Cách bạn sinh hoạt hàng ngày, thói quen ăn uống... ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của dạ dày.
Dạ dày là cơ quan tiêu hóa quan trọng của cơ thể con người, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày. Cần lưu ý, yếu tố dinh dưỡng có tác động lớn đối với sức khỏe dạ dày. Nếu bạn ăn sai thực phẩm trong một thời gian dài, nguy cơ mắc các vấn đề về dạ dày sẽ tăng lên rất nhiều.
Trên thực tế, trong sinh hoạt và ăn uống hàng ngày, chúng ta thường mắc phải những sai lầm cơ bản:
Dùng thực phẩm nhiều muối
Chế độ ăn nhiều muối trong thời gian dài không chỉ gây hại cho sức khỏe tim mạch mà còn không thân thiện với sức khỏe dạ dày.
Ăn quá nhiều muối có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và có thể làm bong tróc các tế bào thành dạ dày. Tế bào thành là hàng rào bảo vệ sức khỏe của dạ dày. Một khi bị phá hủy, nó sẽ làm tăng nguy cơ viêm dạ dày, thậm chí có thể dẫn đến ung thư dạ dày trong những trường hợp nặng.
Muối không tốt cho dạ dày. (Ảnh minh họa).
Lời khuyên: Cần kiểm soát lượng muối ăn vào trong khẩu phần ăn của bạn, tốt nhất nên trong phạm vi 5 gam/người/ngày, tức là ít hơn lượng muối trong một nắp chai bia. Đồng thời, bạn cũng nên chú ý ăn ít thực phẩm có hàm lượng muối cao như dưa chua, kim chi, giăm bông, xúc xích, thịt xông khói...
Dùng thực phẩm nhiều đường
Các thành phần có liên quan trong một số đồ ngọt không chỉ phá vỡ sự cân bằng miễn dịch đường ruột và làm suy giảm chức năng hàng rào ruột mà còn phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột và tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn HP Helicobacter Pylori phát triển.
Ngoài ra, ăn quá nhiều thực phẩm nhiều đường cũng có thể liên quan đến chứng khó tiêu.
Lời khuyên: Tốt nhất nên kiểm soát lượng đường ăn vào hàng ngày không quá 25 gam, đồng thời cố gắng sử dụng ít hoặc không thêm đường khi nấu ăn tại nhà.
Khi mua thực phẩm, hãy chú ý đến nhãn trên bao bì và chọn những loại không chứa thêm đường. Ví dụ, khi danh sách thành phần bao gồm đường trắng, đường phèn, đường nâu, sucrose, glucose, fructose, xi-rô maltose, xi-rô ngô, xi-rô fructose, mật ong..., bạn ăn càng ít càng tốt.
Hút thuốc và uống rượu
Hút thuốc và uống rượu đều rất có hại cho sức khỏe và đều có thể gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Hút thuốc có thể làm giảm trương lực cơ của cơ thắt thực quản dưới và giảm tiết nước bọt. Trong khi đó, uống rượu có thể ảnh hưởng đến hiệu quả co bóp đồng bộ của thực quản, làm giảm đáng kể áp lực của cơ vòng thực quản dưới và có thể thúc đẩy quá trình tiết axit dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng nhu động ruột, dẫn đến suy giảm chức năng dạ dày, thực quản, gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Hút thuốc lá, uống rượu bia là một thói quen sinh hoạt sai. (Ảnh minh họa).
Hút thuốc và uống rượu lâu dài có liên quan đến sự xuất hiện của bệnh ung thư dạ dày. Khói thuốc lá chứa nhiều chất gây ung thư có thể gây ung thư dạ dày, rượu có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, gây tổn thương niêm mạc dạ dày và chảy máu, đồng thời có thể gây tổn thương gan, hệ thần kinh và hệ thống nội tiết nhất định, đặc biệt là rượu có nồng độ cồn cao còn có hại hơn.
Lời khuyên: Nên hút thuốc ít hơn và uống rượu ít hơn.
Ăn thực phẩm không hợp vệ sinh
Nếu không chú ý vệ sinh thực phẩm, bạn có thể bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori. Đây là yếu tố gây bệnh quan trọng trong các bệnh như loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính và ung thư dạ dày. Nó có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, ợ hơi, chướng bụng trên và trào ngược axit.
Lòi khuyên: Rửa tay kỹ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên khử trùng bộ đồ ăn hàng ngày, tránh ăn uống chung để giảm nguy cơ lây lan của Helicobacter Pylori.
Ngoài ra, bạn nên khám sức khỏe định kỳ và tìm cách điều trị kịp thời nếu phát hiện mình bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori.
Dùng một số loại thuốc
Sử dụng lâu dài một số loại thuốc cũng có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen...
Lời khuyên: Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, hiểu đầy đủ về tác dụng phụ của nó và đọc kỹ hướng dẫn.
Đây là điều bạn cần làm để bảo vệ dạ dày của mình
- Ăn nhiều trái cây và rau quả tươi
Trái cây và rau quả tươi không chỉ giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và nước mà còn cung cấp cho cơ thể chúng ta các thành phần chống oxy hóa phong phú, chẳng hạn như carotene, lycopene, anthocyanin, vitamin C... Những thành phần này có thể giúp chúng ta giảm tình trạng viêm nhiễm của cơ thể và bảo vệ sức khỏe dạ dày.
Nên tăng lượng rau trong khẩu phần ăn hàng ngày, chọn nhiều rau có màu sẫm và ăn rau họ cải thường xuyên.
Ăn nhiều hoa quả tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa).
- Thường xuyên ăn các sản phẩm từ đậu nành
Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành rất giàu isoflavone đậu nành. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng isoflavone đậu nành có thể gây ra apoptosis trong tế bào ung thư dạ dày và có tác dụng ngăn ngừa và chống lại ung thư dạ dày.
- Không ăn quá nhiều và nhai chậm
Kiểm soát lượng thức ăn bạn ăn trong mỗi bữa. Đừng ăn quá no, chỉ nên ăn no 70-80% để tránh làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa.
Nhai chậm và cẩn thận có thể kiểm soát lượng thức ăn ăn vào. Nhai thêm trong mỗi bữa ăn có thể khiến thức ăn được nhai kỹ hơn, tăng diện tích tiếp xúc giữa dịch tiêu hóa và thức ăn, giúp tiêu hóa dễ dàng hơn và giảm bớt gánh nặng trên đường tiêu hóa.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Nếu muốn bảo vệ sức khỏe dạ dày, bạn phải kiểm soát cân nặng của mình. Béo phì có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác nhau và cũng đóng một vai trò nhất định trong việc thúc đẩy sự phát triển của ung thư dạ dày.
Kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa thừa cân, béo phì không chỉ để có một vóc dáng đẹp mà còn vì sức khỏe của bạn.