Củ ấu là vị thuốc quen thuộc, nó có vị ngọt, tính mát. Có thể dùng để chữa được nhiều bệnh từ đơn giản đến phức tạp. Cách chế biến lại vô cùng đơn giản với nhiều món ăn ngon.
Củ ấu, còn gọi là ấu trụi, ấu nước, lãng thực... Là món ăn tuổi thơ quen thuộc của nhiều người. Cây ấu thuộc loại cây thủy sinh, sống dưới nước, thân cây ngắn có lông, có hoa màu trắng, mọc đơn lẻ ở kẽ lá. Quả thường gọi củ ấu có hai sừng, đầu sừng có hình mũi tên và sừng của củ ấu do các lá đài phát triển thành.
Nhìn bề ngoài, củ ấu có màu đen sì, hình dạng lạ lùng, nhưng phần thịt bên trong trắng phau, thơm bùi và vô cùng bổ dưỡng. Củ ấu, một loại thực phẩm quen thuộc, không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn ẩn chứa nhiều giá trị dinh dưỡng đáng kể.
Nhờ vào thành phần vitamin C và acid ferulic, ăn củ ấu thường xuyên hỗ trợ đường ruột người dùng chống viêm, kháng khuẩn hiệu quả. Đối với người bị các vấn đề về dạ dày, rối loạn hay bị viêm tá tràng, củ ấu càng phát huy nhiều lợi ích. Mặt khác, củ ấu cũng rất giàu chất xơ, cung cấp nhiều lợi khuẩn rất tốt cho hệ tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng. Củ ấu có vị ngọt thanh, tính mát, mang nhiều tác dụng giúp ích khí kiện tỳ, thanh khử, giải độc gan, giải độc say rượu và loại bỏ rôm sảy, giúp cơ thể bù lại chất điện giải đã mất khi bị tiêu chảy. Củ ấu được dùng trong các bài thuốc tỳ hư tiết tả, chu kỳ kinh nguyệt không đều, trĩ xuất huyết hay chống suy nhược cơ thể.
Một số món ăn chế biến từ củ ấu giúp giải độc gan
1. Củ ấu luộc
Làm sạch củ ấu trong bể trước, loại bỏ những củ mềm. Loại củ mềm thích hợp để ăn sống, sau khi nấu chín có vị chát, không ngon nên nhớ chọn loại củ già, vỏ cứng. Vớt củ ấu ra để ráo nước. Cho củ ấu vào nồi, thêm nước ngập mặt củ rồi đun sôi trên lửa lớn. Vỏ củ ấu tương đối dày, sau khi đun sôi tiếp tục đun ở lửa lớn trong 20 phút thì tắt bếp đun liu riu một lúc trước khi lấy ra khỏi nồi, khi đã không còn nóng nữa thì bạn có thể bắt đầu ăn.
2. Củ ấu xào với hạt đậu nành tươi
Củ ấu rửa sạch, bóc vỏ, ngâm vào nước ấm 1 lúc để loại bỏ lớp vỏ bên trong. Cách này giúp củ ấu không chuyển sang màu đen sau khi xào. Cho dầu ăn vào nồi, đun nóng dầu rồi cho đậu nành vào xào đến khi đổi màu thì cho củ ấu vào xào đều. Cuối cùng cho muối và rượu nấu vừa ăn rồi cho thêm chút nước sôi, đun sôi và đun nhỏ lửa trong 3 phút thì cho bột nêm vào cho hương vị thêm ngon ngọt rồi đổ đã đĩa thưởng thức.
3. Sườn heo om củ ấu
Rửa sạch sườn, cho vào nồi, thêm nước, hành lá, gừng và rượu nấu, chần qua, vớt ra rửa sạch và để ráo nước. Củ ấu gọt vỏ. Cho một ít dầu ăn vào chảo, cho đường phèn vào xào cho đến khi tan và có màu thì cho sườn vào xào từ từ trên lửa vừa. Sau khi sườn chín thì cho gừng vào, thêm nước mắm, hoa hồi, quế vào xào chung cho đến khi có mùi thơm. Sau đó cho nước sôi ngập sườn, đun nhỏ lửa một lúc, cho củ ấu vào đun sôi rồi vặn lửa vừa đến nhỏ đun trong 15 phút, sau đó chuyển sang lửa lớn để giảm bớt nước. Hòa 1 ít tinh bột rồi rưới vào món ăn, đun cho đến khi nước quánh lại, rắc chút hành lá xắt nhỏ lên trên để tăng thêm hương vị và đổ ra đĩa thưởng thức.
4. Canh xương củ ấu
Ngâm xương thịt trong nước một lúc. Sau khi ngâm, rửa dưới nước chảy rồi cho vào nồi. Thêm nước, hành tây, gừng cắt lát và rượu nấu vào, đun sôi trên lửa lớn, hớt bỏ bọt, vặn lửa nhỏ, đun liu riu cho đến khi xương chín mềm. Trong khi hầm xương, chúng ta rửa sạch củ ấu, thái mỏng rồi cho vào tô. Hãy nhớ chọn những củ ấu già để đảm bảo súp thơm ngon. Khi xương chín mềm cho củ ấu vào đun sôi trên lửa lớn, sau đó vặn lửa nhỏ đun khoảng 10 phút, thêm muối, nêm gia vị và dùng.
5. Chè củ ấu hạt sen
Món chè mang hương đồng gió nội, ngọt bùi, dịu nhẹ, ai ăn một lần cũng phải tấm tắc và nhớ mãi. Củ ấu sau khi đem luộc, dùng dao tách vỏ lấy phần thịt. Hạt sen nấu mềm cho đường phèn và nước lọc vào đun sôi liu riu, cho củ ấu và hạt sen vào sôi thêm chút là được. Khi ăn múc ra bát rồi rưới thêm nước cốt dừa lên.
6. Củ ấu hầm gà
Đùi gà rửa sạch, ướp muối, tiêu, chiên vàng khử với rượu vang đỏ, để riêng sang một bên. Chiên thịt gà, xào cà chua, hành tây, cà rốt, lá thyme cho thơm. Đổ nước vào nồi, cho củ ấu, gà vào nấu lửa nhỏ cho mềm. Nêm nếm vừa ăn. Làm sệt nước với bột mì. Múc gà hầm củ ấu ra dĩa. Dùng nóng với cơm, bún hay búnh mì đều ngon.
7. Củ ấu hầm sườn và củ sen
Sườn chặt nhỏ, rửa sạch sau đó đem ướp với gia vị gồm: muối, đường, tiêu khoảng 15 phút trước khi nấu thì sườn sẽ đậm đà hơn. Củ ấu tươi tách lấy thịt. Cho sườn vào xào sơ rồi đổ nước vào nấu.
Sau khi nước sôi, vặn nhỏ bếp, hầm thêm khoảng 10-15 phút cho sườn mềm hơn. Sườn sau khi hầm mềm cho củ ấu và củ sen vào hầm thêm đến khi ấu mềm là được. Tương tự, bạn cũng có thể chế biến củ ấu hầm chân giò, củ ấu nấu vịt,… cũng rất hấp dẫn và hao cơm.
8. Canh củ ấu nấu thịt
Rửa sạch thịt, thái miếng vừa ăn rồi ướp với 1/4 muỗng cà phê muối, 1/4 muỗng cà phê tiêu, 2 muỗng cà phê dầu hào, 1/2 muỗng canh rượu và 1/2 muỗng cà phê bột năng trong khoảng 10 phút. Nấm mèo ngâm nở, rửa sạch rồi cắt nhỏ. Cà rốt gọt vỏ, cắt lát mỏng. Củ ấu bóc bỏ vỏ, rửa sạch. Cho củ ấu vào nồi, thêm nước vào, đậy nấp rồi luộc chín củ ấu, sau đó vớt ra để ráo nước.
Làm nóng nồi với 15ml dầu ăn, cho gừng băm vào phi thơm rồi thêm cà rốt vào xào đều. Cho nấm mèo, củ ấu và 3 chén nước vào, khuấy đều, đậy nấp, đun sôi với lửa to. Nước sôi thì trút thịt đã ướp vào nấu đến khi thịt chín thì nêm 1/2 muỗng canh hạt nêm, 1/4 muỗng cà phê tiêu, khuấy đều rồi tắt bếp. Múc canh ra tô và dùng nóng với cơm. Món canh củ ấu chắc chắn sẽ khiến cho bữa cơm gia đình thêm phần mới lạ và ngon miệng.
9. Cháo củ ấu
Củ tươi bỏ vỏ 30g, gạo nếp 30g, đường vừa đủ. Nấu thành cháo, ăn 2 lần trong ngày. Chữa tỳ vị hư suy ở người cao tuổi, ăn uống khó tiêu, viêm ruột. Mùa hè trời nắng gắt, oi nồng thường gây một số bệnh: say nắng say nóng, cảm sốt, cơ thể bị mất nước, mệt mỏi, trẻ nhỏ bị rôm sảy, mụn nhọt… Vì vậy, cháo củ ấu là sự lựa chọn không gì thích hợp hơn.