Tết lạnh ăn lẩu rất ngon nhưng nhiều người vẫn gặp sai lầm khi ăn gây ảnh hưởng sức khỏe

Ngày 26/01/2020 09:30 AM (GMT+7)

Lẩu là món ăn được nhiều người ưa thích, tuy nhiên cần phải biết cách chế biến và sử dụng thì mới phát huy được giá trị dinh dưỡng.

Tết lạnh ăn lẩu rất ngon nhưng nhiều người vẫn gặp sai lầm khi ăn gây ảnh hưởng sức khỏe - 1

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, Tết Nguyên đán năm nay miền Bắc có không khí lạnh, nhiệt độ giảm sâu. Với điều kiện thời tiết như hiện nay, rất nhiều gia đình lựa chọn món lẩu trong ngày Tết vì vừa ấm cúng, lại vừa chống chọi lại với cái lạnh của thời tiết…Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nếu không chú ý trong cách chế biến, cách sử dụng sẽ rất dễ gây hại cho sức khỏe.

Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào - Phó khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết lẩu là món ăn rất đỗi quen thuộc và được nhiều người sử dụng không chỉ trong dịp Tết, mà cả ngày thường. Nếu ăn lẩu đúng cách sẽ giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất nhanh. Ngược lại, nếu không ăn đúng cách sẽ khiến cho các chất dinh dưỡng có trong các thực phẩm không còn.

Tết lạnh ăn lẩu rất ngon nhưng nhiều người vẫn gặp sai lầm khi ăn gây ảnh hưởng sức khỏe - 2

Bác sĩ Đào cho biết khi ăn lẩu cũng cần thực hiện đúng nguyên tắc ăn chín, uống sôi.

Theo đó, các thực phẩm ăn lẩu thường là tươi sống nên giá trị dinh dưỡng cao. Khi ăn lẩu nên cho thực phẩm vừa chín tới rồi sử dụng ngay, như vậy vừa đảm bảo, vừa rất tốt cho sức khỏe. Nhưng hiện nay, nhiều người khi ăn lẩu lại sử dụng đồ ăn tái, điều này là không tốt đặc biệt là những thực phẩm chứa nhiều ký sinh trùng.

Một vấn đề nữa rất hay gặp ở cánh đàn ông khi vừa ăn vừa uống rượu. Theo đó, khi ăn lẩu thường ngồi rất lâu, cho thực phẩm vào nồi lẩu ninh nhừ cả rau và thịt nhưng không ăn, như vậy không chỉ làm mất hết giá trị dinh dưỡng, mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng nồi lẩu.

Một vấn đề nữa khi ăn lẩu cần phải lưu ý, đó là không nên kết hợp những thực phẩm kỵ nhau. Ví dụ khi ăn lẩu với các loại hải sản có vỏ như tôm, ngao, ốc… thì không nên ăn kèm thực phẩm chứa vitamin C như ớt, mướp đắng, cà chua... có thể gây ngộ độc.

Hay như cà chua và khoai lang, khoai tây cũng rất kỵ nhau, tránh dùng chung. Bởi vì khi kết hợp các loại thực phẩm này với nhau sẽ dẫn đến khó tiêu, đau bụng, rối loạn tiêu hóa. Rau mồng tơi khi kết hợp với thịt bò sẽ mất đi tính nhuận tràng, tiêu hóa kém hơn. Những người bị táo bón nếu kết hợp hai thực phẩm này với nhau sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng.

Tết lạnh ăn lẩu rất ngon nhưng nhiều người vẫn gặp sai lầm khi ăn gây ảnh hưởng sức khỏe - 3

Ngoài ra, một số người cũng kiêng chỉ nên ăn ít hoặc không ăn lẩu. Bởi trong lẩu thường có chất cay sẽ gây tổn thương đến dạ dày, tuyến tụy. Do đó, những người mắc bệnh dạ dày, đường tiêu hóa yếu không nên ăn các loại lẩu nhiều chất đạm, hải sản mà nên chọn lẩu nấm hay lẩu thanh đạm sẽ tốt hơn.

Những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, phong thấp nên ít ăn hoặc không nên ăn lẩu nhiều đạm mỡ. Lẩu chứa nhiều gia vị, thực phẩm đôi khi không để ý sẽ có nguy cơ gây hại cho thai nhi vì vậy phụ nữ có thai nên hạn chế ăn lẩu.

Cuối cùng, bác sĩ Đào cho rằng khi chế biến lẩu cần tùy theo đặc tính của loại thực phẩm chính để từ đó có những sự kết hợp cho hợp lý. Ngoài ra, trong quá trình ăn lẩu cũng cần có một người ngồi đầu nồi chuyên phân phối đồ ăn cho mọi người trong mâm. Như vậy, vừa đảm bảo vệ sinh, các thực phẩm cũng không lo bị sống hay bị chín quá nhừ làm mất chất dinh dưỡng.

Cô gái nôn ra máu sau khi ăn lẩu, BS nói ăn lẩu kiểu này còn dễ mắc ung thư
Thời tiết mùa đông rất thích hợp để ăn các món ấm nóng như lẩu. Tuy nhiên khi ăn lẩu cần phải chú ý không ăn khi quá nóng nếu không sẽ tự hại chính...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết - Yêu đi đừng sợ