Nhật Bản đứng thứ 2 trên thế giới về tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày, điều này có liên quan tới thói quen ăn nhiều thực phẩm chứa muối của họ.
Nhật Bản nổi tiếng có tuổi thọ cao nhất nhì thế giới nhưng không có nghĩa khỏe mạnh nhất, thậm chí đất nước này lại nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày cao nhất. Theo tổ chức nghiên cứu ung thư thế giới World Cancer Research Fund International, trong danh sách 10 quốc gia có tỷ lệ ung thư dạ dày và số ca tử vong do ung thư dạ dày cao nhất năm 2020, Nhật Bản đứng thứ 2, chỉ sau Mông Cổ.
Một phần lý do của tình trạng này liên quan tới thói quen tiêu thụ nhiều muối của người Nhật. Rất nhiều món ăn của quốc gia này có chứa nhiều muối như súp miso, các loại rau ngâm muối, trứng cá muối, chất bảo quản cá muối và cá khô hoặc muối. Mặc dù không phải món ăn nào cũng có lượng muối cao nhưng việc tiêu thụ quá nhiều và thường xuyên những thực phẩm chứa muối có thể dẫn tới hấp thụ quá mức.
Tuy nhiên, ở Nhật có một địa phương không chỉ tránh được căn bệnh ung thư dạ dày mà còn là một trong những khu vực có tuổi thọ cao hàng đầu ở quốc gia này đó là tỉnh Nagano.
Theo số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tuổi thọ trung bình của nam giới tại tỉnh Nagano là 80,88 tuổi và của nữ giới là 87,18 tuổi. Theo các chuyên gia, chính thói quen ăn uống khác biệt của người dân nơi đây so với phần còn lại của Nhật đã giúp họ tránh được sự lão hóa và bệnh ung thư.
1. Dùng giấm thay muối
Nhiều món ăn của người Nhật ngâm muối mặn. (Ảnh minh họa)
Cũng giống như các gia đình khác ở Nhật, mọi hộ gia đình ở tỉnh Nagano đều có thói quen ăn dưa chua nhưng chủ yếu là dưa chua do họ tự làm. Ngoài ra, người dân khu vực này cũng ăn các thực phẩm lên men khác như miso, natto.
Tác dụng đối với sức khỏe của thực phẩm lên men đã được nhiều chuyên gia công nhận, chẳng hạn như natto là nguồn cung cấp vi khuẩn axit lactic có nguồn gốc từ thực vật, giúp tăng vi khuẩn có lợi trong đường ruột và giảm sự phát triển của vi khuẩn xấu, từ đó cải thiện khả năng miễn dịch.
Tuy nhiên, thông thường các thực phẩm muối chua, lên men này rất mặn và cho nhiều muối, ăn thường xuyên dễ gây cao huyết áp và xơ vữa động mạch. Hơn nữa, ăn mặn có thể tăng nguy cơ ung thư dạ dày bằng cách làm vi khuẩn Hp phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Mặc dù cũng ăn nhiều các thực phẩm muối chua, lên men nhưng dưa chua ở tỉnh Nagano lại ít mặn hơn vì họ sử dụng ít muối và chủ yếu thay bằng giấm. Điều này không chỉ giảm được lượng muối, mà bản thân giấm còn có rất nhiều lợi ích cho cơ thể.
Masagi Yamagishi, giáo sư trường Y Đại học Kurume, Nhật Bản, người từng đoạt nhiều giải thưởng y tế về nghiên cứu lão hóa cho biết dùng giấm để nấu thức ăn có thể tránh được tình trạng lão hóa. Ngoài ra, giấm có chứa polyphenol, hóa chất thực vật có tác dụng chống oxy hóa có thể bảo vệ tế bào khỏi stress oxy hóa, một tác nhân có thể kích thích sự phát triển của khối u .Các nghiên cứu về tế bào và chuột cho thấy giấm có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư hoặc khiến tế bào khối u chết đi. Dù đây chỉ là nghiên cứu trên động vật nhưng cũng cho thấy tiềm năng về tác dụng của giấm với sức khỏe.
Thay thế muối bằng giấm khi ngâm các thực phẩm muối chua sẽ giúp giảm nguy cơ bệnh tật do thói quen ăn quá mặn gây ra. (Ảnh minh họa)
2. Làm việc nhiều hơn, đi bộ nhiều hơn và vận động nhiều hơn
Tại tỉnh Nagano, dân số nam giới trên 65 tuổi vẫn đang làm việc chiếm 38,5% toàn bộ dân số Nhật Bản và tỷ lệ người già có việc làm khá cao.
Các vấn đề về thể chất và tinh thần của người già Nhật Bản sau khi nghỉ hưu đã thu hút sự quan tâm rộng rãi trong những năm gần đây. Ngay cả sau khi nghỉ hưu, người dân ở tỉnh Nagano vẫn sắp xếp kế hoạch để làm việc và hoạt động nhiều hơn nhằm duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần.
Các nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất có thể cải thiện sức khỏe não bộ, giúp kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ bệnh tật, củng cố xương và cơ bắp, đồng thời cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Hoạt động thể chất còn làm giảm nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư phổ biến như ung thư bàng quang, vú, đại tràng, thực quản, dạ dày, phổi, thận,...
3. Ăn nấm thường xuyên
Sản xuất và sản lượng nấm của tỉnh Nagano đứng đầu Nhật Bản, cư dân trong tỉnh cũng thường xuyên ăn nấm. Tiến sĩ Kogan Hirokazu, giáo sư Nông nghiệp tại Đại học Shizuoka, Nhật Bản cho biết nấm nói chung rất giàu chất xơ, chứa khoáng chất kali giúp ổn định huyết áp và cũng giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng phòng ngừa bệnh cao huyết áp và xơ cứng động mạch.
Trong số các loại nấm ở tỉnh Nagano có nấm Hericium erinaceus hay còn gọi là nấm bờm sư tử được nhiều người chú ý.
Nấm Hericium erinaceus hay còn gọi là nấm bờm sư tử có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Nấm Hericium erinaceus được coi là cứu tinh của tuổi trẻ, có tác dụng làm giảm sự lão hóa của các mạch máu, giúp tổ chức lại môi trường đường ruột, giảm cholesterol xấu trong máu, nâng cao khả năng miễn dịch,… đồng thời có thể ngăn ngừa cục máu đông, giúp mạch máu lưu thông thông suốt.
Ngoài ra, nó cũng có tác dụng cải thiện trí nhớ và khả năng học tập, được cho là có thể ngăn ngừa chứng mất trí nhớ và đã thu hút được sự chú ý rộng rãi.