Ăn ốc có tác dụng gì? Những ai không nên ăn ốc?

Ngày 29/06/2022 16:00 PM (GMT+7)

Ốc không chỉ là món ăn quen thuộc và ngon miệng mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Thành phần dinh dưỡng của ốc

Có rất nhiều loại ốc khác nhau và ốc cũng được chế biến thành rất nhiều món ăn, không chỉ ngon miệng, rẻ mà còn vô cùng bổ dưỡng. Ốc cũng là món ăn quen thuộc trong bữa ăn của nhiều gia đình tại Việt Nam.

Thành phần dinh dưỡng có trong khoảng 113 gam ốc:

- Lượng calo: 102

- Chất béo: 2 gam

- Cholesterol: 57 miligam

- Natri: 79 miligam

- Carbohydrate: 2 gam

- Chất đạm: 18 gam

- Các loại vitamin: vitamin A, vitamin E

- Các loại khoáng chất: canxi, magie, phốt pho, sắt

Ăn ốc có tác dụng gì? Những ai không nên ăn ốc? - 1

Hàm lượng protein của ốc tương tự như protein có trong thịt lợn và thịt bò, nhưng ốc có hàm lượng chất béo thấp hơn nhiều. Kết hợp với hàm lượng dồi dào các vitamin và khoáng chất, ốc đem lại nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng.

Ăn ốc có tác dụng gì?

1. Cải thiện tình trạng thiếu máu

Thiếu máu do thiếu sắt có thể gây ra các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, suy nhược, da xanh xao, đau ngực, nhức đầu, chóng mặt và khó thở. Trong khi đó, việc ăn ốc có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng thiếu máu bởi ốc là một nguồn cung cấp sắt tuyệt vời. Trong 113 gam ốc có chứa 22% lượng sắt được khuyến nghị hàng ngày. Bên cạnh đó, sắt còn giúp giữ cho tóc, móng và da khỏe mạnh hơn.

2. Cải thiện sức khỏe tim mạch

Chúng ta thường biết rằng cá là một nguồn cung cấp axit béo omega-3 nhưng không phải ai cũng biết ốc cũng chứa chất này. Axit béo omega-3 đã được chứng minh là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, có tác dụng cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ tử vong vì bệnh tim. Ngoài ra, omega-3 còn giúp giảm huyết áp, giảm đông máu và giữ nhịp tim ổn định.

3. Giảm nguy cơ mắc ung thư

Trong ốc có chứa nhiều selen, đây là một phần của enzyme selenoprotein, giúp hỗ trợ chức năng hệ thống nội tiết và miễn dịch trong cơ thể. Theo khuyến nghị, phụ nữ và đàn ông trưởng thành mỗi ngày cần khoảng 55 mcg selen. Trong 85 g ốc có chứa 23,3 mcg selen, cung cấp 42% nhu cầu cần thiết hàng ngày. Ngoài ra, selen còn có khả năng chống oxy hóa, làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch, viêm khớp, nhiễm trùng tái phát.

Ăn ốc có tác dụng gì? Những ai không nên ăn ốc? - 2

4. Tốt cho xương và răng

Ốc là món ăn chứa nhiều canxi và magie. Canxi là khoáng chất cần thiết giúp xương chắc khỏe, giảm nguy cơ phát triển các vấn đề liên quan đến xương như loãng xương, mất xương. 

Magie có tác dụng hỗ trợ chuyển hóa năng lượng, khiến cho xương và răng chắc khỏe, đồng thời magie còn tham gia điều hòa các dưỡng chất như kẽm, canxi, kali và vitamin D. Trong 85 g ốc có chứa khoảng 212 mg magie, với lượng magie đó cung cấp đến 53% lượng khuyến nghị magie hàng ngày cho đàn ông và 68% lượng magie khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ.

5. Tốt cho mắt

Vitamin A là thành phần có nhiều trong ốc, giúp hệ thống miễn dịch của bạn chống lại bệnh tật và tăng cường sức khỏe cho đôi mắt. Vitamin A góp phần không hề nhỏ để tạo ra sắc tố ở võng mạc mắt, đồng thời hỗ trợ bảo vệ giác mạc và kết mạc, giúp duy trì thị lực tốt.

6. Cung cấp protein

Như đã nói ở trên, hàm lượng protein của ốc tương tự như protein có trong thịt lợn và thịt bò nhưng lại ít chất béo hơn nhiều. Do đó, ốc sẽ giúp bạn bổ sung năng lượng mà không lo tăng cân.

Lưu ý khi ăn ốc

1. Không ăn quá nhiều ốc

Dù ốc đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng các chuyên gia đều khuyên bạn không nên ăn quá nhiều ốc. Lý do là bởi ốc có chứa nhiều cholesterol, nếu ăn nhiều dễ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Bên cạnh đó, ốc chứa nhiều phốt pho nên khi ăn quá nhiều có thể dẫn đến các bệnh lý về xương bởi phốt pho là tác nhân cản trở sự hấp thụ canxi. Ăn ốc quá nhiều cùng lúc cũng gây ra đầy bụng, khó tiêu.

2. Hạn chế ăn ốc khi có thể trạng hư hàn

Người có thể trạng hư hàn, thường bị lạnh bụng hoặc mắc chứng tiêu chảy nên hạn chế ăn ốc. Ngoài ra trong quá trình chế biến ốc, nên kết hợp với các nguyên liệu có tính ấm như gừng hay sả để cân bằng hương vị.

Ăn ốc có tác dụng gì? Những ai không nên ăn ốc? - 3

3. Nên làm sạch ốc trước khi chế biến

Ốc thường chứa nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh cho con người, do đó cần làm sạch ốc trước khi chế biến. Một số cách phổ biến là ngâm ốc trong nước vo gạo, nước dấm hoặc nước muối pha chanh để ốc nhả hết sạn bẩn.

4. Nấu ốc chín kỹ

Khi nấu ốc, cần chế biến thật kỹ và chín, không nên nấu chín tái, vì sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe người ăn bởi trong ốc có chứa rất nhiều ký sinh trùng gây hại, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, phù nề chân tay, ung thư hoặc các bệnh nguy hiểm khác.

5. Kiêng kỵ sử dụng ốc với những thực phẩm sau

Khi ăn ốc, không nên ăn chung với những thực phẩm chứa nhiều vitamin C, thịt bò, mộc nhĩ, thực phẩm sống...

Những ai không nên ăn ốc?

1. Người mắc bệnh tiểu đường, thận, huyết áp cao

Ốc có chứa nhiều natri, mà đây là chất ''cấm'' với những người bị bệnh tiểu đường, bệnh thận, huyết áp cao. Những người này khi ăn những thực phẩm có hàm lượng natri cao sẽ khiến bệnh càng thêm nặng.

2. Người bị bệnh gout, viêm khớp

Ốc chứa nhiều đạm và canxi. Khi ăn nhiều đạm dễ làm sản sinh axit uric, gây ra các cơn đau khớp dữ dội. Một chế độ ăn nhiều đạm dễ làm sản sinh axit uric, gây ra các cơn đau khớp dữ dội. Khi tình trạng này kéo dài có thể làm tích tụ và lắng đọng các tinh thể muối urat ở ổ khớp, gây nhức buốt cho người bệnh.

3. Người bị ho hoặc hen suyễn

Người bị ho, hen suyễn không nên ăn hải sản, đặc biệt là cua, ốc để tránh làm bệnh thêm nặng.

4. Phụ nữ mang thai và đang cho con bú

Ốc có tính hàn, ăn vào dễ gây lạnh bụng, đau bụng, đi ngoài. Do đó, phụ nữ mang thai và cho con bú nên hạn chế ăn, nhất là người cơ địa yếu bụng.

5. Người bị dị ứng

Đối với những người hay bị dị ứng, nếu muốn ăn cua, ốc, nên hỏi ý kiến bác sĩ trong việc ăn loại thực phẩm này.

Nguồn tham khảo:

Snails: Are There Health Benefits? - Đăng tải trên trang WebMD - Xuất bản ngày 3/12/2020.

Quả phật thủ có ăn được không? Cách dùng quả phật thủ chữa bệnh
Quả phật thủ thường được dùng để trang trí trên bàn thờ trong dịp lễ, Tết, ngoài ra còn có một số công dụng chữa bệnh hiệu quả.

Sống khỏe

Theo K.H
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe