Hai ngày sau ăn, chị H.O đột ngột buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi. Vài ngày sau người phụ nữ mang thai 19 tuần này xuất hiện thêm chứng sụp mi, nói khó... phải chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy gấp.
Liên quan đến các bệnh nhân ngộ độc do sử dụng sản phẩm pate Minh Chay, cuối giờ sáng 30/8, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho hay tại đây đang điều trị 5 trường hợp.
Theo đó, từ 24 đến 30/7, khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) đã lần lượt tiếp nhận và điều trị cho 5 bệnh nhân bị sụp mi, liệt cơ hô hấp sau khi ăn cùng một loại thực phẩm pate chay đóng hộp. Trong số này, có một cặp vợ chồng, 3 người còn lại là bạn bè.
Hai vợ chồng bị ngộ độc là anh H.M.C (36 tuổi, trú Nha Trang, Khánh Hoà, có tiền sử tăng huyết áp) và vợ là chị H.O cùng tuổi. Chị O đang mang thai con đầu lòng ở tuần thai 19.
Sản phẩm Pate Minh Chay. Ảnh: TL
Khoảng 12h00 ngày 19/7, vợ chồng anh C cùng ăn pate Minh Chay, đến khoảng 9h00 ngày 20/7, anh C đột ngột buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, mờ mắt, nuốt khó, sụp mi mắt, không sốt và nhập Bệnh viện Khánh Hòa. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng bệnh nặng hơn, nên anh C được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy.
Vợ anh C khởi phát buồn nôn, nôn ói và mệt mỏi vào ngày 21/7, đến ngày 24/7 xuất hiện thêm các triệu chứng mờ mắt, sụp mi mắt, nuốt khó, nói khó. Chị cùng nhập Bệnh viện Chợ Rẫy trong khoảng thời gian như chồng mình.
Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay cả hai bệnh nhân này tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, sụp mi mắt hoàn toàn, nói khó, nuốt khó, yếu tứ chi, sức cơ từ 2-4/5, khó thở tăng dần, suy hô hấp phải đặt nội khí quản, thở máy vào ngày 27/7 (3 ngày sau khi vào viện). Đến nay, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân theo dõi ngộ độc botulinum nghi do ăn pate chay đóng hộp bị nhiễm khuẩn.
Với 3 bệnh nhân còn lại, người trẻ nhất mới 19 tuổi, tiền sử khỏe mạnh. 2 người trú tại Đồng Nai và 1 người trú tại Vũng Tàu. Họ cùng nhau ăn pate Minh Chay ngày 24/7. Một ngày sau, N.T.T (SN 2000) đột ngột nôn ói, đau thượng vị, không sốt. 2 ngày sau đó được nhập Bệnh viện Đồng Nai. Còn T.T.G (SN1994) đột ngột nôn ói, mệt mỏi không sốt hôm 26/7. Ngày 28/7 nhập Bệnh viện Đồng Nai. Cùng xuất hiện biểu hiện nôn ói, đau họng, nói khó, sốt cùng thời điểm như T.G, người còn lại (SN1996) ngay trong ngày 27/7 nhập Bệnh viện Bà Rịa.
Tại bệnh viện địa phương, cả ba bệnh nhân đều xuất hiện triệu chứng nói khó, sụp mi mắt, khó nuốt, khó thở, yếu tứ chi với sức cơ từ 2/5 đến 3/5. Các bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy lần lượt vào các ngày 27, 29 và 30/7.
Hai hộp pate Minh Chay các bệnh nhân đang ăn dở được đem đi cấy vi sinh tại Viện Vệ sinh dịch tễ TP.HCM kết quả phát hiện có vi khuẩn Clostridium botulinum.
Hiện cả 5 bệnh nhân đang được điều trị hỗ trợ với thở máy; thay huyết tương (5 lần, cách nhật); bổ sung Vitamin nhóm B, dinh dưỡng, vật lý trị liệu… Kết quả điều trị tới ngày 25/8 cho thấy tình trạng của 4 bệnh nhân đang cải thiện khá, riêng bệnh nhân 19 tuổi tái liệt sau 2 ngày cải thiện khá.
Trước đó, như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, ngày 29/8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát đi cảnh báo khẩn cấp về việc thời gian qua, đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (2 ca bệnh), tại Bệnh viện Chợ Rẫy (5 ca) và Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh (2 ca) từ một số tỉnh/thành phố trong cả nước với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở...
Qua điều tra cho thấy các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới. Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm Pate Minh Chay của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.
Cục An toàn thực phẩm thông báo khẩn cấp người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới và thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương nếu còn sản phẩm sau: Pate Minh Chay, Pate nấm hầu thủ, Ruốc nấm Heri vị hảo hạng, Muối vừng bát bảo đặc biệt, Ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, Giò lụa lúa mì, Muối lạc truyền thống, Chả quế lúa mì, Muối vừng bát bảo, Giò nấm lúa mì, Ruốc nấm truyền thống, Ruốc nấm sả ớt, Ruốc nấm cháy tỏi.
Đối với người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như trên cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được kiểm tra và theo dõi kịp thời.