Đu đủ là loại trái cây quen thuộc với người Việt, ăn đu đủ có tác dụng rất tốt với sức khỏe mà mọi người vẫn chưa biết đến nhiều.
Đu đủ là một loại trái cây nhiệt đới có màu vàng cam. Cây đu đủ trồng hiện nay là giống lai tự nhiên, có tên khoa học: Carica papaya L., họ Đu đủ (Papayaceae). Đu đủ trở thành giống cây ăn quả quan trọng ở Việt Nam cũng như nhiều nước nhiệt đới khác.
Hương vị của đu đủ phụ thuộc vào việc bạn đang ăn đu đủ chín hay chưa chín. Khi chín, đu đủ ngọt và có hương vị sánh với dưa. Trong khi đó đu đủ chưa chín có hương vị nhạt hơn.
Những lợi ích sức khỏe của việc tiêu thụ đu đủ bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, ung thư, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện kiểm soát đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường, giảm huyết áp,...
Đu đủ chín và chưa chín có hương vị khác nhau. (Ảnh minh họa)
Dinh dưỡng trong đu đủ
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một quả đu đủ nhỏ - khoảng 157 gram (g) chỉ có 68 calo. Các thành phần dinh dưỡng khác trong đu đủ gồm:
- 2,7 g chất xơ
- 31 miligam (mg) canxi
- 33 mg magiê
- 286 mg kali
- 0,13 mg kẽm
- 95,6 mg vitamin C
- 58 microgam (mcg) folate
- 1,492 IU vitamin A
- 0,47 mg vitamin E
- 4,1 mcg vitamin K
Trong đu đủ cũng có các vitamin B, alpha và beta-carotene, lutein và zeaxanthin và lycopene - chất chống oxy hóa mạnh thường có trong cà chua.
Ăn đu đủ có tác dụng gì?
Có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là một bệnh thoái hóa thần kinh giết chết các tế bào não. Nó gây ra các vấn đề về trí nhớ và mất dần khả năng trí tuệ.
Nguyên nhân chính xác của bệnh Alzheimer vẫn chưa được biết rõ. Nhưng người ta tin rằng stress oxy hóa đóng một vai trò trong việc gây tình trạng này. Đây là sự mất cân bằng trong cơ thể giữa chất chống oxy hóa và các gốc tự do, là những phân tử gây tổn thương tế bào.
Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ bột đu đủ lên men có thể giúp chống lại tác động của stress oxy hóa ở những người mắc bệnh Alzheimer và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, nghiên cứu về tác dụng này ở cả quả đu đủ thì chưa rõ.
Giúp phòng ngừa một số loại ung thư
Các gốc tự do và stress oxy hóa có liên quan mật thiết đến các loại ung thư khác nhau. Bởi vì đu đủ giàu chất chống oxy hóa, nó có thể giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại và giảm nguy cơ ung thư.
Nguy cơ ung thư thấp hơn cũng là do lycopene của đu đủ, có đặc tính chống ung thư. Ngoài ra, đu đủ có chứa chất chống oxy hóa beta-carotene. Một nghiên cứu cho thấy beta-carotene giúp bảo vệ khỏi ung thư tuyến tiền liệt.
Ăn đu đủ có tác dụng phòng ngừa ung thư. (Ảnh minh họa)
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Là một nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời, ăn đu đủ có thể tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi nhiều loại bệnh tật và nhiễm trùng.
Có khả năng bảo vệ trái tim
Đu đủ chứa vitamin C, kali, chất chống oxy hóa và chất xơ, giúp cho động mạch khỏe mạnh và thúc đẩy lưu lượng máu. Điều này cũng có thể làm giảm cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, huyết áp cao và đột quỵ.
Hỗ trợ giảm lượng đường trong máu
Nếu bạn bị bệnh tiểu đường loại 2 và đang tìm cách để giúp giảm mức đường huyết, đu đủ có thể giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đu đủ có tác dụng hạ đường huyết trong cơ thể, làm giảm lượng đường trong máu.
Chống lại chứng viêm
Đu đủ cũng có thể hoạt động như một loại thuốc giảm đau tự nhiên nhờ có enzyme papain. Enzyme này làm tăng sản xuất cytokine của cơ thể, là một nhóm protein giúp điều chỉnh chứng viêm. Do đó, ăn đu đủ có thể làm giảm đau do viêm khớp và các tình trạng tương tự.
Có thể giúp bảo vệ mắt
Đu đủ chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng lutein, zeaxanthin, vitamin C và vitamin E, có thể bảo vệ mắt và giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Lutein và zeaxanthin là hai chất chống oxy hóa có lợi cho mắt.
Đu đủ cũng rất tốt cho mắt, ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. (Ảnh minh họa)
Cải thiện tiêu hóa
Hàm lượng nước cao trong đu đủ cũng có thể giúp cải thiện tiêu hóa bằng cách giảm đầy hơi và giảm táo bón. Chất xơ trong trái cây này cũng tốt cho nhu động ruột, có thể giúp giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Phòng chống bệnh hen suyễn
Nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn thấp hơn ở những người tiêu thụ nhiều chất dinh dưỡng nhất định. Một trong những chất dinh dưỡng này là beta-carotene, có trong các loại thực phẩm như đu đủ, mơ, bông cải xanh, dưa đỏ, bí đỏ và cà rốt.
Tốt cho xương
Lượng vitamin K thấp có liên quan đến nguy cơ gãy xương cao hơn. Tiêu thụ đủ vitamin K rất quan trọng đối với sức khỏe vì nó cải thiện sự hấp thụ canxi và có thể làm giảm bài tiết canxi qua nước tiểu. Có nghĩa là có nhiều canxi hơn trong cơ thể để củng cố và xây dựng lại xương. Và đu đủ cung cấp không ít kali cho cơ thể.
Tốt cho tóc
Đu đủ cũng rất tốt cho tóc vì nó chứa vitamin A, một chất dinh dưỡng cần thiết để sản xuất bã nhờn, giúp giữ ẩm cho tóc. Vitamin A cũng cần thiết cho sự phát triển của tất cả các mô cơ thể, bao gồm cả da và tóc. Vitamin C có trong đu đủ cũng thiết cho việc xây dựng và duy trì collagen, chất cung cấp cấu trúc cho da.
Mỗi ngày nên ăn bao nhiêu đu đủ?
Đu đủ cung cấp tương đối nhiều năng lượng. 100g đu đủ chín cung cấp 44 - 55kcal (đường 12,8%). Do đó, người có đường huyết cao được khuyên không nên dùng nhiều.
Nếu ăn hàng ngày 100g đu đủ chín trong nhiều tháng thì phần da lòng bàn tay, bàn chân sẽ bị vàng do một vài loại trong số 19 carotenoid trong đu đủ đào thải chậm. Nếu ngưng ăn đu đủ vài tháng thì hiện tượng vàng da sẽ tự hết.
Về vấn đề nên ăn đu đủ lúc nào? Bạn có thể ăn đu đủ vào bất cứ lúc nào trong ngày nếu để ăn tráng miệng, ăn vặt vì đu đủ không chứa nhiều axit như hoa quả khác. Tuy nhiên, nếu bạn đang ăn kiêng và muốn ăn đu đủ thì nên ăn trong bữa chính, tốt nhất là bữa trưa.
Nguồn tham khảo: - All About Papaya: Nutrition Facts, Health Benefits, Side Effects, How to Eat It, and More - Everyday Health - Xuất bản ngày 7/7/2019 - What are the health benefits of papaya? - WebMD - Xuất bản ngày 21/12/2017 |