Bác sĩ dinh dưỡng chỉ cách bảo quản thức ăn thừa sau Tết để không gây hại sức khỏe

Ngày 28/01/2020 19:00 PM (GMT+7)

Sau những ngày tết, nhiều gia đình gặp phải tình trạng thức ăn còn dư thừa nhiều, bỏ đi thì tiếc nên các bà nội trợ thường tìm cách giữ lại. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách bảo quản thực phẩm đúng cách.

Bác sĩ dinh dưỡng chỉ cách bảo quản thức ăn thừa sau Tết để không gây hại sức khỏe - 1

Nhà đông con, mỗi năm Tết đến, bà Lê Cẩm An (56 tuổi, ngụ phường 8, Vĩnh Long) phải chuẩn bị rất nhiều thực phẩm cho Tết. “Cháu nội tôi thì thích ăn bánh Tét, nên hầu như tết nào tôi cũng phải lục đục chuẩn bị từ 29, 30 Tết. Nhà tôi lại thường làm lạp xưởng, dưa hành, giò nguội. Mùng 3 tết lại phải cúng gà nên lượng thực phẩm chuẩn bị là rất lớn. Tết thì chợ lại không bán nên hầu như tôi phải mua dự trữ nhiều thức ăn. Do đó, sau khi hết tết, thức ăn thừa còn lại rất nhiều, có khi không chứa hết vào tủ lạnh”, bà An chia sẻ.

Nhìn nhận về vấn đề này, thạc sĩ bác sĩ Lê Thị Ngọc Vân, Chuyên gia dinh dưỡng tại Phòng khám Bệnh viện Y dược TP.HCM, nguyên trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, sau mỗi dịp Tết, chị em nội trợ lại đối mặt với việc bảo quản thực phẩm thừa như bánh chưng, bánh tét, giò, chả… Nhưng không phải ai cũng biết làm thế nào để bảo quản thực phẩm thừa hay chế biến chúng thành nhiều món ngon khác nhau mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Bác sĩ dinh dưỡng chỉ cách bảo quản thức ăn thừa sau Tết để không gây hại sức khỏe - 2

Nhiều người đang mắc sai lầm khi bảo quản thực phẩm thừa ngày tết

Món bánh tét, bánh chưng:

Với thời tiết nóng ẩm vào dịp Tết, bánh chưng hay bánh tét đều rất nhanh bị hỏng. Vì vậy, theo bác sĩ Vân, cách tốt nhất để giữ bánh được lâu hơn là cho vào ngăn mát tủ lạnh, dù cách này có thể khiến bánh bị cứng, bị sượng (còn gọi là lại gạo). Chú ý, thỉnh thoảng bạn nên mở ra kiểm tra, nếu bánh bị chảy nhựa thì nên vứt đi. Bánh chưng, bánh tét bị khô thì có thể hấp hoặc chiên lại.

Bác sĩ dinh dưỡng chỉ cách bảo quản thức ăn thừa sau Tết để không gây hại sức khỏe - 3

Bánh chưng hay bánh Tét đều rất mau hỏng trong thời tiết ấm nóng.

Món thịt kho, thịt luộc, giò chả:

Đối với thịt kho, thịt luộc, giò chả còn thừa sau những bữa cơm nên cất vào ngăn mát, bữa ăn tới đem ra hâm lại. Để lưu giữ những loại thức ăn này trên 3 ngày, bà nội trợ nên cho vào ngăn đá để đông, hạn sử dụng tối đa có thể lên đến một tuần.

Dưa hành, dưa kiệu: Dưa hành, dưa kiệu có thể để bên ngoài nhưng nếu muốn lâu chua, giảm lên men thì để vào ngăn mát tủ lạnh, giữ được 1-2 tuần.

Bác sĩ dinh dưỡng chỉ cách bảo quản thức ăn thừa sau Tết để không gây hại sức khỏe - 4

Bác sĩ dinh dưỡng Lê Thị Ngọc Vân.

Ngoài ra, có thể tận dụng các món tết còn thừa để chế biến những món khác như:

- Bánh chưng, bánh tét: dát mỏng, cuộn cùng giò chả cắt sợi và củ kiệu/hành ngâm ở giữa, chiên giòn, ăn với rau sống.

- Thịt gà: có thể dùng để nấu súp hoặc cháo, hoặc xé nhỏ trộn gỏi. Phần thịt cũng có thể dùng làm ruốc (chà bông) gà.

- Các món thịt nguội, giò, chả, lạp xưởng… có thể thái lát, thái chỉ xào với rau củ và nấm. Hoặc cũng có thể dùng giò chả còn thừa cắt hạt lựu để làm món cơm chiên dương châu. Một cách nữa là giò chả đem cắt hạt lựu, trộn cùng với hành tây và ớt chuông cũng cắt hạt lựu, kết hợp với trứng thành món trứng hấp, trứng chưng, trứng bác...

- Trái cây: làm thạch trái cây hoặc làm hoa quả trộn sữa chua.

Thức ăn thừa nếu không được bảo quản đúng cách sẽ dễ dẫn tới các vấn đề sức khỏe sau:

Ngộ độc thực phẩm

Các nghiên cứu chỉ ra rằng vi khuẩn phát triển trong thực phẩm ở nhiệt độ 4,4-60 độ C. Nếu bạn sử dụng thức ăn thừa không được bảo quản trong tủ lạnh trong vòng 2 giờ sau khi nấu, bạn sẽ có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn. Thực phẩm hỏng có thể biến thành rất nhiều loại độc tố. 

Rối loạn tiêu hóa

Sự phát triển của vi khuẩn sẽ gây rối loạn tiêu hóa và chứng khó tiêu. Ngoài ra, sự phát triển của vi khuẩn sẽ khiến cho thực phẩm đã bị lên men ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa. Không bao giờ sử dụng những loại thực phẩm dễ bị hư hỏng để ở nhiệt độ phòng bình thường hơn 2 giờ.

Đau bụng

Đau bụng có thể do sự hình thành khí và co thắt ruột khi bạn ăn thức ăn thừa. Thực phẩm bảo quản lạnh đun lại là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm và có liên quan tới đau bụng. 

Buồn nôn - tiêu chảy

Nếu thức ăn bị hỏng, nó có thể khiến cơ thể buồn nôn hoặc nặng hơn sẽ làm bạn bị tiêu chảy không ngừng. Bởi thức ăn thừa thường sẽ tạo ra lượng muối nitrit, một dạng rất độc khi kết hợp cùng protein trong cơ thể hoặc thức ăn ăn cùng.

Bác sĩ dinh dưỡng cảnh báo thói quen khi ăn thịt kho tàu ngày Tết dễ gây ngộ độc
Mặc dù là món ăn ngon, nhiều dinh dưỡng nhưng bác sĩ lưu ý không nên ăn quá nhiều thịt kho tàu, đặc biệt phải cân đối dinh dưỡng và kết hợp thêm nhiều...
Yến Nhi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan