Sáng nào bố mẹ cũng cho Nguyễn Mạnh C. 10 nghìn đồng ăn sáng. Thế nhưng, C đã lấy tiền đó mua nước ngọt uống, vì cậu tin rằng nước ngọt có ga cũng cung cấp năng lượng cho cơ thể không kém gì các quà vặt khác.
Viêm dạ dày vì ăn sáng bằng... nước ngọt có ga
Nguyễn Mạnh C. trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội, hiện đang học lớp 8. Gần đây C. thường xuyên kêu đau bụng, cảm giác tức ngực nên được bố mẹ đưa đi khám bệnh. Qua nội soi, bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày, dịch dạ dày đục.
Lúc bác sĩ hỏi, C thừa nhận sáng nào em cũng được mẹ cho 10 nghìn đồng ăn sáng nhưng vì ngại ăn nên C hay mua nước ngọt có ga để uống. C cũng coi đó là thực phẩm giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức khỏe.
Từ đầu năm học đến nay, ngày nào C. cũng uống nước ngọt thay ăn sáng. Mẹ của C. cho biết, bình thường cháu cũng nghiện nước ngọt có ga nên chị hay tích trữ loại này. Nếu không để ý cháu có thể uống hết chai 1,5 lít trong một buổi sáng. Gần đây, chị cấm con nhưng không biết tiền ăn sáng đều được cháu mua nước ngọt uống.
Đỗ Văn Dư, 19 tuổi, sinh viên trường đại học ở Hà Nội nhập viện vì tăng đường huyết cấp. Khi khám, bác sĩ dinh dưỡng chẩn đoán béo phì độ 1 (bệnh nhân cao: 1,7m; nặng 98kg; chỉ số BMI: 33,9). Dư kể, cậu quê ở Quảng Ninh, được ba mẹ cho xuống Hà Nội trọ học. Vì ở trọ nên Dư lười nấu ăn, toàn ăn mì tôm, bánh mỳ. Để bổ sung thêm năng lượng, thay vì đun nước lọc uống, cậu chuyển sang uống nước ngọt có ga.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong nước uống có ga không có chất gì, chủ yếu là calo rỗng. (Ảnh minh họa)
Theo lời Dư, mỗi ngày cậu uống 2 lít nước có ga là bình thường. Gần đây thấy mệt mỏi, cảm giác khó chịu, đi tiểu nhiều, cậu mới đi kiểm tra. Bác sĩ cho biết Dư có đường huyết cao và đang theo dõi đái tháo đường tuyp 2.
Con đường của bệnh tật
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong nước uống có ga không có chất gì, chủ yếu là calo rỗng.
Khi uống quá nhiều nước ngọt có ga, có thể gây hại cho sức khỏe như uống nước ngọt có ga quá lạnh khiến viêm họng dễ tái phát, viêm loét dạ dày lâu lành. Nhiều người tốn tiền cho thuốc đau dạ dày mà không ngờ do thói quen uống nước ngọt có ga lúc đói bụng. Uống nước ngọt có ga dễ gây đầy bụng vì chất sinh ga và vì đường trong nước ngọt dễ lên men trong ruột.
Nhiều người cho rằng uống nước có ga giúp dễ tiêu hóa hơn, giảm triệu chứng đầy bụng, tuy nhiên hệ tiêu hóa của ai không tốt, đặc biệt người có bệnh đại tràng thì uống nước có ga sẽ kích thích niêm mạc dạ dày và ruột, có thể làm 2 cơ quan này bị tê liệt, gây đau bụng, đầy hơi và bệnh nặng hơn.
Nói về nước uống có ga, bác sĩ Vũ Thị Thanh, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, loại đồ uống có ga được rất nhiều người ưa chuộng nhưng thực tế, nó không tốt cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em.
Trong nước uống có ga hàm lượng đường mía, đường ngô, cafein không rõ ràng và các chất tạo màu, tạo chua, tạo ga được thêm vào chính là tác nhân tạo ra ảnh hưởng bất lợi đối với cơ thể. Chúng có thể gây ra các căn bệnh về thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày và đường ruột, đe dọa sức khỏe răng miệng, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, dễ gây béo phì.
Theo bác sĩ Thanh, các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh, một chai nước ngọt có ga chứa tới 22 gói đường dùng để pha cà phê. Với khối lượng đường đó bạn có thể sử dụng trong 22 cốc cà phê và tiêu thụ trong ít nhất là 10 ngày.
Khi lượng đường quá lớn đi vào cơ thể khiến hàm lượng insulin trong cơ thể phải “bùng nổ” bất thường để kịp thời phản ứng với lượng đường khổng lồ này. Từ đó, người bệnh dẫn đến các bệnh lý đái tháo đường.