Thịt là thực phẩm được sử dụng hàng ngày nhưng nhiều người đang chọn sai loại khiến nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch, ung thư tăng lên.
Các loại thịt đa dạng như thịt lợn, thịt bò, thịt cừu, thịt gà, cá… là một phần trong chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, không chỉ cung cấp lượng protein phong phú mà còn cung cấp các chất dinh dưỡng như kẽm, sắt, DHA. Tuy nhiên, một số loại thịt không tốt cho sức khỏe vì có xu hướng chứa nhiều chất béo bão hòa và natri, nếu tiêu thụ thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2 và một số dạng ung thư.
Dưới đây là những loại thịt kém lành mạnh nhất mà bạn nên hạn chế.
1. Thịt ba chỉ lợn
Theo chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Elizabeth Shaw, mọi người nên hạn chế ăn thịt ba chỉ lợn vì chỉ trong một khẩu phần 3 ounce (85g), bạn sẽ nhận được 242 calo và 7 gam chất béo bão hòa.
Việc hấp thụ nhiều chất béo bão hòa có liên quan đến bệnh tim mạch và việc tiêu thụ thường xuyên các thực phẩm giàu chất béo bão hòa có thể khiến bạn có nguy cơ cao hơn. Nếu bạn thích thịt ba chỉ, chuyên gia Shaw khuyên bạn nên ăn một khẩu phần nhỏ hơn kết hợp với các thực phẩm giàu chất xơ, giàu chất dinh dưỡng khác như rau và đậu.
2. Cá kiếm
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến nghị nên ăn 8 ounce (hơn 226g) hải sản hàng tuần. Chuyên gia Shaw giải thích: “Mọi người nên tiêu thụ hải sản ít nhất hai lần một tuần để thu được lợi ích từ axit béo omega-3, nhưng cũng cần thận trọng khi lựa chọn hải sản vì không phải tất cả đều tốt như nhau”.
Ví dụ, cá kiếm là một trong những loại hải sản có hàm lượng thủy ngân cao nhất với 0,995 ppm. Tiêu thụ hàm lượng thủy ngân cao có thể gây hại đến sức khỏe và ảnh hưởng đến não. Thay vì loại bỏ hoàn toàn hải sản, hãy chọn những thực phẩm có hàm lượng thủy ngân thấp hơn như cá hồi hoặc tôm.
3. Các loại thịt chế biến sẵn
Các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, giăm bông, lạp xưởng, thịt đóng hộp... được sử dụng rất phổ biến.
Thịt chế biến là thịt đã được xử lý, hun khói hoặc dùng chất bảo quản hóa học. Mặc dù thịt chế biến sẵn có chứa thịt nhưng chúng không được khuyến khích ăn nhiều, nhất là cho trẻ em vì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng và cũng có thể liên quan đến ung thư dạ dày.
4. Ruốc thịt (chà bông)
Ruốc heo, ruốc cá, ruốc gà,... được nhiều gia đình sử dụng cho trẻ em ăn, thậm chí còn dùng trong giai đoạn trẻ ăn dặm vì tiện lợi, dễ ăn và được làm từ thịt nên cũng giàu dinh dưỡng. Nhưng thực tế ruốc thịt không hề có lợi như nhiều người tưởng. Dù bạn mua trực tiếp hay tự làm tại nhà thì việc chuẩn bị ruốc thịt vẫn tương đối tốn thời gian và thường yêu cầu các bước như nấu, chiên, nướng.
Việc nấu thịt ở nhiệt độ cao và trong thời gian dài sẽ sản sinh ra chất gây ung thư gọi là amin dị vòng (HCA). Theo một nghiên cứu năm 2009, nhiều loại amin dị vòng thực sự đã được tìm thấy khi ruốc heo được chế biến ở nhiệt độ 150 độ C.
Hơn nữa, hàm lượng dinh dưỡng trong ruốc thịt chưa chắc đã tốt cho sức khỏe. Thành phần của nó thường bao gồm nước tương, đường, rượu nấu ăn, muối, dầu ăn… Những thứ này không tốt cho sức khỏe của trẻ, đặc biệt là các bé dưới một tuổi.
Mặc dù trên thị trường có quảng cáo một số sản phẩm ruốc thịt cho trẻ em không chứa chất phụ gia, không thêm chất tạo màu hay bảo quản, không thêm hương vị nhưng khi xem bảng thành phần dinh dưỡng thì vẫn thấy có sự xuất hiện của đường và muối không hề nhỏ.
Tóm lại, tất cả các loại thịt đều là một phần trong chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, mọi người nên cố gắng chọn thịt tươi, tránh thịt đã qua chế biến và thịt chế biến ở nhiệt độ cao. Còn các loại ruốc thịt không phải là loại thay thế lý tưởng cho các loại thịt tươi, từ góc độ nguyên liệu chế biến và công nghệ chế biến, không nên ăn nhiều.