Một bà mẹ đã quyết định lên tiếng cảnh báo mọi người sau khi con gái qua đời 2 năm vì một “nụ hôn tử thần” với bạn trai.
Cô Micheline Durce đã nói về cái chết của con gái từ năm 2012 trên tờ Journal De Quebec của Canada.
Cô Micheline có cô con gái vô cùng xinh đẹp là Myriam Ducre-Lemay, 20 tuổi. Trước khi xảy ra sự việc đáng tiếc, cô con gái đã vui mừng khoe với mẹ rằng mình đang yêu. Sau đó Myriam đã xin phép mẹ tới nhà bạn trai để tham gia một bữa tiệc.
Sau những phút giây vui vẻ tại bữa tiệc, cả hai đã trao nhau một nụ hôn nồng cháy như bất cứ cặp đôi nào. Tuy nhiên chỉ vài phút sau khi hôn, cô gái trẻ bắt đàu có biểu hiện lạ, người bạn trai lập tức gọi điện cấp cứu. Mặc dù các bác sĩ nhanh chóng tới để cứu chữa nhưng Myriam vẫn không thể qua khỏi.
Các bác sĩ chẩn đoán Myriam đã bị sốc phản vệ do dị ứng. Được biết Myriam từ nhỏ đã bị dị ứng đậu phộng, vì thế cô không bao giờ dám ăn bất cứ thứ gì có món này.
Vậy nếu không ăn đậu phộng, tại sao cô gái trẻ lại bị dị ứng?
Hóa ra nguyên nhân thật sự đến từ người bạn trai. Tối hôm đó, trước khi hôn bạn gái, anh chàng đã ăn bánh mỳ sandwich với bơ đậu phông. Bản thân anh cũng không hề biết Myriam bị dị ứng bởi cô không hề kể với anh chuyện này.
Bình thường Myriam cũng luôn mang theo epipen- một loại thuốc bơm tự động epinephrine điều trị dị ứng bất ngờ, nhưng ngày hôm đó, cô đã không mang theo nên không thể cứu chứa kịp thời.
Sau sự việc đau lòng, bà mẹ Micheline đã quyết định chia sẻ câu chuyện nhằm cảnh báo mọi người hãy cảnh giác với căn bệnh dị ứng và luôn mang theo thuốc phòng ngừa.
Tiến sĩ Christine McCusker, người đứng đầu khoa dị ứng và miễn dịch tại Bệnh viện nhi Montreal cho biết các chất gây dị ứng có thể tồn tại trong nước bọt của một người 4 tiếng sau khi ăn. “Đó là lý do bạn cần luôn mang theo thuốc nếu không muốn ra đi sớm. Một điều quan trọng khác đó là bạn cần nói với mọi người rằng bạn bị dị ứng để họ biết bạn sẽ cần sự giúp đỡ khi cần.” Tiến sĩ chia sẻ.
Các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng thức ăn phổ biến nhất bao gồm:
- Nổi mề đay, ngứa;
- Ngứa ran hoặc ngứa trong miệng;
- Chóng mặt, choáng hoặc ngất xỉu;
- Thở khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở;
- Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hay nôn mửa;
- Sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể;
Sốc phản vệ: ở một số người, dị ứng thức ăn có thể kích hoạt một phản ứng dị ứng nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ. Điều này có thể gây ra các dấu hiệu đe dọa tính mạng và triệu chứng, bao gồm tình trạng co thắt và thắt chặt của đường hô hấp, cổ họng sưng hoặc cảm giác có khối u trong cổ họng làm khó thở, tụt huyết áp nghiêm trọng, chóng mặt, choáng hoặc bất tỉnh. Khi bị sốc phản vệ, người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt, sốc phản vệ có thể gây hôn mê hoặc thậm chí tử vong.
Bác sĩ Hồ Hạnh chia sẻ trên Sức khỏe đời sống: Ở người lớn, thực phẩm dễ gây dị ứng là: cá (đặc biệt là cá biển như cá nóc chẳng hạn) và các loại hải sản như tôm, cua, sò, ốc, đậu phộng (lạc), quả óc chó (tương tự hạt dẻ), trứng. Ở trẻ em, thường dị ứng với trứng, sữa (đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ), đậu phộng, đậu nành (đỗ tương), lúa mì, quả óc chó... Có thể nói tất cả thực phẩm đều có thể gây dị ứng, đặc biệt là thực phẩm giàu đạm (90% nguyên nhân). Dị ứng chéo xảy ra ở các thực phẩm có thành phần giống nhau. Như sữa, nếu đã dị ứng với sữa bò thì cũng có thể dị ứng với sữa dê, cừu, trâu, thịt bò. Nếu đã dị ứng với trứng gà thì cũng có thể dị ứng cả thịt gà, các loại bánh có sử dụng trứng... |