Đường huyết tăng cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nếu không nắm vững các cách thức chính xác kiểm soát đường huyết sẽ gây ra những vấn đề nguy hiểm cho cơ thể con người.
Cơ thể của chúng ta có một lượng đường tự nhiên và nó cũng cần đường để cung cấp năng lượng cho chúng ta thực hiện các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, khi lượng đường tăng cao qua một mức nhất định sẽ dẫn đến tăng đường huyết.
Khi lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các cơ quan của bạn và nó có thể bộc lộ ra một số biểu hiện bất thường ở một số bộ phận chẳng hạn như bàn tay. Nếu bàn tay có những biểu hiện dưới đây, bạn nên cảnh giác, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo đường máu tăng cao.
Những đặc điểm ở bàn tay cho thấy lượng đường trong máu tăng cao
1. Tê tay
Nếu cảm thấy tay thường xuyên bị tê mỏi thì nên đề phòng, rất có thể đây là tình trạng bệnh tật xâm nhập. Ở những người mắc bệnh tiểu đường, cơ thể thường gặp khó khăn khi di chuyển đường từ máu vào tế bào. Do đó, khi lượng đường trong máu cao trong một thời gian dài có thể dẫn đến sự tổn thương thần kinh. Tình trạng này còn được gọi là bệnh thần kinh tiểu đường.
Đây là loại tổn thương thần kinh gây tê tay và chân. Các triệu chứng khác của bệnh lý thần kinh này có thể bao gồm: Đuối sức, mất thăng bằng và có cảm giác như kim chích. Do đó, khi tê tay thường xuyên thì cần phải đến bệnh viện kiểm tra. Tình trạng này cần được điều trị nghiêm túc và tình trạng tê cục bộ có thể thuyên giảm bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu.
2. Da tay bị ngứa
Nhiều người bị ngứa thì đều đi khám xem có mắc bệnh ngoài da hay không. Vì phần lớn ngứa da tay là do tổn thương da, đặc biệt là chàm hoặc nhiễm nấm tại chỗ, dị ứng da, ngoài ra có thể xuất hiện các tổn thương trên da. Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu cao, các mô da cũng có thể bị kích thích, da bị tổn thương trong quá trình lưu thông máu, sức đề kháng trở nên yếu, dễ bị nhiễm trùng, gây cảm giác ngứa ngáy.
Người tiểu đường bị ngứa da dễ có nguy cơ bị nhiều vết thương hở do gãi mạnh. Những vết thương này lại tạo tiền đề cho vi khuẩn tấn công. Nhiều trường hợp có thể gây nhiễm trùng, loét. Vì vậy, ngay từ khi có những triệu chứng ban đầu, người bệnh cần tới bệnh viện thăm khám để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có cách điều trị phù hợp.
3. Giảm khả năng cảm nhận nhiệt độ
Nhiều người phát hiện tay bị giảm khả năng cảm nhận nhiệt độ, rõ ràng thời tiết bên ngoài thay đổi nhiệt độ nhưng tay lại không cảm nhận được gì, trường hợp này cũng nên đề phòng đường huyết tăng cao. Khi tăng đường huyết kéo dài, thần kinh tay dễ bị tổn thương, nếu có chức năng thần kinh cảm giác không bình thường thì sau khi bị tác động, độ nhạy với sự thay đổi nhiệt độ bên ngoài sẽ bị giảm sút. Trong trường hợp này, lượng đường trong máu cần được kiểm soát kịp thời để tránh những tổn thương đến thần kinh.
Phòng ngừa bệnh tiểu đường nên thực hiện các phương pháp sau
Phải lên kế hoạch để có chế độ ăn uống hợp lý:
- Giảm đường, tinh bột và chất ngọt, thay thế bằng chất đạm từ thịt, cá, trứng và rau xanh, hoa quả.
- Nên lựa chọn những loại ngũ cốc còn nguyên màng cám, gạo không nên xát kỹ. Không nên ăn quá no, có thể chia nhỏ các bữa ăn và nhai thật kỹ
- Tăng cường ăn cá, tối thiểu 2 bữa/tuần
- Hạn chế thức ăn giàu mỡ động vật, nội tạng động vật
- Tăng cường khẩu phần rau, hoa quả trong các bữa ăn
- Hạn chế ăn mặn, nước ngọt có gas, bánh kẹo
- Hạn chế tối đa những chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,...
Tập luyện thể thao đúng và hợp phù hợp mình:
- Hàng ngày, người tiền tiểu đường có thể đi bộ hoặc tập 1 môn thể dục nào đó với thời lượng khoảng 45p – 60 phút mỗi ngày, và không nên nghỉ quá 2 ngày trong 1 tuần. Để nhớ và duy trì được thói quen này, bạn nên nghỉ ngơi sau ăn khoảng 30-45 phút, sau đó đi bộ xung quanh khoảng 15-20 phút. Vậy tổng giờ hoạt động trong ngày sau 3 bữa chính sẽ được đảm bảo.
- Với những bạn trẻ làm công việc văn phòng nên hạn chế việc sử dụng thang máy, thay vào đó nên chọn đi cầu thang bộ và tránh ngồi quá lâu. Mỗi 1 tiếng nên đứng lên, đi lại nhẹ nhàng trong phòng làm việc để làm tăng sự nhạy cảm của insulin.