Chúng ta đều được khuyên rằng thức khuya sẽ hại sức khỏe và trí tuệ. Tuy nhiên, những thiên tài như nhà phát minh Thomas Edison, Leonardo da Vinci,... đều có thói quen thức khuya. Vậy ngủ sớm hay thức khuya sẽ thông minh hơn?
Có 2 kiểu người trong vấn đề ngủ nghỉ: Một là những người ngủ sớm và dậy sớm, thường gặp ở những người lớn tuổi. Hai là nhóm người ngủ muộn và dậy muộn và đại diện là những thanh niên trẻ.
Những người có thói quen ngủ và dậy sớm thường lập luận rằng: Thức khuya có thể gây hại cho sức khỏe, ảnh hưởng não bộ khiến bạn suy giảm trí tuệ. Trong khi đó những người thích làm “cú đêm” lại thuyết phục rằng Bill Gates chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày, và các thiên tài đều thức khuya.
Vậy câu hỏi đặt ra ai là người có chỉ số IQ cao hơn, những người đi ngủ sớm và dậy sớm hay những người đi ngủ muộn và dậy muộn?
Người thức đêm chưa chắc thông minh. Nhưng người thông minh thích thức khuya hơn
Năm 2009, Trường Kinh tế London và Khoa học Chính trị đã công bố một nghiên cứu về IQ và giấc ngủ của 20.745 học sinh trung học tại Mỹ. Kết quả cho thấy mức IQ có liên quan chặt chẽ với thói quen đi ngủ. Những người ngủ muộn thường có chỉ số thông minh cao.
Nghiên cứu cho thấy những người có chỉ số IQ thời thơ ấu thấp hơn 75 (kém thông minh) đi ngủ vào khoảng 23h:41 ở tuổi trưởng thành, trong khi những người có IQ thời thơ ấu trên 125 (rất thông minh) đi ngủ vào khoảng 00h:29 giờ đêm.
Sự khác biệt này thậm chí còn rõ ràng hơn vào cuối tuần, khi những đứa trẻ thông minh nhất chìm vào giấc ngủ và thức dậy muộn hơn một giờ so với những đứa trẻ kém thông minh hơn.
Hơn nữa, mặc dù gần như trong suốt cả ngày, hoạt động của cả hai nhóm ngủ sớm, dậy sớm và nhóm thức khuya, dậy muộn là tương tự nhau nhưng sau khi thức dậy khoảng 10 tiếng, nhóm dậy sớm bắt đầu giảm mức độ hoạt động não bộ hơn so với nhóm "cú đêm".
Tại sao những người có chỉ số IQ cao lại thường thích ngủ muộn?
1. Đột biến gene rút ngắn thời gian ngủ
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Nature Communications" vào năm 2016 đã phân tích các vấn đề về giấc ngủ ở hơn 100.000 người và sàng lọc ra 12 loại gene liên quan đến các loại giấc ngủ và những gene này cũng liên quan đến xử lý thông tin của hệ thần kinh trung ương, hệ thống thị giác…
Các nghiên cứu đã phát hiện một số ít người thường thức khuya có một đột biến gen hiếm gặp khiến thời gian ngủ cần thiết của họ chỉ cần từ 5 đến 6 giờ, ít hơn 1 đến 2 tiếng so với người bình thường.
2. Giờ làm việc khác nhau
Một nghiên cứu về phân tích công việc và thời gian nghỉ ngơi của 1.172 người trưởng thành của Câu lạc bộ Mensa (cậu lạc bộ có thành viên IQ không dưới 130) cho thấy những người có chỉ số IQ cao này đi ngủ muộn chỉ vì họ bắt đầu đi làm muộn, ngủ muộn và thức dậy muộn.
Điều này cho thấy lịch làm việc khác nhau có khả năng là một trong những lý do khiến những người có chỉ số IQ cao thường đi ngủ muộn.
3. "Đồng hồ sinh học" trong cơ thể khiến bạn hưng phấn khi trời tối
Nhiều người thích làm việc vào ban đêm vì họ cảm thấy càng về đêm thì cảm hứng suy nghĩ càng dễ dàng hơn.
Khi Đại học Alberta ở Canada thực hiện một thí nghiệm so sánh về chức năng thể chất của những người đi ngủ muộn và dậy muộn với người đi ngủ sớm và dậy sớm, họ đã phát hiện ra một số hiện tượng thú vị.
Những người đi ngủ sớm và dậy sớm có thể lực mạnh nhất vào buổi trưa (13 giờ), sau đó suy yếu dần. Khả năng hưng phấn của vỏ não vận động của nhóm người này cũng mạnh nhất vào lúc 9 giờ sáng, cao hơn nhiều so với những người đi ngủ và thức dậy muộn, nhưng chỉ số này sẽ tiếp tục giảm dần theo thời gian, cho đến khi yếu nhất vào ban đêm.
Ngược lại, thể lực của cú đêm và khả năng hưng phấn của hệ thần kinh thay đổi rất rõ ràng trong các thời kỳ khác nhau. Sức mạnh cơ bắp của họ yếu nhất vào lúc 9 giờ sáng, nhưng tăng dần theo thời gian và mạnh hơn đáng kể vào lúc 17 giờ chiều và đạt mức mạnh nhất vào lúc 21 giờ tối.
Đồng thời, khả năng hưng phấn của vỏ não vận động ở "cú đêm" cũng tăng lên theo thời gian, đạt đỉnh điểm vào lúc 21h.
Cuối cùng, một lời nhắc nhở đặc biệt: Chính những người thông minh thích ngủ muộn nhưng thức khuya chưa chắc giúp bạn thông minh hơn.
Xem thêm:
Dậy sớm còn hại hơn thức khuya nếu mắc sai lầm này, nhiều người tưởng mình làm đúng
Chồng IQ 140, vợ sinh 7 con trong 13 năm để giữ gen tốt nhưng CĐM chê quá ngây thơ