Ăn sáng ở nhà hay ngoài quán có lợi hơn? Chuyên gia giải đáp bất ngờ, tiết lộ 2 kiểu "bữa sáng tại gia" đáng bỏ

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 18/09/2023 06:46 AM (GMT+7)

Việc các gia đình chuẩn bị đồ ăn sáng tại nhà là rất tốt nhưng cần lưu ý trong khâu chế biến để giữ lại được nguồn dinh dưỡng quý từ thực phẩm, có lợi cho sức khỏe.

Bữa sáng rất quan trọng với cơ thể và chiếm tới 30-40 tổng năng lượng cần nạp vào trong ngày. Ăn sáng một cách khoa học còn giúp bảo vệ đường tiêu hóa nói riêng và sức khỏe toàn thân nói chung. Các chuyên gia cũng cho rằng, tốt nhất, các gia đình nên chuẩn bị bữa sáng tại nhà thay vì ăn ở các hàng quán vỉa hè hoặc dùng đồ ăn nhanh.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, việc tự chuẩn bị đồ ăn sáng tại gia đình sẽ có lợi nhiều mặt. Đầu tiên là đảm bảo về mặt an toàn thực phẩm, sau đó là kiểm soát được lượng thức ăn đầu vào, nhất là với trẻ nhỏ. Đặc biệt, việc chuẩn bị đồ ăn sáng tại nhà còn giúp bữa ăn cân đối, đa dạng về mặt thực phẩm hơn.

Tuy nhiên, một số gia đình có những thói quen ăn sáng dễ ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe cả người lớn và trẻ nhỏ, chẳng hạn như chuẩn bị sẵn đồ ăn từ tối trước hoặc hâm lại thức ăn thừa để ăn vào sáng hôm sau.

Việc hâm lại đồ ăn hoặc nấu đồ ăn từ tối hôm trước để hôm sau ăn sáng là không nên. Ảnh minh họa.

Việc hâm lại đồ ăn hoặc nấu đồ ăn từ tối hôm trước để hôm sau ăn sáng là không nên. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Hưng cho rằng, xét về mặt dinh dưỡng, cả hai thói quen này đều không nên thực hiện vì không có lợi cho sức khỏe. Theo bác sĩ, các món ăn thừa từ tối hôm trước để đến sáng hôm sau đun nấu lại sẽ mất phần lớn dinh dưỡng, thậm chí còn đối diện với nguy cơ ngộ độc vì bị nhiễm khuẩn do để qua đêm. Đồ ăn thừa khi đã dính nước bọt rất dễ bị ôi thiu do chúng bị vi khuẩn xâm nhập trong quá trình ăn uống. Ngay cả với cơm nấu từ tối hôm trước, để đến sáng hôm sau hâm lại, dù không ôi thiu nhưng đã mất phần nào dinh dưỡng, ăn cũng không còn ngon.

Không chỉ thức ăn thừa nấu lại, các món mới nhưng nấu từ tối hôm trước, để đến sáng hôm sau hâm nóng tuy khả năng ôi thiu sẽ giảm, nhưng dinh dưỡng còn rất ít hoặc không còn. “Ví dụ như cá, nếu cá rán chín từ tối hôm trước, sáng hôm sau rán lại sẽ khô và hao hụt nhiều dưỡng chất. Chưa kể cá rán lại sẽ ngấm thêm dầu mỡ. Còn nếu chỉ rán sơ từ hôm trước, để sáng hôm sau rán chín thì thực phẩm rất nhanh bị hỏng vì nửa sống, nửa chín”, bác sĩ Hưng chia sẻ.

Theo bác sĩ Hưng, tùy từng món ăn có thể chuẩn bị từ tối hôm trước để đến sáng hôm dùng cho bữa sáng được, ví dụ như các món kho như thịt kho, cá kho hoặc giò chả, thịt đông ăn đến đâu, cắt đến đó rồi bảo quản kỹ lưỡng trong tủ lạnh. Các món sốt hoặc các món canh, các món xào chế biến cùng các loại rau tuyệt đối không qua đêm.

Không nhất thiết sáng nào cũng ăn cơm, nhưng dùng xôi-bánh mỳ hay bún phở thì cần ăn thêm rau. Ảnh minh họa.

Không nhất thiết sáng nào cũng ăn cơm, nhưng dùng xôi-bánh mỳ hay bún phở thì cần ăn thêm rau. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Hưng cho rằng, mọi người không cần thiết phải quá cầu kỳ, hay cố để làm một mâm cơm thịnh soạn cho bữa sáng vì chắc hẳn khi thức dậy gia đình nào cũng có quỹ thời gian không nhiều. Do vậy, nếu ăn cơm sáng, chúng ta có thể chỉ cần nấu những món đơn giản như thịt rang (xào), thịt băm hay các món chế biến từ trứng và kết hợp thêm 2-3 loại rau luộc, nấu canh hoặc salad.

Biết rằng ăn cơm sẽ chắc dạ và đảm bảo hơn, tuy nhiên bữa sáng chúng ta hoàn toàn có thể đổi bữa bằng các món khác như bún, phở (có thể chuẩn bị nước dùng từ hôm trước) hay thậm chí mỳ tôm, xôi hoặc bánh mỳ. Tuy nhiên, khi ăn nên lưu ý dùng đa dạng các loại rau. Ví dụ xôi có thể kết hợp ăn kèm cùng dưa chuột; hay bánh mỳ thêm nhiều rau mùi, cà chua, dưa chuột, cà rốt; bún phở thêm các loại rau thơm….”, bác sĩ Hưng tư vấn.

3 kiểu ăn sáng người Việt chuộng lại khiến đường ruột chết mòn mỗi ngày, kiểu đầu tiên nguy hại nhất
Hệ tiêu hóa là nơi tập trung hệ thống miễn dịch của cơ thể nhưng nhiều người không chú ý bảo vệ, thậm chí còn duy trì những thói quen ăn uống từ đầu...

Ăn sáng sao cho khỏe?

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng