Cách dùng thực phẩm và thuốc có thể làm biến đổi tính chất và hoạt động của vi khuẩn trong ruột theo hướng cả có lợi và có hại cho sức khỏe.
Đây là kết luận của hai nghiên cứu mới của các nhà khoa học ĐH Groningen (Hà Lan) và các nhà khoa học thuộc dự án nghiên cứu vi khuẩn Flemish Gut Flora Project (Bỉ).
Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 1.100 người sống ở bắc Hà Lan. Các nhà nghiên cứu đã thu thập và phân tích mẫu phân của họ để xác định ADN của vi khuẩn, cũng như lấy thông tin về chế độ ăn uống, dùng thuốc và tình trạng sức khỏe của họ.
Các nhà khoa học Bỉ cũng đã thực hiện một nghiên cứu tương tự trên mẫu phân lấy từ 5.000 người Bỉ tình nguyện.
Từ hai nghiên cứu này, các nhà khoa học đi tới kết luận: Các loại thực phẩm như trái cây, rau quả, cà phê, trà, rượu vang, sữa chua, sữa tách bơ có thể tăng tính đa dạng của vi khuẩn trong ruột và giúp chống chọi bệnh tật.
Trái lại, các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate đơn như sữa béo, nước ngọt có gas làm giảm tính đa dạng của vi khuẩn trong ruột, không tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, thuốc cũng có ảnh hưởng đến tính chất và hoạt động của vi khuẩn trong ruột. Các loại kháng sinh, các loại thuốc trị tiểu đường như metformin và antacids làm giảm sự đa dạng của vi khuẩn, dễ dẫn đến bệnh tật.
Ruột người chứa hàng ngàn tỉ vi sinh vật, là hệ thống miễn dịch lớn nhất của cơ thể, có vai trò rất lớn đến tình trạng sức khỏe và bệnh tật.