Nhiều cặp vợ chồng sau thời gian chung sống bị mắc bệnh hiểm nghèo như nhau, vì sao lại như vậy?
Ông Phạm, 58 tuổi, người Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) gần đây đi khám phổi do thấy trong người có dấu hiệu bất thường. Qua các xét nghiệm, bác sĩ nói ông bị ung thư phổi. Bác sĩ hỏi về tiền sử bệnh thì biết vợ ông cũng bị ung thư phổi cách đây 4 năm và vẫn đang điều trị bằng liệu pháp nhắm trúng đích. Điều trùng hợp là loại khối u phổi của cả hai vợ chồng đều là ung thư biểu mô tuyến.
Vợ chồng có thể mắc cùng một loại ung thư. (Ảnh minh họa).
Vậy vợ chồng có lây ung thư cho nhau?
Trước hết phải làm rõ, ung thư là bệnh do sự tăng sinh và biệt hóa bất thường của tế bào mô người chứ không phải do virus hay vi khuẩn xâm nhiễm. Vì vậy, các khối u ung thư không truyền nhiễm, giữa vợ và chồng không có khả năng lây nhiễm cho nhau.
Nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng mắc ung thư cùng lúc là do vợ chồng chung sống với nhau, có môi trường sống, thói quen làm việc, nghỉ ngơi, chế độ ăn uống giống nhau... Lối sống của người này dễ ảnh hưởng đến người kia, khiến nguy cơ ung thư chia đều. Ví dụ người chồng thích hút thuốc và thường xuyên hút thuốc lá ở nhà, điều này sẽ khiến người vợ hít phải khói thuốc thụ động trong thời gian dài, khả năng mắc bệnh ung thư phổi của cả hai người sẽ tăng lên.
Ba loại ung thư vợ chồng dễ mắc chung
1. Ung thư gan
Viêm gan do virus như viêm gan B là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ung thư gan và virus viêm gan B (HBV) có tính lây lan. Vì vậy, nếu một trong hai vợ chồng nhiễm virus viêm gan B, qua tiếp xúc gần gũi hàng ngày, khả năng lây nhiễm của người còn lại rất cao.
Lúc này, nếu virus viêm gan B không được điều trị dứt điểm và bị kích thích liên tục vào các mô tế bào gan sẽ làm tăng nguy cơ xơ hóa gan, xơ gan và ung thư gan.
2. Ung thư dạ dày
Một số lượng lớn các tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiễm Helicobacter pylori ở người có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày và Helicobacter pylori cũng có khả năng lây nhiễm ở một mức độ nhất định.
Do đó, nếu một trong hai vợ chồng bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori thì khả năng lây nhiễm của người kia cũng sẽ tăng lên rất nhiều do tiếp xúc gần gũi trong cuộc sống.
Ngoài ra, các cặp vợ chồng chung sống, ăn uống cùng nhau, nếu một người thích ăn đồ chiên, đồ nướng, đồ hun khói và các thực phẩm chứa chất gây ung thư như nitrit, acrylamide thì "nửa kia" cũng dễ ăn loại này, đây là lý do quan trọng cho sự gia tăng nguy cơ xảy ra.
3. Ung thư đại trực tràng
Sự xuất hiện của ung thư đại trực tràng có liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống không lành mạnh của mọi người. Nếu vợ chồng thường xuyên cùng nhau ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều đường, nhiều chất béo thì gánh nặng với đại trực tràng cho cả hai bên sẽ tăng lên, hệ vi khuẩn đường ruột dễ bị mất cân bằng cũng tạo cơ hội cho các bệnh về đường ruột, xuất hiện các khối u ác tính.
Mặc dù những căn bệnh ung thư kể trên có khả năng đồng nhiễm ở các cặp vợ chồng, nhưng điều đó không có nghĩa là nếu một trong hai người mắc bệnh thì người kia chắc chắn sẽ mắc.
Bạn nên biết nguy cơ mắc ung thư do nhiều yếu tố tác động, ngoài môi trường thì thói quen sinh hoạt, di truyền, tiền sử bệnh tật bản thân… cũng là những yếu tố ảnh hưởng quan trọng.
Các cách đáng tin cậy để ngăn ngừa ung thư
- Duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm ăn uống điều độ, vận động thể lực vừa phải, tránh béo phì.
- Thường xuyên bố trí tiêm các loại vắc xin liên quan như vắc xin HPV, vắc xin viêm gan B.
- Nâng cao ý thức phòng bệnh và tầm soát ung thư thường xuyên.