợp thích hợp nhưng nó không phải yếu tố chính. Uống trà quá nóng kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác mới làm tăng nguy cơ, cụ thể là:

- Hút thuốc lá hoặc shisha 

- Uống rượu

- Dùng thuốc lá nhai

- Chế độ ăn thiếu lành mạnh

- Tiếp xúc với ô nhiễm không khí

Do đó, kết hợp thay đổi lối sống, chẳng hạn như bỏ hút thuốc, hạn chế rượu và để đồ uống nguội trước khi uống có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư.

Uống trà hay nước lọc hàng ngày sẽ tốt cho sức khỏe hơn?
Chỉ cần uống nước lọc là đủ, hay uống trà 100% khi khát mới là đúng?

Sống khỏe

HOÀNG DƯƠNG (Dịch từ Time, Heathline)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ung thư