Bé gái họng đỏ rực vì sai lầm của phụ huynh khi cho ăn sữa chua trong ngày nắng nóng

Ngày 19/05/2018 00:03 AM (GMT+7)

Khi vừa đi học về, cháu bé được cho ăn một cốc sữa chua lạnh, sau đó phải đến viện khám trong tình trạng họng đỏ rực vì viêm.

PGS Võ Thanh Quang chia sẻ về sai lầm khiến trẻ mắc viêm họng mùa hè.

Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm nhất kể từ đầu năm 2018 đến nay, có thời điểm nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40 độ C. Chính việc thời tiết thay đổi, nắng nóng liên tục khiến nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện vì viêm đường hô hấp trên, viêm họng cấp.

Bé gái họng đỏ rực vì ăn sữa chua lạnh

PGS.TS Võ Thanh Quang (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cho biết, kể từ khi bắt đầu nắng nóng đến nay, số trẻ nhập viện do bị viêm họng, viêm mũi… bắt đầu có chiều hướng gia tăng.

PGS Quang cảnh báo, chính những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày và sự thay đổi đột ngột nhiệt độ là nguyên nhân khiến trẻ nhập viện do viêm mũi, viêm họng, viêm amidan gia tăng.

Bé gái họng đỏ rực vì sai lầm của phụ huynh khi cho ăn sữa chua trong ngày nắng nóng - 1

Những ngày nắng nóng, lượng bệnh bệnh đến khám tai mũi họng gia tăng.

Qua thực tế khám và điều trị, PGS Võ Thanh Quang lấy ví dụ điển hình về một trường hợp một bé gái mới 5 tuổi, họng viêm đỏ rực vì thói quen hàng ngày của các bậc phụ huynh.

“Đó là trường hợp một cháu nhỏ, chiều hôm trước đi học về đến nhà bạn chơi, mẹ của bạn lấy sữa chua trong tủ lạnh cho các cháu ăn. Do thời tiết nắng nóng, các cháu lại ăn đồ lạnh trực tiếp nên sau đó một cháu bị ốm.

Khi bế con đến viện, qua thăm khám chúng tôi thấy họng cháu đã bị viêm đỏ rực. Trường hợp này sau đó được các bác sĩ kê đơn thuốc về nhà điều trị ngoại trú”, PGS Quang chia sẻ.

Bé gái họng đỏ rực vì sai lầm của phụ huynh khi cho ăn sữa chua trong ngày nắng nóng - 2

BS Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đang nội soi cho một bé gái bị viêm tai, mũi, họng.

Phụ huynh lưu ý hai thói quen tai hại khiến trẻ viêm họng, viêm đường hô hấp

Theo PGS Quang, có 2 nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị viêm họng, viêm đường hô hấp trên trong những ngày hè. Thứ nhất, đó là việc thay đổi nhiệt độ đột ngột, khiến cơ thể trẻ không kịp thích ứng nên gây bệnh.

“Ở các đô thị lớn, đa số các lớp học đều lắp đặt điều hoà. Tuy nhiên, trong quá trình học, trẻ có thể đi vệ sinh, giờ ra chơi, hoặc đi lấy nước uống… Chính việc thay đổi giữa nhiệt độ trong phòng điều hoà và môi trường bên ngoài khiến trẻ bị viêm họng, viêm đường hô hấp”, PGS Quang phân tích.

Nguyên nhân thứ 2 cũng đến từ thói quen trong sinh hoạt hàng ngày, đó là việc sử dụng đồ ăn thức uống lạnh trong sinh hoạt. “Như đã lấy ví dụ ở trên, việc trẻ đi chơi, đi học về sau đó uống ngay nước lạnh, nước đá, ăn sữa chua… chính là nguyên nhân khiến trẻ bị viêm họng”, PGS Quang nhận định.

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS Nguyễn Xuân Ninh – Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, việc ăn kem/uống nước lạnh/nước đá ngay sau khi đi nắng về có thể sẽ khiến cơ thể bị lạnh đột ngột, gây viêm họng, cảm lạnh. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ còn yếu, sẽ dễ bị bệnh hơn.

“Đối với việc sử dụng điều hoà nhiệt độ, nếu để nhiệt độ điều hòa quá thấp hoặc thổi thẳng quạt vào người sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe; rồi lại ra vào ngoài trời nóng dễ bị cảm lạnh. Đây là thói quen xấu khiến trẻ có thể bị nhiễm khí lạnh vào gáy, khiến vai gáy co rút, có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu não”, PGS Ninh cảnh báo.

PGS Ninh khuyến cáo, khi đi ngoài trời nắng về tốt nhất nên nghỉ ngơi một lúc để cơ thể bớt nóng, sau đó mới bắt đầu uống nước, tốt nhất là nước mát ở nhiệt độ 4-10 độ.

“Khi bật điều hoà, tốt nhất chỉ nên để nhiệt độ thấp hơn môi trường ngoài phòng là 2-5 độ C và có thể bật thêm quạt hoặc phun thêm hơi ẩm để tăng thêm hiệu quả làm mát, không gây hệ luỵ với sức khoẻ”, PGS Ninh khuyên.

Cảnh báo việc lạm dụng kháng sinh

PGS Võ Thanh Quang cho biết, thời điểm vào hè, nhiều trẻ dễ bị viêm họng, nhưng bố mẹ thường có thói quen tự mua thuốc điều trị, trong đó có việc sự dụng kháng sinh. Đây là một sai lầm rất nguy hiểm.

Việc tự mua kháng sinh cho trẻ uống là tuyệt đối không nên. Vì không phải trường hợp viêm họng cấp nào cũng cho trẻ dùng kháng sinh. Phần lớn khi trẻ bị viêm họng, viêm mũi do lạnh, do thay đổi thời tiết thì chưa cần phải dùng kháng sinh. Còn việc khi có diễn biến nặng có nhiễm trùng thì phải cần có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ.

“Bởi vậy, dứt khoát bố mẹ không nên tự điều trị, mua thuốc cho con khi bị ốm, đặc biệt là việc tự sử dụng kháng sinh”, PGS Quang nói.

Cảnh giác với bệnh lý viêm họng, viêm thanh quản
Viêm họng, viêm thanh quản, viêm xoang… là những bệnh lý rất dễ gặp trong mùa nắng nóng do nhiều nguyên nhân từ khách quan đến chủ quan mà mỗi người...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Viêm họng