Khi ăn dứa mà có các biểu hiện dị ứng, tiêu chảy, buồn nôn,... bạn nên dừng ngay để tránh gây hậu quả nghiêm trọng.
Dứa rất giàu vitamin và khoáng chất. Đây cũng là nguồn thực phẩm duy nhất giàu bromelain - một loại enzyme đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ để điều trị một loạt bệnh. Nghiên cứu hiện đại cũng phát hiện ra những tác dụng của bromelain với sức khỏe chẳng hạn giúp giảm sưng, trợ giúp tiêu hóa và giảm đau nhẹ.
Ngoài ra, dứa cũng rất giàu vitamin C. Theo các chuyên gia tại LiveScience, một cốc dứa tươi có thể chứa toàn bộ lượng vitamin C khuyến nghị mỗi ngày. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp loại bỏ các gốc tự do - nguyên nhân gây ra bệnh tim, một số bệnh ung thư và các dấu hiệu lão hóa.
Dứa cũng chứa nhiều thiamin giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Loại quả này cũng giàu chất xơ, chứa ít calo và không có natri hoặc chất béo. Chất xơ giúp bạn cảm thấy no và hỗ trợ quá trình đào thải độc tố.
Mặc dù dứa ngon và bổ nhưng không có nghĩa bạn có thể ăn thoải mái. Nếu ăn dứa mà có những biểu hiện dưới đây tốt nhất nên dừng ngay vì có thể bạn dị ứng dứa hoặc đã ăn quá mức cho phép.
1. Bị dị ứng ở miệng
Sau khi ăn dứa mọi người có thể cảm thấy rát lưỡi, ngứa lưỡi hay cổ họng. (Ảnh minh họa)
Ăn dứa có thể dẫn đến phản ứng dị ứng ở một số người. Căng hoặc sưng môi, cảm giác ngứa ran trong cổ họng hay lưỡi là những triệu chứng dị ứng do dứa gây ra. Hầu hết những phản ứng này sẽ tự hết trong vài giờ. Nhưng nếu các dấu hiệu mãi không thuyên giảm, bạn cần tới bác sĩ ngay lập tức.
2. Dị ứng trên da
Một số người dị ứng với dứa có thể bị phát ban, nổi mề đay hoặc khó thở. Nếu có những biểu hiện này nên ngừng ngay việc ăn dứa và theo dõi các biểu hiện để kịp thời đến bệnh viện. Tránh uống cả nước dứa nếu bạn gặp các triệu chứng này khi ăn dứa.
3. Các vấn đề dạ dày: ợ chua, buồn nôn
Lượng vitamin C cao trong dứa có thể gây buồn nôn, tiêu chảy hoặc ợ chua. Ngoài ra, bromelain trong dứa cũng có thể gây tiêu chảy, chảy máu kinh nguyệt quá nhiều hoặc phát ban trên da nếu bạn tiêu thụ quá mức.
Tính axit của dứa cũng có thể làm tăng triệu chứng ợ chua ở những người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Do đó, nên ăn dứa vừa phải để tránh bị những tác dụng phụ này.
4. Đường máu tăng
Đây là một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng của dứa. Dứa là một trong những loại trái cây có lượng đường tự nhiên rất cao, làm tăng lượng đường huyết trong cơ thể.
Hơn nữa, hầu hết các loại trái cây như dứa đều chứa carbohydrate. Trong ½ cốc dứa có 15 gam carbohydrate và chúng cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Các triệu chứng khi bị tăng đường huyết sau ăn dứa là nhức đầu, tăng cảm giác khát và đi tiểu thường xuyên.
5. Biểu hiện ngộ độc
Bạn chỉ nên uống nước dứa làm từ dứa chín. Dứa chưa chín có thể gây độc, tiêu chảy, nôn mửa nghiêm trọng.
6. Hỏng răng
Mặc dù dứa là một loại trái cây ngon và lành mạnh nhưng nó có thể gây mẫn cảm cho răng hoặc sâu răng. Axit citric và bromelain trong dứa có thể làm hỏng men răng của bạn, lâu dần dễ dẫn đến sâu răng nếu ăn quá nhiều dứa. Vì vậy nếu uống nước dứa trước khi ngủ có thể gây hại răng miệng trừ khi bạn vệ sinh răng cẩn thận và súc miệng trước khi ngủ.
7. Phản ứng bromelain
Bromelain là một loại enzyme được tìm thấy trong dứa. Bromelain có khả năng làm tăng số lượng một số loại kháng sinh được cơ thể hấp thụ. Và khi bromelain được tiêu thụ cùng với thuốc làm loãng máu, nó có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Buồn nôn, tiêu chảy và khó tiêu là các triệu chứng khác của phản ứng bromelain.
Mặc dù dứa không độc hại nhưng chúng có thể gây ra những tác dụng phụ, do đó mọi người chỉ nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải.