Giám đốc Bệnh viện Đông y Hàn Quốc Sun Jae Kwang - chuyên gia hàng đầu về giải độc máu đã sáng tạo ra cốc nước ép giúp thanh lọc máu mà mọi người nên sử dụng mỗi sáng.
Chất lượng cuộc sống được cải thiện, con người hiện đại thoải mái hơn trong việc thưởng thức các món ngon. Tuy nhiên, việc ăn uống quá thả phanh và tiêu thụ những thực phẩm không có lợi cho sức khỏe có thể dẫn đến những vấn đề thường được gọi là "bệnh do lối sống", đó là tăng lipid máu.
Tăng lipid máu là tình trạng nồng độ lipid (chất béo) trong máu tăng cao bất thường. Trong máu có hai loại lipid chính là triglyceride và cholesterol. Người ta cũng gọi tình trạng tăng lipid trong máu là nồng độ cholesterol cao. Tăng lipid máu có thể dẫn tới vấn đề tăng huyết áp và huyết áp cao là tiền đề của nhiều căn bệnh nguy hiểm như đau tim, đột quỵ hoặc các biến chứng khác.
Do thói quen ăn uống và sinh hoạt sai lầm nên máu có thể bị tích tụ độc tố và với người không có bệnh lý thì cần 2-3 ngày để giải độc. Nhưng với người bị mỡ máu cao, tiểu đường hay huyết áp cao, việc giải độc không thể thành công trong 2 đến 3 ngày mà cần khoảng 3 tuần để giúp máu lưu thông bình thường.
Một ly nước ép thanh lọc máu vào buổi sáng
Để giải độc máu, việc đầu tiên cần làm là loại bỏ lượng chất béo xấu ra khỏi máu. Một cốc nước ép được làm từ cà rốt và táo, cam làm nguyên liệu chính, gừng và hành tây làm nguyên liệu phụ có thể giúp bạn đạt được điều đó.
Cốc nước ép này làm từ thực phẩm tươi, giàu enzyme có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất và làm sạch máu, đồng thời cũng giàu chất xơ, có thể kích hoạt chức năng đường tiêu hóa và tốt cho sức khỏe đường ruột. Mỗi một thành phần trong cốc nước này đều có tác dụng tốt cho sức khỏe.
- Cà rốt chống oxy hóa, ức chế các gốc tự do có hại
Trong sách y học cổ "Bản thảo cương mục" có ghi cà rốt bổ sung máu, thúc đẩy hoạt động của tim và đường tiêu hóa, giúp các cơ quan nội tạng hoạt động tốt và tăng sự thèm ăn.
Ngoài ra, cà rốt có thể làm ấm cơ thể và tăng cường chức năng của các cơ quan khác nhau. Cà rốt chứa beta-carotene và lycopene, là những chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Vai trò của chất này là ức chế sự sản sinh các gốc tự do có hại trong cơ thể và ngăn ngừa sự biến dạng tế bào bất thường. Các gốc tự do có hại là nguyên nhân gây ra các bệnh mãn tính như tiểu đường và xơ cứng động mạch.
Cà rốt giàu beta-carotene hơn bất kỳ loại thực phẩm nào khác, nếu tiêu thụ đủ có thể ngăn ngừa ung thư, mỡ máu cao, bệnh tim và các bệnh khác.
- Táo giúp loại bỏ cholesterol và natri
Táo là thực phẩm có tác dụng giải độc đường ruột tuyệt vời. Táo chứa nhiều pectin, giúp cung cấp chất xơ hòa tan trong nước cho ruột. Pectin làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi như vi khuẩn axit lactic, ức chế sự sinh sản của vi khuẩn có hại như coliform và rất hiệu quả trong việc cải thiện môi trường đường ruột.
Bên cạnh đó, nó còn có chức năng hấp thụ và đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể. Vì pectin có nhiều trong vỏ hơn trong phần thịt quả, do đó nên ăn cả vỏ sẽ tốt hơn.
Vì táo có khả năng hút nước trong ruột nên có thể làm cứng hoặc nở phân và kích thích thành ruột thúc đẩy quá trình đại tiện, điều trị táo bón, tiêu chảy khá hiệu quả.
Chất xơ trong táo cũng là một thành phần quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tim và làm giảm chỉ số cholesterol, nó cũng có thể ngăn chặn sự tái hấp thu cholesterol trong ruột. Vì vậy, những người ăn táo mỗi ngày có lượng cholesterol thấp hơn trung bình 10% so với những người không ăn chúng.
Táo cũng tốt cho người bị huyết áp cao. Nói chung, một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp là do natri. Nếu có nhiều natri trong cơ thể, huyết áp sẽ tăng lên. Có rất nhiều kali trong táo có thể thải natri ra khỏi cơ thể.
- Cam giúp tăng cường mao mạch
Chất xơ hòa tan trong nước có trong các loại trái cây họ cam quýt. Pectin trong cam cũng có thể hấp thụ nước trong ruột, làm cho phân mềm hơn và dễ thải ra ngoài hơn. Vỏ cam và phần sợi trắng bên trong chứa rất nhiều chất xơ nên khi ăn đừng bỏ qua phần này.
Phần sợi trắng của cam có thể tăng cường các mao mạch và ức chế sự gia tăng huyết áp, phân hủy chất béo trung tính trong máu và chống dị ứng.
- Hành tây thúc đẩy quá trình thải chất béo và chất thải cũ ra khỏi máu
Hành tây rất giàu hợp chất lưu huỳnh, có thể làm giãn mao mạch và tăng nhiệt độ cơ thể để giải độc máu. Các flavonoid trong vỏ hành tây có thể thải chất béo và chất thải cũ ra khỏi máu, đồng thời cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Bên cạnh đó, nó cũng có thể ngăn chặn sự gia tăng chất béo và cholesterol không cần thiết trong máu, ngăn ngừa xơ cứng động mạch và tăng lipid máu và cũng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa chứng mất trí nhớ.
Các thành phần khác nhau của hành tây phối hợp với các chất khác trong cơ thể con người giúp ngăn ngừa đông máu. Lưu ý rằng lớp vỏ bên ngoài của hành tây chứa hàm lượng lưu huỳnh cao gấp 5 lần so với phần bên trong nên đừng bỏ vỏ hành khi ăn.
- Gừng ngăn ngừa đông máu và phá vỡ cục máu đông
Theo sách "Bản thảo cương mục", gừng có thể ngăn ngừa nhiều bệnh khác nhau. Gừng có tác dụng ngay lập tức đối với các loại độc tố khác nhau ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta. Nó có tác dụng đào thải độc tố trong đường ruột, giúp chữa bệnh tiểu đường và còn có tác dụng làm giảm mức cholesterol.
Vì gừng chứa các thành phần cản trở quá trình đông máu nên rất hữu ích trong việc phá vỡ cục máu đông. Lưu ý người đang dùng thuốc chống đông máu không nên ăn gừng.
Cách làm nước ép thải sạch mạch máu
Nguyên liệu (dành cho 2 người): 2 củ cà rốt (400g), 1 quả táo (200g), 1 quả cam (100g), một ít hành tây (10g), một ít gừng (10g), một ít nước (30g)
Cách pha chế:
1. Rửa sạch cà rốt và táo, gọt vỏ và cắt thành các kích cỡ phù hợp, loại bỏ hạt táo.
2. Sau khi gọt vỏ cam, cắt phần vỏ thành nhiều miếng.
3. Rửa sạch hành và gừng, gọt vỏ rồi thái nhỏ.
4. Cho tất cả nguyên liệu vào máy ép trái cây cùng một lúc và đổ một ít nước.
Khi uống nước ép thanh lọc máu, một điều cần lưu ý là các thành phần phải được cân đối liều lượng. Nếu bạn thêm nhiều hành tây hoặc gừng vì thích hương vị đó hoặc nếu bạn loại bỏ một số thành phần vì chúng không ngon thì tác dụng sẽ giảm đi rất nhiều.
Nếu bạn uống và cảm thấy buồn nôn hay khó chịu có thể chần sơ qua các nguyên liệu để hương vị dễ uống hơn nhưng dinh dưỡng sẽ giảm bớt. Bởi vì khi khi rau hoặc trái cây được nấu chín, chất dinh dưỡng và enzyme của chúng sẽ bị giảm hoặc bị loại bỏ. Do đó, mọi người nên sử dụng các nguyên liệu trên ở dạng tươi sống để giữ được nhiều enzyme, vitamin, khoáng chất và chất phytochemical có tác dụng loại bỏ các gốc tự do.