Ai cũng biết súc họng nước muối tốt nhưng dùng nước muối kiểu này chỉ ngày càng "nát họng"

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 14/12/2021 06:45 AM (GMT+7)

Rất nhiều người lạm dụng việc súc họng nước muối, thậm chí tự pha với nồng độ rất mặn với mong muốn sát khuẩn tốt. Tuy nhiên, việc làm này vô tình lại gây hại cho sức khỏe, thậm chí có trường hợp phải nhập viện.

TS.Bs.Trương Hữu Khanh

Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm Nguyễn Danh Đức cho biết, bác sĩ từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi gần 8 tuổi, ở Hà Nội phải nhập viện cấp cứu vì tình trạng sốt cao, khó nuốt… Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, bác sĩ Đức phát hiện họng cháu bé bị viêm nghiêm trọng, từ đó dẫn đến tình trạng sốt cao. Nguyên nhân là do bố mẹ tự pha nước muối cho con súc họng không đúng cách.

Nhiều người súc miệng bằng nước muối tự pha khiến họng bị tổn thương nghiêm trọng.

Nhiều người súc miệng bằng nước muối tự pha khiến họng bị tổn thương nghiêm trọng.

Bố bệnh nhi cho biết, do súc họng nước muối sinh lý mua từ hàng thuốc về thấy nhạt nên anh đã tự pha nước muối để cả gia đình vệ sinh vùng họng hàng ngày. Ông bố này nghĩ, việc nước muối càng mặn thì độ sát khuẩn càng cao, hơn nữa khi súc họng xong nhổ nước muối ra chứ không nuốt nên không đáng lo ngại. Tuy nhiên, khi bác sĩ Đức phân tích, ông bố này rất bất ngờ vì việc làm này đã khiến con phải nhập viện.

Một trường hợp khác là bà Hoàng Qúy (60 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội), sau súc họng bằng nước muối đóng chai 0,9% thấy rất nhạt, bà đã lấy 2 thìa muối sạch cho vào khuấy làm tăng độ mặn.

Bà Qúy súc họng nước muối tự pha nhiều lần/ngày. Tuy nhiên, càng súc bà càng cảm thấy khô và ngứa họng, tình trạng ho húng hắng kéo dài. Đi khám được bác sĩ tư vấn, bà Qúy mới biết nguyên nhân là do việc súc nước muối quá mặn. Khi không vệ sinh họng bằng nước muối tự pha, chỉ trong một tuần họng bà Qúy đã bình thường, cơn ho chấm dứt.

Bác sĩ Đức cho biết, ngoài tự pha nước muối mặn, nhiều người còn có thói quen ngậm muối hạt kèm một số loại củ, quả như chanh, quất, gừng… Đây cũng là thói quen không tốt.

Theo bác sĩ Đức, khi dùng nước muối mặn không đúng tỷ lệ khuyến cáo, niêm mạc sẽ bị tổn thương nặng hơn. Điều đó trở thành yếu tố thuận lợi để vi khuẩn phát triển, có thể gây nên các bệnh khác.

Tự pha nước muối vừa không đúng tỷ lệ, nguồn nước chưa chắc đã sạch.

Tự pha nước muối vừa không đúng tỷ lệ, nguồn nước chưa chắc đã sạch.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM) cho biết, việc súc họng nước muối là nên làm, nhưng phải làm đúng cách, không nên tự “sáng tạo”. Không nên tự pha nước muối, vì tỷ lệ không chuẩn, nguồn nước chưa chắc đã an toàn.

Về tác dụng của việc súc họng nước muối giúp diệt virus SARS-CoV-2, bác sĩ Khanh cho biết, hiện chưa có bằng chứng chứng minh súc họng hay rửa mũi bằng nước muối giúp chống lại hay chữa khỏi COVID-19. Tuy nhiên, nếu bảo vệ tốt vùng hầu, họng bằng cách vệ sinh mũi, súc họng sát khuẩn sẽ hỗ trợ phòng bệnh được tốt hơn.

Trước khi COVID-19 xuất hiện, các bác sĩ vẫn khuyên người dân súc họng bằng nước muối sinh lý đúng nồng độ và thực hiện một cách khoa học. Việc làm này góp phần khắc phục triệu chứng của cảm lạnh thông thường, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp... Nhờ vào tác dụng kiềm hóa, nước muối làm tăng độ pH trong miệng giúp ngăn chặn sự tăng sinh của vi khuẩn.

“Việc pha thêm nước muối để súc họng vì nghĩ rằng độ mặn càng cao, tính sát khuẩn càng cao là một sai lầm. Việc làm này sẽ gây tổn thương niêm mạc vùng họng khiến họng khô rát, thậm chí trầy xước, chảy máu. Chỉ nên súc họng 2-3 lần một ngày, nên dùng nước muối sinh lý 0,9% có bán sẵn tại các hiệu thuốc để đúng nồng độ đẳng trương để vừa đạt hiệu quả, vừa không gây hại cho họng”, bác sĩ Khanh khuyên.

Dễ viêm họng, sổ mũi khi thời tiết đỏng đảnh, cách nào để cơ thể khỏe, phòng bệnh tốt?
Thời tiết khó chịu rất dễ bị viêm tai mũi họng, nhất là trẻ nhỏ. BSCKII Lê Đình Hưng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện E) sẽ hướng dẫn giúp người...

Sức khỏe mùa đông

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác