Chủ quan để ung thư dạ dày thành giai đoạn cuối 10 năm trước, giờ người phụ nữ 42 tuổi sống khỏe nhờ một việc

DIỆU THUẦN - Ngày 14/07/2024 14:00 PM (GMT+7)

Xuất hiện dấu hiệu ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, nhưng chị Mai chủ quan, tự mua thuốc về uống và chữa theo mẹo dân gian, khi đến bệnh viện, bệnh đã bước sang giai đoạn cuối, tiên lượng sống chỉ còn 6 tháng.

 Hối hận vì bỏ qua giai đoạn đầu của ung thư

Mới đây, câu chuyện 10 năm sống khỏe với căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối trong nhóm sống khỏe với bệnh ung thư của chị Trịnh Thị Mai (41 tuổi, ở Hải Dương) nhận được sự quan tâm, ngưỡng mộ cũng như những lời chúc về sức khỏe của nhiều người. Trong đoạn chia sẻ, chị Mai viết: “Gửi anh! Người mà tôi ngày đêm căm ghét, không phải chỉ mỗi mình tôi mà tất cả mọi người trên thế gian này từ già đến trẻ, từ lớn đến bé, từ người giàu đến người nghèo đều ghét anh vô cùng tận. Vì anh mà chồng tôi phải lăn lộn vất vả gấp nghìn lần người khác. Vì anh mà các con tôi phải chịu thiệt thòi hơn chúng bạn.

Anh đã hủy hoại và lấy đi của tôi mọi thứ từ sức khỏe - kinh tế - nhan sắc. Anh cũng đã lấy đi mấy bộ phận trong cơ thể của tôi. Anh biến tôi thành gánh nặng của gia đình, người thân, bạn bè. Xin anh hãy buông tha cho tôi được sống vui, sống khỏe trong quãng đời còn lại bên gia đình của mình. Nhân đây, cũng mong anh hãy chuyển lời đến các bạn của mình rằng: đừng “yêu” tôi nữa, chả ai hoan nghênh các anh đâu”.

Chị Mai từng suy sụp, hối hận vì chủ quan khiến ung thư thành giai đoạn cuối 10 năm trước. Ảnh: NVCC.

Chị Mai từng suy sụp, hối hận vì chủ quan khiến ung thư thành giai đoạn cuối 10 năm trước. Ảnh: NVCC.

Nhân vật "anh" trong đoạn chia sẻ mà chị Mai nhắc đến là căn bệnh ung thư dạ dày. Chị cho biết, xưng như vậy là để quên đi căn bệnh quái ác mình đang mắc và như nhắc bản thân cần phải vui vẻ, lạc quan hơn. 

Chị Mai bắt đầu có dấu hiệu của bệnh ung thư từ cuối năm 2013, với triệu chứng nóng rát vùng thượng vị. “Tôi nghĩ, mình đã mắc ung thư dạ dày từ lúc này, nhưng vì chủ quan mình khỏe mạnh thì không bị bệnh nên cho rằng, nó là bệnh thông thường”, chị Mai nói. Vì vậy, chị tự mua thuốc về uống liên tiếp trong 3 tuần liền nhưng triệu chứng không giảm, mà các cơn đau diễn ra liên tiếp hơn.

Chị quyết định dừng uống thuốc tây, tự trị bệnh theo mẹo dân gian người quen mách như ăn trộm lá trầu không vào buổi sáng, uống rễ cây đinh lăng, uống thuốc nam mua từ Lào… ròng rã 4 tháng. “Tôi uống rất nghiêm ngặt, mà triệu chứng nóng rát vùng thượng vị vẫn không giảm, thậm chí các cơn đau diễn ra liên tục”, chị Mai nhớ lại.

Đến lúc này, chị mới đến bệnh viện tư gần nhà khám, bác sĩ chẩn đoán viêm hang vị, kê thuốc về uống thêm một thời gian. “Lúc uống thuốc thì các cơn đau giảm, hết thuốc nó lại đau. Các cơn đau mỗi lần một tăng và kéo dài”, chị Mai nhớ lại.

Chị Mai từng rất sợ mình chết vì ung thư, các con phải mồ côi mẹ. Ảnh: NVCC.

Chị Mai từng rất sợ mình chết vì ung thư, các con phải mồ côi mẹ. Ảnh: NVCC.

Tháng 5/2014, chị Mai mới đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám, nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện chị đã mắc ung thư dạ dày. Lúc này, chị vẫn không tin bản thân mắc căn bệnh quái ác nên đến Bệnh viện K nội soi một lần nữa, song nhận kết quả tương tự. Nghe bác sĩ kết luận, chị chết lặng, hối hận vì đã chủ quan.

Quyết tâm phải sống vì sợ 2 con còn nhỏ mồ côi mẹ

Các bác sĩ khuyến cáo, khối u của chị đã phát triển rầm rộ, di căn đến các bộ phận khác nên phải phẫu thuật cắt bỏ. Ca phẫu thuật của kéo dài 5 giờ. Các bác sĩ đã cắt dạ dày, vét hạch, lấy nhân di căn ở gan và mạc treo, cắt buồng trứng trái. Kết quả sinh thiết khối u của chị Mai đã ở giai đoạn cuối. Các bác sĩ tiên lượng, bệnh nhân chỉ còn sống khoảng 6 tháng, bởi tế bào ung thư đã di căn đến gan và mạc treo. Anh Mạnh - chồng chị Mai được bác sĩ mời vào gặp riêng, thông báo bệnh của vợ chỉ tính bằng tháng, bằng ngày nên gia đình cần “chuẩn bị tinh thần”.

Nghe tin dữ, một lần nữa chị Mai chị suy sụp, khóc nhiều, thương 2 con còn quá nhỏ, nếu mồ côi mẹ sẽ sống khổ. “Con lớn của tôi lúc đó đang học lớp 3, bé nhỏ mới 4 tuổi. Mổ xong, tôi như không còn sức lực nào nữa. 5 ngày sau, tôi mới có thể ngồi dậy. Nhìn các con còn nhỏ, chưa thể tự bảo vệ, tôi chỉ biết lặng lẽ nằm khóc”, người mẹ sinh năm 1982 nhớ lại. 

Chị Mai cho biết, bản thân chiến thắng ung thư là nhờ sự chăm sóc, yêu thương của chồng. Ảnh: NVCC.

Chị Mai cho biết, bản thân chiến thắng ung thư là nhờ sự chăm sóc, yêu thương của chồng. Ảnh: NVCC.

Sau đó, chị phải trải qua thêm 8 đợt truyền hóa chất, mỗi khi xong một đợt là mệt, đau và phải chịu các dụng phụ như đau bụng, nôn, buồn nôn, mất ngủ, không ăn được, bứt rứt từ trong xương, người gầy rộc (chỉ còn 37kg). Nhưng sợ 2 con phải mồ côi, thương chồng vất vả và nhìn thấy những bệnh nhân ung thư khác trong phòng ai cũng lạc quan, trò chuyện, hát líu lo với nhau, chị Mai tự nói với chính mình: phải sống. 

Chị Mai cho biết, nhờ có sự quyết tâm phải sống mãnh liệt của bản thân, sự tận tình cứu chữa của các y bác sĩ, sự chăm sóc yêu thương của gia đình 2 bên, nhất là chồng, chị đã vượt qua được 8 đợt hóa trị. Ngày 10/2/2015, chị được xuất viện. Các kết quả kiểm tra tổng thể và chỉ số ung thư lúc đó cũng đã ổn định. 

Có được tinh thần vui vẻ, lạc quan là nhờ tình yêu của chồng con

“Sức khỏe của tôi dần hồi phục sau 3 năm điều trị”, chị Mai nói, giọng vui vẻ. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, chị luôn lưu ý trong việc ăn uống, không kiêng khem, nhưng chị ăn các món ninh nhừ, mềm, dễ tiêu hóa. Sau mỗi bữa ăn chị không vận động, nói hay cười nhiều mà sẽ ngồi nghỉ trong vòng 25-35 phút để bụng không đau, khó chị hay bị đi ngoài phân sống.

Con trai chị Mai vừa nhận bằng tốt nghiệp THCS. Ảnh: NVCC.

Con trai chị Mai vừa nhận bằng tốt nghiệp THCS. Ảnh: NVCC.

Chị cũng vận động, đi bộ nhẹ nhàng mỗi ngày 30 - 60 phút để vừa rèn sức khỏe vừa giúp cơ thể trao đổi chất tốt, đồng thời tuân thủ tái khám theo khuyến cáo của bác sĩ  3 - 6 tháng/lần.

Đặc biệt, những năm qua, chị luôn sống vui vẻ, lạc quan, thường xuyên làm việc thiện, có điều kiện là đi du lịch với chồng con, bạn bè, người thân. “Đây chính là những điều đã giúp tôi sống khỏe với căn bệnh ung thư suốt 10 năm qua”, chị Mai nói và cho biết, lần tái khám vào ngày 11/6/2024, các kết quả xét nghiệm của chị đều ở mức bình thường.

Theo chị Mai, để chị có tinh thần lạc quan, vượt qua được bệnh tật đến ngày hôm nay là nhờ công lao và sự yêu thương chăm sóc của chồng và 2 con. Từ trường hợp của mình, chị  muốn nhắn gửi tới những người khác là: ung thư ko phải là án tử. Vì vậy, chúng ta hãy sống lạc quan và vui vẻ để chiến đấu với bệnh tật. “Trong quá trình điều trị ung thư, tôi luôn tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ trong bệnh viện, không bao giờ tin vào thuốc nam hay những lời quảng cáo chữa ung thư khác”, người phụ nữ quê Hải Dương nhắn nhủ. 

Những năm qua, chị Mai luôn sống vui vẻ, lạc quan, đi du lịch nhiều nơi. Ảnh: NVCC.

Những năm qua, chị Mai luôn sống vui vẻ, lạc quan, đi du lịch nhiều nơi. Ảnh: NVCC.

Theo Bệnh viện K, ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hoá phổ biến ở Việt Nam, số ca mắc mới không ngừng tăng. Điều khiến các y bác sĩ băn khoăn là đã có các dấu hiệu cảnh báo sớm như đầy tức bụng, chán ăn, giảm cân không rõ nguyên nhân, nôn ra máu, ợ chua (đau vùng thượng vị như chị Mai), đi ngoài phân màu bất thường… nhưng vì chủ quan khiến nhiều người phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém, thời gian sống thấp. 

Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người nên tầm soát ung thư định kỳ và đi khám khi có các biểu hiện bất thường. Khi không may mắc bệnh cần duy trì tâm lý tích cực, vui vẻ, lạc quan như chị Mai là điều tiên quyết  giúp cho việc điều trị bệnh tốt hơn.

Nữ giáo viên 43 tuổi phát hiện 2 bệnh ung thư cùng lúc, dấu hiệu hóa ra có từ 6 tháng trước nhưng ngó lơ
Phát hiện các bất thường ở ngực sau khi cai sữa cho con trai, chị Như nghĩ là do lượng sữa còn lại vón cục, nửa năm sau đi khám mới phát hiện thực tế...

Ung thư vú

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thói quen có lợi