Ngày Tết, mọi gia đình đều không thể thiếu món bánh chưng, bánh tét. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có thể ăn và nếu muốn ăn thì phải ăn thế nào mới an toàn cho sức khỏe.
Bánh chưng, bánh tét là một loại bánh truyền thống của người Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Từng thành phần này của bánh chưng, bánh tét đều có những công dụng nhất định với sức khỏe.
Gạo nếp: Chứa chất bột (gluxit). Nếu thiếu chất bột khi ăn dễ bị tụt đường huyết, người mệt mỏi, chân tay bủn rủn, làm việc khó tập trung, bụng đói cồn cào...
Đậu xanh: Đậu xanh rất giàu protein, lipit, carbohydrat và các axit amin, các vitamin A, B1, B2, PP, B6…
Thịt lợn: Là nguồn cung cấp chất đạm (protein) không thể thiếu cho mọi lứa tuổi. Nếu trẻ em thiếu đạm sẽ chậm lớn, thấp bé nhẹ cân. Người lớn tuổi thiếu đạm hay bị mệt mỏi.
Mỡ lợn: Mỡ lợn cung cấp chất béo (lipid) là chất không thể thiếu cho mọi lứa tuổi. Nếu bổ sung chất béo hợp lý giúp hình thành phát triển của hệ thần kinh, nội tiết tố, sinh dục... Chất béo còn giúp hòa tan hấp thu chuyển hóa các vitamin A, D, E, K cũng như duy trì mềm mại của làn da, mái tóc...
Hạt tiêu: Trị chứng bụng lạnh đau, thổ tả, ói mửa, bụng đầy chậm tiêu, trừ độc của thịt cá, nấm.
Lá dong: Tác dụng giải độc, thanh nhiệt. Lá dong giúp bảo quản bánh được lâu, có màu xanh, mùi thơm, khai vị kích thích tiêu hoá.
Những người không nên ăn bánh chưng, bánh tét
Mặc dù bánh chưng, bánh tét ngon và giàu dinh dưỡng nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể ăn. Đặc biệt là những đối tượng dưới đây:
Người béo phì: Bánh chưng, bánh tét giàu năng lượng, nhiều tinh bột đặc biệt là bánh chưng rán nên người béo phì không nên ăn.
NgườI bị tiểu đường: 1/8 chiếc bánh chưng thông thường vào dịp Tết đã có giá trị dinh dưỡng của một bát cơm đầy có kèm thức ăn. Do đó người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn nhiều bánh chưng, bánh tét vì sẽ gây tăng đường huyết.
NgườI bị gút: Người bệnh gút không ăn nhiều thịt trong nhân bánh chưng, bánh tét.
Người bị bệnh thận: Đối với người mắc bệnh thận thường kèm theo các triệu chứng như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc tăng mỡ máu thì cần tránh xa bánh chưng, bánh tét vì nó rất nhiều chất béo.
Người bị đau dạ dày: Bánh chưng, bánh tét chứa gạo nếp và đỗ xanh thực sự không tốt cho người đau dạ dày bởi 2 nguyên liệu này sẽ tạo ra hơi khiến người bệnh đầy bụng, khó chịu, ợ chua, khó tiêu...
Cách ăn bánh chưng, bánh tét đảm bảo sức khỏe
Nên ăn bánh chưng với dưa, hành: Bánh chưng, bánh tét nhiều chất bột đường, chất đạm, chất béo nhưng lại ít chất xơ và vitamin nên cần bổ sung thêm nhóm rau củ. Bánh chưng, bánh tét được làm từ gạo nếp, khó tiêu, nên nếu ăn với dưa góp, hành muối sẽ kích thích tiêu hóa, giúp cho chúng ta không bị đầy bụng.
Hạn chế ăn bánh chưng rán: Ăn nhiều bánh chưng rán tăng nguy cơ tăng cân và đặc biệt không tốt cho những người có bệnh lý cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, bệnh thận.
Chỉ nên ăn vào bữa sáng hoặc trưa: Ăn bánh chưng, bánh tét vào buổi tối sẽ khiến bụng đầy hơi, khó tiêu, khó ngủ. Vì vậy, nếu thích món này bạn chỉ nên ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa. Lượng bánh chưng, bánh tét nạp vào cơ thể tốt nhất chỉ nên khoảng 100g bánh, tức 1/10 cái bánh chưng.
Không ăn kèm món có tinh bột khác: Một miếng bánh chưng nhỏ khoảng 50g cung cấp khoảng 150kcal, bằng lưng bát cơm. ăn bánh chưng rồi thì không nên ăn thêm các loại tinh bột khác như cơm, xôi, bánh mì, vì như vậy sẽ nạp quá nhiều tinh bột trong một bữa ăn, nguy cơ không kiểm soát được cân nặng có thể xảy ra.