Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một bệnh lý thường gặp hiện nay, có khả năng gây nguy hiểm và cả những biến chứng tử vong.
Bác sĩ tai mũi họng Ngô Chiêu Khoan từng điều trị cho một bệnh nhân 40 tuổi – anh Trương, anh Trương là nhân viên giao hàng, cao 1m70, nặng 100kg. Khi đến bệnh viện khám, anh Trương liên tục thở dài cho rằng “mình kém may mắn”, bác sĩ hỏi ra thì được biết trong vòng nửa năm anh bị tai nạn xe hơi 5 lần.
Bác sĩ Ngô Chiêu Khoan chia sẻ về trường hợp người đàn ông trong 6 tháng bị tai nạn xe hơi 5 lần chỉ vì hội chứng ngưng thở khi ngủ
Mỗi khi nằm xuống để ngủ thì không thể thở nổi, chỉ có thể ngủ trên ghế sofa, thời gian dài anh bị mất ngủ nên thường ngủ gật khi lái xe, dẫn đến gặp tai nạn liên tiếp. Sau khi bác sĩ kiểm tra mũi và miệng, phát hiện amidan của anh Trương phì đại biến thành 2 khối đỏ, cộng thêm gốc lưỡi dày, khiến đường thở bị tắc nghẽn, và không thể hít khí vào khoang mũi, chẩn đoán anh Trương bị “hội chứng ngưng thở khi ngủ”.
Anh Trương nói rằng, 6 tháng trước bản thân mình bị nhồi máu cơ tim nên phải cấp cứu ở bệnh viện, phát hiện có 2 mạch máu dẫn đến tim bị tắc nghẽn một phần, phải phẫu thuật. Bác sĩ Ngô giải thích rằng, có 20% tai nạn giao thông có liên quan đến rối loạn giấc ngủ, hội chứng ngưng thở khi ngủ là bệnh mà mọi người thường bỏ qua, nó không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ, hiệu quả làm việc, trên y học còn phát hiện làm tăng thêm bệnh liên quan đến tim mạch như nhồi máu cơ tim, tỉ lệ tử vong tăng gấp 3-8 lần.
Hình ảnh amidan phì đại chặn đường thở của người bệnh
Bác sĩ Ngô Chiêu Khoan cũng nói thêm, cũng có một bệnh nhân bị ngưng thở nghiêm trọng khi ngủ, thời gian dài phải dựa vào máy thở để giúp ngủ ngon, nhưng trong một chuyến công tác, người bệnh quên không mang máy thở, cũng không thể lên hệ được với người thân, cuối cùng phát hiện anh ta tử vong bởi nhồi máu cơ tim do thiếu oxy.
Các triệu chứng lâm sàng thường gặp của người ngưng thở khi ngủ là:
- Khi ngủ xuất hiện tiếng ngáy không ổn định đan xen tần số cao và tần số thấp.
- Ban ngày buồn ngủ và không tập trung.
- Dẫn đến tăng huyết áp.
- Khởi phát từng cơn đau đầu.
- Đi tiểu thường xuyên vào ban đêm thậm chí là “đái dầm”.
- Giảm ham muốn tình dục.
- Mộng du.
Ngáy là một trong những dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ
Khi đề cập đến "ngưng thở khi ngủ", bác sĩ Ngô Chiêu Khoan cũng cho biết: Bình thường đường hô hấp trên được nâng đỡ bởi các cấu trúc xương nhỏ, sụn bao quanh mũi và vùng hầu họng. Đặc điểm này giúp cho đường thở vẫn mở ra, không bị xẹp trong lúc ngủ, không khí vẫn lưu thông từ mũi và miệng vào trong phổi một cách dễ dàng.
Đối với người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, những thành phần mô mềm như lưỡi và sụn của vùng hầu họng bị tụt vào trong đường thở, kèm theo kích thước của đường hô hấp trên bị giảm do sự phì đại quá mức của mô mềm bao xung quanh. Đường hô hấp trên bị xẹp một phần hoặc hoàn toàn gây tắc nghẽn lưu lượng khí, kết hợp với giảm tín hiệu thần kinh đến các cơ hô hấp trong lúc ngủ và do đó gây ra ngưng thở.
Hiện tượng này gây giảm oxy và tăng khí CO2 trong máu. Nó sẽ hoạt hóa thần kinh giao cảm gây co mạch, tăng nhịp tim dẫn đến tăng huyết áp, suy tim sung huyết, loạn nhịp tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh lý mạch máu não.
Những người có nguy cơ cao mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ:
Ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở tuổi trung niên, tăng dần theo tuổi, nam nhiều hơn nữ. Những người có nguy cơ cao bị ngưng thở khi ngủ nếu có: béo phì (nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ gấp 3 lần người bình thường); bất thường về cấu trúc đường hô hấp trên (phì đại amiđan, hàm nhỏ, hàm ra sau, lưỡi quá to, tắc mũi…); nghiện rượu, sử dụng thuốc an thần, chất gây nghiện; trong gia đình có người bị ngưng thở khi ngủ; đang mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, nhược giáp, suy tim, bệnh mạch máu não…